Dự báo “nóng: Tỉ giá dậy sóng từ nay đến cuối năm?
(NLĐO) - Tỉ giá gần đây “nóng” lên khiến thị trường và nhà đầu tư lo ngại xu hướng này tiếp tục gia tăng tới cuối năm.
Tỉ giá trung tâm cuối tuần này được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở 24.060 đồng/USD, tăng khoảng 1,89% so với đầu năm. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 24.130 đồng/USD mua vào, 24.470 đồng/USD bán ra, tăng 3,1% so với đầu năm.
Chứng khoán liêu xiêu vì tỉ giá
Khoảng gần 2 tuần nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã vượt 24.000 đồng. Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Công ty Chứng khoán MBS cho rằng đồng USD mạnh lên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đà tăng của tỉ giá.
Theo các chuyên gia, giới đầu tư đang lo ngại sự phân hóa ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước khu vực châu Á, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản... nên dồn sự chú ý vào USD. Điều này khiến chỉ số sức mạnh của đồng USD tăng liên tục trong 3 tháng gần đây và vượt mốc 105 điểm.
Sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lãi suất cơ bản của Mỹ giữ nguyên nhưng đang ở mức cao nhất trong 22 năm qua và để ngỏ khả năng còn tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay.

Giá USD tại các ngân hàng thương mại đã vượt 24.000 đồng. Ảnh: Tấn Thạnh
Ở trong nước, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong 2 ngày cuối tuần, đóng cửa dưới ngưỡng 1.200 điểm và đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Một loạt cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản... bị bán tháo với thanh khoản tăng đột biến. Tỉ giá USD/VNĐ "dậy sóng" được xem là một trong những yếu tố tác động không tích cực tới thị trường chứng khoán.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán tháo trong phiên cuối tuần không chỉ bởi diễn biến không tốt của thị trường toàn cầu mà còn do những áp lực liên quan vấn đề tỉ giá. Để ổn định tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu.
"Nhiều nhà đầu tư quan ngại đây là động thái thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước. Tôi cho rằng bước đi này không phải nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại mà chỉ là giải pháp tình thế nhằm hút thanh khoản dư thừa để hạn chế đầu cơ tỉ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó" - ông Hinh phân tích.
Trước đó, cơ quan quản lý đã phát hành tín phiếu trở lại trên thị trường mở kể từ tháng 3-2023. Giá trị phát hành thành công đạt 9.995 tỉ đồng, lãi suất trúng thầu đạt 0,69% và kỳ hạn là 28 ngày. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng qua đêm hiện ở mức 0,08%/năm và tiếp tục dao động ở vùng thấp trong tháng thứ 3 liên tiếp. Lãi suất các kỳ hạn khác ở quanh 0,18%-0,8%/năm. Như vậy, lãi suất trúng thầu tín phiếu đang cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng.
"Động thái hút VNĐ của Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ, đồng thời giảm áp lực tỉ giá trong thời gian tới" - chuyên gia của Công ty Chứng khoán MBS nêu quan điểm.
Sẵn sàng can thiệp chính sách
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank, động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước là tín hiệu cho thấy cơ quan này sẵn sàng can thiệp để ổn định tỉ giá.
Các chuyên gia đánh giá cơ quan quản lý đã thể hiện sự chủ động hơn rất nhiều trong điều hành tỉ giá và lãi suất. Nhờ đó, có khả năng đạt cả mục tiêu giữ tỉ giá ổn định và duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ phát triển kinh tế.
VNĐ vẫn "khỏe"
Tại Talkshow chứng khoán với chủ đề "Tỉ giá tăng, chứng khoán còn biến động mạnh?" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối phân tích và nghiên cứu sản phẩm khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhìn nhận tỉ giá tăng đang ít nhiều tác động đến thị trường chứng khoán cũng như các lĩnh vực sản xuất. Dù vậy, nếu so với các nước trong khu vực, VNĐ vẫn "khỏe" và tỉ lệ mất giá không lớn bằng một số đồng tiền khác.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán Ngân hàng HSBC Việt Nam, chỉ rõ tỉ giá trung tâm đã lần đầu tiên vượt mốc 24.000 đồng/USD kể từ khi được áp dụng vào đầu năm 2016. Với nhu cầu ngoại tệ tăng cao ở thời điểm này, tỉ giá tăng sẽ gây tác động nhất định tới nền kinh tế, nhất là hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỉ giá giá tăng nhanh sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong nước và đây là yếu tố cần phải theo dõi chặt chẽ. Chưa kể, sự ổn định của tỉ giá là cần thiết trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bảo đảm doanh nghiệp FDI có thể duy trì hoạt động ổn định.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Maybank, dự báo VNĐ sẽ mất giá khoảng 2%-3% trong năm nay. Sự mất giá không đáng kể này cộng với thông điệp ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp chính sách nới lỏng tiền tệ được duy trì trong ngắn và trung hạn. Trong dài hạn, cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam liên tục dương nhờ thặng dư thương mại và dòng vốn FDI ổn định nhờ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả đều là các yếu tố hỗ trợ chính cho VNĐ.
