Dự báo "nóng": Mỹ - Trung tranh “miếng bánh ASEAN”, Việt Nam là điểm sáng

(NLĐO) - ASEAN hiện là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc và là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Theo nhà kinh tế - chính trị nổi tiếng Zheng Yongnian, Trung Quốc phải củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng Đông Nam Á để xây dựng ảnh hưởng trong khu vực và quyền lực kinh tế vượt trội so với Mỹ.

Vị thế ASEAN đã khác

Là cố vấn cho các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Bắc Kinh sau hai thập kỷ nghiên cứu về sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế, ông Zheng Yongnian cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần đơn phương mở cửa nhiều hơn cho ASEAN. Thị trường hơn 600 triệu dân này đã trở thành chiến trường quan trọng của Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng leo thang.

Dự báo nóng: Mỹ - Trung tranh giành “miếng bánh ASEAN”, Việt Nam là điểm sáng - Ảnh 1.

Ông Zheng Yongnian - cố vấn cho các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Trong bài phát biểu tại tỉnh Vân Nam được công bố hôm 29-8, ông Zheng Yongnian, cũng là chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Qianhai (Thâm Quyến), nhấn mạnh: "ASEAN thực sự đã trở thành một khu vực trọng tâm trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ".

Hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới bắt đầu cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng" từ năm 2018 và căng thẳng đã lan sang lĩnh vực công nghệ khi Mỹ đã hạn chế khả năng tiếp cận của hàng trăm công ty Trung Quốc đối với công nghệ, linh kiện và thị trường của Mỹ.

Trong khi đó, khối ASEAN với 10 thành viên - gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đã vượt qua Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Ông Zheng kêu gọi Bắc Kinh bắt đầu mở rộng ảnh hưởng tới khối ASEAN bằng việc mở cửa biên giới với Lào và tận dụng tốt hơn tuyến đường sắt giữa hai nước, sau đó sử dụng nó như một hình mẫu để thu hút hợp tác thêm nhiều nước Đông Nam Á. ASEAN đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời cũng là một phần quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Mỹ - Trung tăng tốc so găng

Mỹ, nhà đầu tư lớn nhất ở khu vực ASEAN, cũng đang thúc đẩy liên minh chặt chẽ hơn với Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tất cả đều là thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), cùng với Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore. 

Sáng kiến IPEF gồm 14 thành viên do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào tháng 5-2022 được xem là chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. IPEF tập trung vào thương mại, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng, công nghệ, khử cacbon, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng.

Dự báo nóng: Mỹ - Trung tranh giành “miếng bánh ASEAN”, Việt Nam là điểm sáng - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Antony Blinken gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 4-2023. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN diễn ra vào ngày 25-8 ở thủ đô Jakarta - Indonesia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhận định căng thẳng chính trị và kinh tế Mỹ - Trung có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và đặt ra những thách thức to lớn, đặc biệt đối với ASEAN - vốn xem cả hai nước là đối tác kinh tế quan trọng.

Theo báo South China Morning Post, ASEAN đang phát triển quan hệ với hai siêu cường song chọn giữ thái độ trung lập trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hồi tháng 2-2022. Trong khi đó, căng thẳng leo thang giữa Nga tại Ukraine lại gây ra sự chia rẽ giữa Trung Quốc và phương Tây. Tuy vậy, ông Zheng Yongnian nhận định nếu xảy ra xung đột thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc, hầu hết quốc gia ASEAN có thể quay sang phía Mỹ. 

Cựu Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ tại một hội thảo năm ngoái cho rằng Trung Quốc cần tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với ASEAN để chống lại tác động của Mỹ. Cũng là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, tổ chức được Bộ Ngoại giao Trung Quốc hậu thuẫn, ông Từ Bộ nhấn mạnh: "ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc và là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ". 

Ký kết nhiều thỏa thuận

Đáng chú ý, Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán phiên bản cập nhật Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), tiếp tục mở rộng hợp tác thương mại sang các lĩnh vực kỹ thuật số và chuyển đổi xanh.

