Dự báo "nóng": Thiếu lao động, nhiều nước suy giảm tăng trưởng
(NLĐO) - ChatGPT đem đến kỳ vọng trí tuệ nhân tạo và người máy có thể giúp các nền kinh tế tiên tiến khắc phục tình trạng dân số già. Nhưng, thực tế là không thể!
Tỉ lệ sinh giảm và tình trạng di cư của những người trẻ tuổi có học thức là một "quả bom hẹn giờ" đối với nước Ý.
Chảy máu chất xám vì lương thấp
Ông Andrea Sironi, Chủ tịch công ty bảo hiểm lớn nhất Ý Generali, nhận định nguồn nhân lực là vấn đề lớn đối với nước này. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Ý (ISTAT), trong năm 2022, Ý có dưới 400.000 ca sinh, thấp nhất trong lịch sử. Đây cũng là năm thứ 14 liên tiếp nước này giảm sinh.
Một vấn đề trầm trọng hơn là tỉ lệ người có bằng đại học tại Ý thấp hơn mức trung bình tại châu Âu. Tại Ý, chỉ có 28% người từ 25-34 tuổi có bằng đại học trong khi tỉ lệ trung bình ở châu Âu là 41% và một số quốc gia châu Âu đạt trên 50%. Đáng lo ngại hơn, trong số 50.000 người rời khỏi nước này mỗi năm, có nhiều người dưới 40 tuổi, được giáo dục, có kỹ năng khoa học.

Ông Andrea Sironi, Chủ tịch Công ty Generali, thừa nhận thiếu nguồn nhân lực là vấn đề lớn đối với Ý. Ảnh: Reuters
Ông Sironi - cũng là Giáo sư tại Trường ĐH Bocconi ở Milan - cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường này tìm được việc làm ở nước ngoài đã tăng lên 37% bởi tại Ý, lương trả cho người lao động quá thấp. Sinh viên mới ra trường chỉ kiếm được 1.300 - 1.500 euro/tháng, bằng 1/2 mức lương tại Đức hoặc Pháp. Mức lương thấp cũng khiến Ý không phải là thị trường hấp dẫn với người lao động nước ngoài.
Giới chuyên gia nhận định khi kết hợp cả 3 yếu tố trên (tỉ lệ sinh thấp, tỉ lệ người có bằng đại học thấp và mức lương thấp - PV) sẽ tạo thành "một quả bom hẹn giờ" đối với nước Ý. Tỉ lệ sinh thấp và dân số già đi khiến nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực sử dụng đồng euro đang đối mặt với năng suất kinh tế suy giảm và chi phí phúc lợi cao hơn.
Theo hãng tin Reuters, tỉ lệ sinh giảm cùng tình trạng chảy máu chất xám ra nước ngoài tiếp tục diễn ra sẽ khiến nước Ý giảm 1 triệu học sinh trong thập kỷ tới. ISTAT cảnh báo dân số Ý sẽ giảm xuống 54,2 triệu người vào năm 2050 và 47,7 triệu người vào năm 2070.

Dân số Ý sẽ giảm còn 54,2 triệu người vào năm 2050 và 47,7 triệu người vào năm 2070. Ảnh: Reuters
Có khả năng nhưng thiếu nguồn lực
Cũng đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trước mắt, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - có thể chỉ đạt tăng trưởng hạn chế ở mức 1% trong suốt thập kỷ tới.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Andre Schulte-Suedhoff (46 tuổi, sống tại Munster) cho biết bản thân đã làm điều chưa từng làm trong 20 năm qua. Đó là tham gia vào dây chuyền sản xuất tại nhà máy sản xuất thiết bị lọc không khí Schuko, nơi ông là giám đốc điều hành. Nhà máy này hiện có 200 nhân viên và muốn tuyển thêm 15 người nữa. Nếu không giao được hàng, nhà máy sẽ phải đóng tiền phạt.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp ở Đức trong những tháng gần đây. Doanh nghiệp có thể bán thêm hàng nhưng lại không đủ người để sản xuất.
Theo mô hình nghiên cứu của một viện nghiên cứu của chính phủ Đức, lực lượng lao động 47 triệu người đồng nghĩa với việc tiềm năng kinh tế của nước này gần như chấm dứt. Ngân hàng Tái thiết Đức cũng cho rằng nền tảng cho sự tăng trưởng thịnh vượng đang sụp đổ.
Nếu không có gì thay đổi, nguồn cung lao động tại Đức sẽ giảm 3 triệu người trong vòng 10 năm tới trừ khi nước này nới lỏng điều kiện nhập cư. Đức sẽ phải đối diện với tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế, gia tăng áp lực lạm phát và các công ty sản xuất vốn là xương sống của nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng gặp nhiều thách thức.