Tỉ giá tiếp tục biến động ra sao?
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC dự báo tỉ giá từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Bởi lẽ, đồng USD chưa có dấu hiệu suy yếu, thậm chí thể hiện đà mạnh lên trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ chưa suy giảm. Điều này tạo áp lực đối với tỉ giá của các đồng tiền, trong đó có VNĐ.

Trong khi đó, Trung Quốc chưa cho thấy được đà hồi phục kinh tế mạnh mẽ sau khi mở cửa trở lại, khiến đồng nhân dân tệ mất giá kỷ lục trong năm nay. Vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên VNĐ từ đó cũng chịu sức ép nhất định.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi mua ròng mạnh vào cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng suốt 5 tháng gần đây. Hoạt động của nhóm nhà đầu tư này cùng với việc doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng nhu cầu giao thương trong những tháng cuối năm khiến nhu cầu ngoại tệ càng được đẩy cao.
Chưa hết, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và neo lãi suất ở mức cao thì Việt Nam hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Thanh khoản VNĐ được duy trì dồi dào trong bối cảnh hoạt động giải ngân tín dụng còn chậm. Những nguyên nhân kể trên sẽ tiếp tục tạo ra xu hướng tăng của tỉ giá từ nay tới cuối năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức độ tăng tỉ giá trong những tháng cuối năm nay sẽ không mạnh như cùng kỳ năm trước. Bởi vì, đồng USD tuy được dự báo vẫn "khỏe" nhưng chỉ số sức mạnh của đồng tiền này không cao bằng cùng kỳ. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế châu Âu có dấu hiệu suy yếu, sức ảnh hưởng của đồng bạc xanh đối với khu vực này sẽ nhiều hơn đối với châu Á.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MBS dự báo tỉ giá trong những tháng cuối năm có thể dao động khoảng 24.300 - 24.500 đồng/USD, với giả định FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % trong tháng 11.
Thế giới: Giá dầu tiếp đà tăng
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, hôm 22-9, giá dầu Brent ở mức 93,83 USD/thùng.
Ông Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu tại Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase, cảnh báo đợt tăng giá dầu Brent gần đây có thể tiếp tục tạo đà để giá năng lượng này vọt lên mốc 150 USD/thùng vào năm 2026. Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), cho rằng giá dầu Brent dự kiến đạt 100 USD/thùng trong 12 tháng tới, cao hơn mức dự báo trước đó là 93 USD/thùng.
Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) dù lạc quan về tương lai của giá dầu thô Brent do sự thiếu hụt nguồn cung nhưng vẫn cho rằng mức giá trên 100 USD/thùng là "không bền vững".
Những dự báo trên được đưa ra dựa vào việc liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và OPEC+ cắt giảm sản lượng, phần lớn do Ả Rập Saudi gia hạn việc cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày. Tiếp đến là lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu không thời hạn từ Nga sang hầu hết các nước, gây nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu trước mùa đông và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt toàn cầu.
Theo đài CNBC, Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel hàng đầu thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn. Đó là lý do thị trường lo ngại về tác động tiềm tàng từ lệnh cấm của Nga, đặc biệt vào thời điểm kho dự trữ dầu diesel toàn cầu đang ở mức thấp.
Các nhà phân tích năng lượng cho rằng những từ ngữ "mơ hồ" được sử dụng trong thông báo của Nga làm thị trường khó đánh giá chính xác lệnh cấm sẽ được áp dụng trong bao lâu. Nhu cầu dầu thô tăng kết hợp với những hạn chế về nguồn cung có thể thúc đẩy tiêu dùng và giá dầu thô tăng.
X.Mai