Dự báo “nóng”: Trung Quốc có quyết định "lạ", kinh nghiệm cho Việt Nam
(NLĐO) - Lĩnh vực tài chính được xem là đủ lớn để chi phối toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, đòi hỏi mạnh tay cải tổ để xử lý những vấn đề tồn tại. Với Việt Nam, mô hình nào là phù hợp?
Trong kế hoạch cải tổ bộ máy quản lý mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên của Trung Quốc vừa được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thông qua hôm 10-3, nội dung gây chú ý là quyết định nâng cấp Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thành cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ).
Năng lực và quyền lực mạnh hơn
Trước đó, trong phương án cải cách trình Quốc hội, Trung Quốc sẽ thành lập một siêu cơ quan quản lý để giám sát tài sản ngân hàng và bảo hiểm trị giá 400.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 57.700 tỉ USD). Cơ quan này sẽ có tên gọi Ủy ban Quản lý tài chính quốc gia, đảm trách một số nhiệm vụ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Như thế, đồng nghĩa Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc sẽ bị xóa bỏ.
Trong khi đó, CSRC sẽ được nâng lên thành cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ). Mục đích là để giải quyết các xung đột và vấn đề tồn đọng từ lâu trong lĩnh vực tài chính. Cơ quan mới sẽ tập trung vào việc tăng cường giám sát các tổ chức tài chính và trấn áp vi phạm.

Một màn hình lớn phát sóng trực tiếp hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên họp ở Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 10-3. Ảnh: REUTERS
Hệ thống mới cho phép các tổ chức phát hành tự do định giá cổ phiếu được chào bán dựa trên nhu cầu thị trường thay vì mức giá trần do cơ quan quản lý đặt ra. CSRC sẽ nắm toàn quyền phê duyệt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai, giúp cơ quan này có tiếng nói hơn đối với thị trường trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành - lĩnh vực đòi hỏi tăng cường giám sát do nợ cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định việc Trung Quốc nâng cấp CSRC thành cơ quan thuộc Chính phủ thể hiện năng lực cũng như quyền lực mạnh hơn của cơ quan này. Mặt khác, tình hình kinh tế Trung Quốc với những bất ổn sẵn có đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nguy cơ đi vào suy thoái đòi hỏi nước này phải cải tổ, nâng cấp vai trò, vị trí của CSRC nhằm ngăn ngừa khả năng phải đối mặt với khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính.
"Với động thái này, Trung Quốc có thể sẽ giải quyết được những vấn đề tồn đọng, vướng mắc hiện nay một cách nhanh chóng thông qua tăng cường phân cấp, phân quyền và giảm đầu mối, tầng nấc trung gian. Từ đó, chỉ đạo từ Chính phủ được đưa vào thực thi sớm hơn. Hơn thế, việc nâng cấp CSRC không chỉ giải quyết vấn đề hành chính mà còn có ý nghĩa đưa nền tài chính của Trung Quốc sang một giai đoạn vận hành, phát triển mới cùng giải pháp quản lý tương xứng quy mô của thị trường" - TS Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra thực tế thị trường bất động sản của Trung Quốc đang đi xuống và nước này cần xác định những động lực tăng trưởng khác. Trong khi đó, chứng khoán là mô hình chuyển động tài chính lớn nhất hiện nay. Thị trường chứng khoán không hoạt động độc lập mà liên thông với thị trường trái phiếu, ngân hàng, kim loại quý và các thị trường tiền tệ khác. Do đó, việc nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường này là tất yếu để hỗ trợ phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
Lĩnh vực tài chính của Trung Quốc hiện được xem là đủ lớn để chi phối toàn bộ nền kinh tế nước này. Tổng tài sản thuộc sở hữu của các ngân hàng và công ty bảo hiểm lên đến 400.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 57.700 tỉ USD). Tổng vốn hóa thị trường chứng khoán lên tới 11.000 tỉ USD.
Trước quyết định cải tổ của Trung Quốc, Bloomberg dẫn quan điểm cho rằng các nhà chức trách nước này nhận thấy quy mô và vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế đang tăng lên như là nguồn thu hút tài sản của các hộ gia đình. Chứng khoán sẽ dần "soán ngôi" bất động sản trong thời gian tới.
Theo Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), Ủy ban Quản lý tài chính quốc gia do Trung Quốc đề xuất sẽ giải quyết tốt hơn những vấn đề còn tồn đọng có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế, từ bong bóng bất động sản đến sự mở rộng không kiểm soát của các tập đoàn tài chính.

Màn hình hiển thị các chỉ số chứng khoán tại Thượng Hải - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Áp dụng ở Việt Nam: Còn ý kiến trái chiều
Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng mô hình đổi mới quản lý thị trường chứng khoán vừa được Trung Quốc đưa ra là mô hình đang được nhiều nước phát triển áp dụng. Theo hệ thống chuẩn của các nước phát triển, hầu như ủy ban chứng khoán (hoặc tên gọi khác tương đương) là cơ quan độc lập ngang bộ, trực thuộc trung ương thay vì thuộc một bộ, ngành nào đó. Chẳng hạn, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) là cơ quan độc lập của Chính phủ nước này. Bởi vậy, nền kinh tế số 2 thế giới tính đến việc nâng cấp cơ quan quản lý chứng khoán thành cơ quan thuộc Chính phủ là phù hợp.
Với thị trường Việt Nam, một chuyên gia chứng khoán cho hay đề xuất nâng cấp Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thành cơ quan ngang bộ từng được đưa ra thảo luận trước thời điểm Luật Chứng khoán 2019 được ban hành. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nên đến thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn trực thuộc Bộ Tài chính.
Theo giám đốc phân tích một công ty chứng khoán tại TP HCM, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, Bộ Tài chính điều hành thu chi ngân sách nhà nước. Trong khi đó, thị trường chứng khoán là thị trường vốn, ở giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Do đó, Việt Nam cũng có thể xem xét nâng tầm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành cơ quan ngang bộ.
"Việc tách biệt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập với Bộ Tài chính sẽ giúp tăng quyền độc lập và quyền tự quyết, đưa ra chính sách điều hành sát thị trường và nhanh chóng hơn. Còn hiện tại, Ủy ban chứng khoán Nhà nước kiểm soát, giám sát hoạt động của thị trường vốn song vẫn phải xin ý kiến, đặt dưới sự giám sát của Bộ Tài chính" - giám đốc phân tích của công ty chứng khoán nói.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cho rằng phải đặt thị trường chứng khoán vào đúng vị trí thì mới phát triển đúng tầm. Nếu chỉ nhìn vào số lượng nhà đầu tư trong nước để so sánh với các thị trường trên thế giới sẽ thấy rất nhỏ bé nhưng nếu so sánh vốn hóa thị trường trên GDP thì con số rất lớn. Hơn nữa, thời gian qua, tác động của thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu tới nền kinh tế là không nhỏ nên việc nâng tầm thị trường thông qua trao quyền cho cơ quan quản lý chứng khoán là cần thiết.
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá kế hoạch cải tổ của Trung Quốc - bao gồm việc đưa CSRC lên một tầm cao mới - là quyết định "lạ" và khá táo bạo. Bởi lẽ, đúng là có quốc gia vận hành mô hình cơ quan quản lý chứng khoán trực thuộc Chính phủ song thực tế không nhiều. Mô hình này cũng chưa cần thiết áp dụng ở Việt Nam bởi quy mô thị trường chứng khoán nước ta còn quá nhỏ; bộ máy quản lý không quá phức tạp, rườm rà và không gây ảnh hưởng quá lớn đến điều hành chung.
"Tuy không đặt vấn đề nâng cấp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở góc độ hành chính nhưng tôi cho rằng Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm các nước, trong đó có Trung Quốc, để cải tổ bộ máy quản lý sao cho hiệu quả hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chao đảo một thời gian và chưa thể về trạng thái ổn định nên chúng ta cũng cần chủ động quản lý rủi ro, lập nên một sân chơi lành mạnh, bền vững" - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Chứng khoán toàn cầu lao dốc
Kế hoạch cải tổ của Trung Quốc được đưa ra trùng với thời điểm các cơ quan quản lý ngân hàng tại California - Mỹ đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), đánh dấu sự sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên bán tháo mạnh cổ phiếu ngân hàng sau sự kiện trên, kéo theo sự sụt giảm của các thị trường ở châu Âu và châu Á.
Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,9% vào đầu phiên giao dịch cuối tuần (ngày 10-3) trong khi chỉ số FTSE 100 (UKX) - chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London - giảm 1,4%.
Tại châu Á, chỉ số Hang Seng (HSNGY) của Hồng Kông - Trung Quốc dẫn đầu mức thua lỗ trong khu vực khi giảm 3%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai của Trung Quốc và chỉ số Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 1,4% và 1% trong phiên cuối tuần qua.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch cuối tuần cũng giảm 1,7% do ngân hàng trung ương nước này quyết định giữ nguyên mức lãi suất cực thấp, theo CNN.