Nhà máy sản xuất Schuko ở Bad Laer, Đức. Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg Economics, tăng trưởng kinh tế của Đức đang đối mặt với lực cản từ vấn đề nhân khẩu học lớn hơn so với bất kỳ quốc gia phương Tây nào trong thập kỷ tới và chỉ xếp sau Nhật Bản.
Giới chuyên gia chỉ ra hai giải pháp chính cho nước này là tăng số lượng công nhân và tận dụng tối đa lực lượng hiện tại. Tuy nhiên, cả hai đều rất khó thực hiện. Để tăng số lượng lao động, Đức cần nới lỏng cả quy định nhập cư và di cư trong bối cảnh làn sóng nhập cư từ Trung - Đông Âu đang chậm lại khi mức sống ở những khu vực này bắt kịp Đức. Cũng chính vì vậy, Đức đã gia tăng thị thực cho lao động có tay nghề từ Ấn Độ, Philippines và Indonesia trong thập kỷ qua.
Khuyến khích người nghỉ hưu đi làm
Dẫu vậy, nhập cư vẫn là một vấn đề gây tranh cãi và người dân Đức vẫn đang chật vật để hòa nhập với hơn một triệu người Ukraine di cư đến vào năm ngoái. Các trường học phải mở rộng hết công suất, không đủ nhà ở và người dân yêu cầu ban hành điều luật chống nhập cư.
Tương tự, đối với việc tận dụng tối đa lực lượng hiện tại, Đức đã sử dụng gần hết nguồn tài nguyên này. Tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động tại nước này vẫn đều đặn tăng hơn 10% trong 30 năm qua, ngang với Mỹ và cao hơn các quốc gia châu Âu khác

Ông Andre Schulte-Suedhoff, 46 tuổi, là giám đốc điều hành nhà máy sản xuất thiết bị lọc không khí Schuko. Ảnh: Bloomberg
Một nhóm tiềm năng khác là những người trong độ tuổi nghỉ hưu không muốn quay lại làm việc dù chính phủ đã vận động. Hiện tại, chỉ có 9% người Đức từ 65 tuổi trở lên vẫn đi làm, cách xa tỉ lệ 20% tại Mỹ.
Ngay cả khi không thể tăng số lượng lao động thì tăng trưởng trong tương lai vẫn có thể được thúc đẩy bằng cách tăng năng suất lao động. Nhưng, sau khi tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ trước, năng suất lao động của Đức đã đình trệ trong những năm gần đây. Kể từ năm 2015, năng suất lao động của nước này đã chậm lại, chỉ tăng khoảng 2%/năm, ít hơn nhiều so với con số 8% của Mỹ.
ChatGPT đem đến kỳ vọng trí tuệ nhân tạo và người máy có thể giúp các nền kinh tế tiên tiến như Đức khắc phục tình trạng dân số già. Tuy nhiên, theo ông Schulte-Suedhoff, công nghệ mới có thể giúp tăng năng suất nhưng vẫn cần những công nhân lành nghề để bảo dưỡng robot và thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Đây mới là vấn đề cơ bản mà nước Đức cần giải quyết. Các ngành công nghiệp chế tạo và kỹ thuật công nghệ cao từ lâu là lợi thế cạnh tranh của Đức nhưng những người Đức trẻ tuổi không muốn học những kỹ năng đó nữa.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất Schuko. Ảnh: Bloomberg
Tăng lương cho lao động kỹ thuật
Tương tự, tại Anh, ông Nick Gray, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Currie & Brown, cũng cảnh báo những dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực quan trọng và hệ thống cơ sở hạ tầng của gia có thể bị ảnh hưởng vì thiếu nhân lực.
Báo cáo Triển vọng Thị trường Xây dựng của Công ty tư vấn Currie & Brown chỉ ra Anh cần thêm 225.000 công nhân xây dựng vào năm 2027 để đáp ứng nhu cầu của các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia.
"Hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia rất quan trọng đối với sức khỏe kinh tế của Anh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chính. Vì vậy, nguy cơ thiếu hụt lao động có kỹ năng được xem là hồi chuông cảnh báo cho ngành xây dựng" - ông Gray lý giải.
Trong khi lạm phát đang giảm dần, tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động có kỹ năng xây dựng được dự báo sẽ khiến chi phí lao động tăng 8,3% vào năm 2023. Phó Giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu John Springford cho rằng người sử dụng lao động sẽ phải ứng phó bằng cách tăng lương và tăng giá trong khi sản lượng giảm đi, nhất là trong những ngành khó tự động hóa.

Người đi làm vào buổi sáng ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg
Còn tại Nhật Bản, theo tổ chức nghiên cứu độc lập Recruit Works Institute, dân số trong độ tuổi lao động của nước này dự kiến còn 59,8 triệu người vào năm 2040, giảm 20% so với năm 2020. Nguồn cung lao động ở Nhật Bản năm 2040 dự kiến giảm 12% so với năm 2022, ngay cả khi nhu cầu lao động vẫn ổn định.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây đã cam kết chi khoảng 1.000 tỉ yen (7,6 tỉ USD) để đào tạo thêm người lao động tay nghề cao trong 5 năm tới. Một số biện pháp khác cũng được đề cập như tăng lương, hỗ trợ lao động trẻ về mặt kinh tế và giúp họ nuôi dạy con cái trong môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy tỉ lệ sinh...