ACFTA được khởi động từ năm 2000. Đến năm 2010, phiên bản 1.0 chính thức ra đời với hơn 90% hàng hóa xuất khẩu của hai bên được hưởng thuế quan bằng 0. Năm 2019, ACFTA chính thức nâng cấp lên phiên bản 2.0. 

Đến tháng 11-2022, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc, hai bên tuyên bố khởi động đàm phán nâng cấp ACFTA lên phiên bản 3.0. Mới đây, vòng đàm phán thứ 3 về ACFTA phiên bản 3.0 được tổ chức từ ngày 24 đến 27-6 tại TP Côn Minh, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

Dự báo nóng: Mỹ - Trung tranh giành “miếng bánh ASEAN”, Việt Nam là điểm sáng - Ảnh 3.

Công nhân làm việc tại nhà máy tỉnh Hưng Yên - Việt Nam. Ảnh: Reuters

ACFTA phiên bản 3.0 sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, chuỗi cung ứng và công nghiệp, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. 

Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Li Fei hôm 25-8 cho biết hai bên đang tích cực xúc tiến đàm phán ACFTA phiên bản 3.0 nhằm thúc đẩy toàn diện mức độ mở cửa kinh tế, thương mại.

Ông Chong Jia Ian, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Quốc gia Singapore, lập luận cách tiếp cận của Trung Quốc có thể gặp thách thức vì những hạn chế đến từ phía Mỹ. "Tôi không chắc nó có tác dụng như thế nào trong việc ứng phó với các hạn chế thương mại của Mỹ, đặc biệt là về công nghệ. Việc hợp tác kinh tế nhiều hơn trên cơ sở bình đẳng, dù là với Bắc Kinh hay Washington, nhìn chung đều được hoan nghênh ở Đông Nam Á" - ông Chong Jia Ian nhận định. 

Mỹ ưu tiên tăng cường quan hệ với Việt Nam

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7-2023 đã nhấn mạnh Mỹ xem việc xây dựng mối quan hệ kinh tế và an ninh mạnh mẽ với Việt Nam là ưu tiên. Hãng tin AP dẫn lời bà Yellen cho biết: "Mỹ xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Dự báo nóng: Mỹ - Trung tranh giành “miếng bánh ASEAN”, Việt Nam là điểm sáng - Ảnh 5.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7. Ảnh: AP

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, Việt Nam cũng là một đối tác kinh tế thân thiết. Theo đó, thương mại hai chiều đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ vẫn là tăng cường mối quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam trong những tháng và năm tới. Việt Nam thời gian qua đã nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất xuất khẩu lớn của các nhà sản xuất toàn cầu như LG và Samsung Electronics của Hàn Quốc, nhà cung ứng cho hãng Apple và các nhà sản xuất ô tô như Honda và Toyota.

Chuyến thăm của bà Yellen là một phần trong nỗ lực phối hợp của Mỹ nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương -  Bình Dương. Đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đến thăm Việt Nam và cam kết thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Trong thông cáo trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính phủ Mỹ trân trọng mối quan hệ đối tác mà chính phủ và người dân hai nước đã cùng nhau vun đắp, đồng thời mong muốn hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực ưu tiên nhằm thúc đẩy mục tiêu chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thịnh vượng, cởi mở, kiên cường và hòa bình. 

Trung Quốc giữ vững vị thế đối tác lớn của Việt Nam

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 63,2 tỉ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái - theo thống kê của Hải quan Việt Nam và đạt 87,6 tỉ USD, giảm 2,6% - theo thống kê của Hải quan Trung Quốc.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết Trung Quốc đã nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19, xác định tập trung giữ vững ổn định phát triển và bảo đảm tăng trưởng. Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khi hành lang xuất nhập khẩu trở nên thông thoáng hơn, thị trường tiêu dùng nội địa nước này mở rộng nhu cầu và hợp tác thương mại với các nước ASEAN được Trung Quốc coi trọng. Trong đó, các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam có lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực.