Dự báo “nóng”: Vàng giằng co, bạc "gặp thời", bitcoin phục hồi

(NLĐO) - Một số kim loại quý như vàng, bạc có triển vọng tăng giá mạnh trong khi tiền ảo được cho là sẽ bước qua chu kỳ sụt giảm thê thảm. Đâu là kênh đầu tư đắt giá trong năm 2023?

Theo chiến lược gia hàng hóa Michael Widmer tại Ngân hàng Mỹ, mối quan tâm về vàng chững lại trong vài quý gần đây bởi lãi suất tăng và giá đồng USD mạnh hơn đã "cướp đi" sự hấp dẫn của kim loại quý này.

Đỉnh "sốc" của giá vàng: 4.000 USD/ounce?

Sau khi giá vàng đạt đỉnh 2.000 USD/ounce vào tháng 8-2020, trong suốt 2,5 năm qua, các nhà đầu tư luôn kỳ vọng kim loại quý tiếp tục phá đỉnh. Tuy nhiên, giá vàng đã qua một năm 2022 với phần lớn thời gian giảm và đi ngang. Diễn biến lình xình của giá vàng cuối cùng cũng chấm dứt khi giá kim loại quý bật lên ngưỡng 1.930 USD/ounce hôm 20-1, tăng mạnh 25 USD/ounce so với mức 1.905 USD/ounce ở cùng thời điểm hôm trước. Hôm nay, ngày 21-1, giá vàng duy trì giao dịch quanh ngưỡng 1.928 USD/ounce.

Dự báo “nóng”: Vàng giằng co, bạc gặp thời, bitcoin phục hồi - Ảnh 1.

Một thỏi vàng nguyên chất được đúc tại nhà máy ở TP Krasnoyarsk - Nga. Ảnh: REUTERS

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Mỹ, vàng sẽ là tài sản chiếm vị trí quan trọng trong danh mục đầu tư 3 năm tới và điều này sẽ thúc đẩy đà tăng của giá vàng. Chiến lược gia hàng hóa Michael Widmer tại ngân hàng này dự đoán giá vàng sẽ có triển vọng tích cực vào năm 2023, kéo dài ít nhất đến năm 2026; đồng nghĩa vàng có thể là công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả trong năm nay.

Ông David Rosenberg, nhà sáng lập kiêm kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn kinh tế Rosenberg Research, nhận định nhu cầu đầu tư vàng sẽ đẩy giá kim loại quý này lên mức cao nhất mọi thời đại, trên 2.000 USD/ounce vào năm 2023, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ông Rosenberg phân tích: Mặc dù lạm phát đã giảm so với mức cao kỷ lục được ghi nhận vào mùa hè năm 2022 nhưng vẫn sẽ ở mức cao. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cố gắng đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% có nghĩa là cơ quan này sẽ chậm phản ứng với sự suy yếu của nền kinh tế. FED cũng sẽ không nhanh chóng cắt giảm lãi suất bởi không muốn thấy mối đe dọa lạm phát mới.

Dự báo “nóng”: Vàng giằng co, bạc gặp thời, bitcoin phục hồi - Ảnh 2.

Nhân viên trưng bày vàng trang sức ở Kolkata - Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNBC, ông Juerg Kiener, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư của Công ty tài chính Swiss Asia Capital, dự báo giá vàng có thể tăng "sốc" lên 4.000 USD/ounce trong năm 2023 do lãi suất tăng và lo ngại suy thoái kinh tế khiến thị trường kim loại quý biến động.

Bất ngờ giá bạc

Bạc, một kim loại quý khác, được dự báo có thể đạt mức giá 30 USD/ounce trong năm nay, cao nhất trong một thập kỷ qua. Nguyên nhân, theo các nhà phân tích tại CNBC, là do nguồn cung không đủ và bạc thường có ưu thế hơn vàng trong thời kỳ lạm phát cao.

Bà Janie Simpson, Giám đốc điều hành của công ty kim loại quý hàng đầu Úc - ABC Bullion, lập luận: "Lịch sử ghi nhận giá bạc thường có mức tăng gần 20%/năm trong thời kỳ lạm phát cao. Nhờ khoản lợi nhuận này cùng mức giá rẻ hơn vàng, sẽ không bất ngờ khi giá bạc sẽ tăng mạnh trong năm nay dù có thể phải đối mặt với nhiều ngưỡng kháng cự lớn".

Vào năm 1980, giá bạc giao ngay từng đạt mức kỷ lục 49,45 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát tăng 13,5%. Trước đó 4 năm, giá kim loại này chỉ ở mức 4 USD/ounce khi lạm phát khoảng 5,7%.

Dự báo “nóng”: Vàng giằng co, bạc gặp thời, bitcoin phục hồi - Ảnh 3.

Các thỏi bạc tại nhà máy ở Glogow - Ba Lan. Ảnh: REUTERS

Liên quan đến nguồn cung, theo chuyên gia Nicky Shiels, Trưởng bộ phận chiến lược tại Công ty kim loại quý MKS Pamp (Thuỵ Sĩ), trữ lượng bạc có sẵn ở New York (Mỹ) và London (Anh) đang giảm mạnh, mức giảm nhiều hơn so với vàng. Trong vòng 5 năm tới, nguồn cung bạc dự kiến giảm hơn 100 triệu ounce trong bối cảnh nhu cầu công nghiệp tăng mạnh, nhất là ở lĩnh vực sản xuất ôtô, pin mặt trời, đồ trang sức và linh kiện điện tử. Nhu cầu bạc dự kiến tăng hơn 15% trong vòng 5 năm tới, dựa trên cơ sở nhu cầu công nghiệp tăng tốc từ các ứng dụng ôtô và điện tử. "Bạc công nghiệp chiếm 50% tổng lượng bạc và loại này luôn có nhu cầu cao" - chuyên gia Nicky Shiels nói.

Theo dữ liệu từ Silver Institute, nguồn cung bạc từ các mỏ trong năm 2022 đạt khoảng 843,2 triệu ounce - thấp hơn nhiều so với mức 900 triệu ounce hồi năm 2016. Bạc hiện chỉ được sản xuất như một sản phẩm phụ của các mỏ chì, kẽm, đồng hay vàng và thường không đáp ứng nhu cầu sẵn có.

Ông Randy Smallwood, Công ty phân phối kim loại quý Wheaton Precious Metals (Canada), nhìn nhận giá bạc tăng lên không đồng nghĩa với việc các mỏ bạc có thể tăng sản lượng. Các mỏ sẽ vẫn sản xuất kim loại khác là chính và bạc chỉ chiếm khoảng 25%. "Giá bạc có thể chạm mốc 30 USD/ounce nhưng không giữ được lâu" - ông Smallwood dự đoán. Dù vậy, ông Smallwood vẫn bày tỏ: "Tôi rất lạc quan về vàng nhưng tôi thậm chí còn lạc quan hơn về bạc".

Ở góc nhìn khác, giới chuyên gia cho rằng lo ngại về suy thoái kinh tế có thể dẫn đến nhu cầu công nghiệp yếu hơn có thể khiến giá bạc giảm xuống mức thấp nhất là 18 USD/ounce. Nếu FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và lạm phát giảm nhanh hơn dự báo thì đây cũng sẽ là trở ngại đối với giá bạc.

Dự báo trái chiều về bitcoin

Sau năm 2022 đầy biến động, các nhà đầu tư tiền điện tử đang kỳ vọng về đợt tăng giá bitcoin. Giá bitcoin diễn biến tích cực ngay từ đầu năm 2023 với mức tăng khoảng 28%. Hôm 21-1, bitcoin được giao dịch quanh ngưỡng 23.000 USD/BTC. Các nhà phân tích tin tưởng vào một số yếu tố có thể thúc đẩy giá tiền ảo này trong năm mới, trong đó có khả năng tăng lãi suất chậm lại và động thái gom hàng của những "cá voi".

Dự báo “nóng”: Vàng giằng co, bạc gặp thời, bitcoin phục hồi - Ảnh 4.

Giá đồng tiền kỹ thuật số bitcoin được dự báo phục hồi trong năm 2023. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNBC, lạm phát đang hạ nhiệt và các chỉ số cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ đang chậm lại. Điều đó khiến các nhà giao dịch lạc quan rằng FED có thể đảo ngược hoặc ít nhất là giảm tốc tăng lãi suất. Ông James Butterfill, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Công ty quản lý tài sản kỹ thuật số CoinShares, cho rằng bitcoin được hỗ trợ giá bởi các dữ liệu kinh tế vĩ mô và giới đầu tư đã phớt lờ sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Tiền ảo này đã rục rịch tăng giá ngay từ thời điểm Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu lạm phát giảm.

Khoảng 2/3 các nhà kinh tế trưởng tham gia khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023. Điều này sẽ hỗ trợ giá bitcoin.

Chuyên gia Carol Alexander, giáo sư tài chính tại Trường ĐH Sussex, cho rằng giá Bitcoin sẽ đạt 30.000 USD/BTC trong quý I/2023 và tiếp tục tăng lên 50.000 USD vào quý III/2023 hoặc quý IV/2023. Trong khi đó, ông Anthony Scaramucci, người sáng lập Công ty đầu tư SkyBridge Capital (Mỹ), gọi năm 2023 là "năm phục hồi" của bitcoin. Ông Scaramucci dự đoán đồng tiền kỹ thuật số này có thể được giao dịch ở mức 50.000-100.000 USD/BTC trong 2-3 năm tới. Còn ông Bill Tai, một nhà đầu tư mạo hiểm, giá Bitcoin có thể giảm xuống mức thấp nhất là 12.000 USD/BTC trước khi bật tăng trở lại.

Bà Meltem Demirors, Giám đốc chiến lược tại CoinShares, dự báo bitcoin có thể được giao dịch ở mức thấp nhất khoảng 15.000-20.000 USD/BTC và ở mức cao nhất khoảng 25.000-30.000 USD/BTC trong năm nay. Bà Demirors cho rằng khả năng tăng giá của đồng tiền ảo khá thấp bởi không có nhiều dòng vốn mới đổ vào sau hàng loạt sự kiện tiêu cực ảnh hưởng uy tín toàn ngành trong năm 2022 và nhà đầu tư cần thêm thời gian để khôi phục niềm tin.

Giá vàng trong nước: Dự báo tăng mạnh rồi "sập" vào sát ngày Thần Tài

Ngày 21-1, tức 30 tháng Chạp, giá vàng SJC được một số doanh nghiệp niêm yết ở 67,2 triệu đồng/lượng mua vào, 68 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng/lượng so với sáng 20-1. Một số công ty khác mua vào vàng SJC ở mức 67,65 triệu đồng/lượng, bán ra ở 67,95 triệu đồng/lượng.

Như vậy, giá vàng SJC liên tục giao dịch quanh vùng 67-68 triệu đồng/lượng trong những ngày cuối năm Nhâm Dần.

Giá vàng trong nước tăng mạnh khi giá vàng thế giới giằng co trên vùng 1.900 USD/ounce. Nhu cầu mua vàng dịp cuối năm tăng cao cũng thúc đẩy giá vàng SJC, vàng trang sức và vàng nhẫn 24K các loại đi lên.

DSC_5888

Nhu cầu vàng tăng cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng đi lên. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, nhu cầu vàng SJC lẫn vàng nhẫn 24K ở thị trường trong nước thường tăng trong khoảng 3 ngày trước Tết Nguyên đán và kéo dài đến ngày vía Thần Tài - mùng 10 tháng Giêng. Diễn biến này giúp giá vàng trong nước có thời điểm vượt 68 triệu đồng/lượng.

"Dịp Tết Âm lịch, ngân hàng và công ty vàng sẽ nghỉ dài ngày nên các tiệm vàng tranh thủ mua vào để bán trong thời điểm này. Cuối năm, người dân cũng "rủng rỉnh" tiền thưởng nên thường mua vàng. Diễn biến ở thị trường trong nước cộng hưởng với giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng càng kích thích giá vàng trong nước đi lên. Dù vậy, lực mua không quá nhiều bởi thực tế, giá vàng SJC đi lên vùng 68,3-68,5 triệu đồng/lượng như trong ngày 20-1 vừa qua đã thúc đẩy nhiều người đi bán vàng" - ông Trần Duy Phương phân tích.

Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh trên thị trường vàng, một số chủ tiệm vàng cho rằng giá vàng trong nước sẽ tăng trong những ngày nghỉ Tết Âm lịch và có thể "sập" sát hoặc sau ngày vía Thần Tài. Nếu giá vàng thế giới tăng tiếp sẽ tạo lực hỗ trợ giúp giá vàng trong nước tăng thêm; còn trong trường hợp giá vàng thế giới quay đầu giảm thì giá vàng trong nước có khả năng sẽ giảm mạnh.

Thái Phương