Dự báo “nóng”: Việt Nam thăng hạng trong “làn sóng bán dẫn”

(NLĐO) - Với mong muốn đa dạng hóa nguồn cung chip, đã có những công ty của Mỹ tìm được đối tác đáng tin cậy tại Việt Nam.

Việt Nam đang tăng tốc trong "làn sóng bán dẫn", hiện là nhà xuất khẩu chip lớn thứ 3 sang Mỹ, chỉ sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).

Tầm nhìn chiến lược từ sớm

Theo tờ South China Morning Post, sự gia tăng xuất khẩu chip là minh chứng cho vị trí chiến lược của Việt Nam đối với những nhà đầu tư đa quốc gia. Hiện nay, phần lớn chip xuất khẩu của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ngay từ năm 2012, Việt Nam đã có tầm nhìn chiến lược về sản xuất chất bán dẫn khi xác định đây là hàng hóa và dịch vụ trọng điểm quốc gia. Với trục kinh tế này, Việt Nam có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, thoát khỏi mô hình lao động giá rẻ và hiện đại hóa nền kinh tế để đáp ứng mục tiêu trở thành quốc gia phát triển với GDP bình quân đầu người vượt 18.000 USD vào năm 2045.

Từ chiến lược thu hút nhà đầu tư quốc tế của Chính phủ, nhiều công ty toàn cầu như Samsung, Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix, Hayward Quartz Technology, Synopsys và NXP Semiconductors sau đó đã vào Việt Nam.

Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) mới đây công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt chip tại Việt Nam trong năm nay sau khi khai trương một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô 220 triệu USD tại TP Hà Nội vào tháng 12-2022. Hãng Intel cũng có kế hoạch tăng đầu tư đáng kể vào Việt Nam trong năm 2023, ước tính khoảng 1 tỉ USD. Amkor Technology, công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài, sẽ mở nhà máy tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Dự báo “nóng”: Việt Nam thăng hạng trong “làn sóng bán dẫn” - Ảnh 2.

Intel có kế hoạch tăng đầu tư đáng kể vào Việt Nam trong năm nay, ước tính khoảng 1 tỉ USD. Ảnh: Bloomberg

Theo hãng tin Bloomberg, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia trở thành những quốc gia giành chiến thắng sớm trong năm nay khi hoạt động sản xuất chất bán dẫn bắt đầu rời bỏ các trung tâm truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Doanh thu từ sản xuất chip của Việt Nam tháng 2-2023 tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 562 triệu USD.

Các quan chức Mỹ gần đây bày tỏ lo ngại gia tăng về sự phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp chip nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để sản xuất chip tiên tiến nhất. Nền kinh tế số 1 thế giới đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng mặt hàng điện tử, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi. 

Động thái rõ ràng nhất là hãng Apple đã chuyển dần dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Trong khi đó, hoạt động thương mại liên quan đến chất bán dẫn giữa Việt Nam, Thái Lan với Mỹ đã tăng lần lượt 75% và 62%. Riêng Việt Nam cung cấp hơn 10% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.

Dự báo “nóng”: Việt Nam thăng hạng trong “làn sóng bán dẫn” - Ảnh 3.

Tòa nhà trung tâm Samsung ở Hà Nội hôm 29-5. Ảnh: Reuters

Không thể phủ nhận lĩnh vực chip của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào FDI và vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chủ yếu ở khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Tuy nhiên, đã có những sản phẩm chip "Made by Vietnam" được xuất khẩu đi nhiều quốc gia.

Từ một công ty outsourcing (thuê ngoài) thuần túy, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) đã gia nhập thị trường sản xuất chip và đang xuất khẩu chip IoT - dòng chip có thể ứng dụng vào dịch vụ và các sản phẩm y tế trong lĩnh vực internet vạn vật (IoT). Mở rộng ra lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT Software đặt mục tiêu đạt giá trị 1 tỉ USD trong năm nay.

"1 tỉ USD tương đương 23.500 chiếc ôtô VinFast VF 8 bán ở Mỹ với giá 42.500 USD/chiếc, tức bằng 23,5 chuyến tàu Silver Queen chở ôtô điện VinFast VF 8 xuất cảng. Hay một hình tượng khác: 1 tỉ USD là số tiền đủ để nhập khẩu 80% số điện thoại iPhone hoặc 115% số điện thoại Samsung hoặc 70% số ôtô con 7 chỗ trở xuống cho toàn bộ thị trường Việt Nam trong năm 2021" - ông Đỗ Cao Bảo, Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT, từng so sánh.

Theo tính toán, 1 tỉ USD xuất khẩu phần mềm thu được giá trị gia tăng tương đương gần 4 tỉ USD xuất khẩu các mặt hàng máy tính, điện thoại, may mặc, giầy da, túi xách, máy móc, phụ tùng trong năm 2021. Giá trị gia tăng trong lĩnh vực phần mềm cao bởi đầu tư cho lĩnh vực này rất ít. Mỗi người làm phần mềm chỉ cần 1 chiếc máy tính và bản quyền phần mềm khoảng 1.200 USD, khấu hao trong 5 năm. Phần chi phí lớn nhất là chi cho nhân công, gồm lương, thưởng, phúc lợi, bảo hiểm, đào tạo, văn phòng làm việc..., đều chi ở Việt Nam.

Dự báo “nóng”: Việt Nam thăng hạng trong “làn sóng bán dẫn” - Ảnh 4.

Công nhân tại một nhà máy của Samsung ở Việt Nam. Ảnh: SCMP

Cuộc chơi của "game changer"

Năm 2023 là một năm mong manh của kinh tế toàn cầu với những biến động về kinh tế, địa chính trị và nguy cơ suy thoái, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này sẽ dẫn tới tình trạng sụt giảm nguồn cung ứng cũng như nhân sự, buộc các DN phải cắt giảm chi phí và tìm cách giữ tốc độ tăng trưởng, tối ưu hiệu quả kinh doanh. Trong lịch sử, khi có khủng hoảng thì cơ hội tăng tốc sẽ nằm trong tay những "ngôi sao" mới - những người thay đổi cuộc chơi, còn gọi là "game changer".

Công nghệ thông tin được đánh giá là một trong những ngành sẽ chứng kiến sự xuất hiện của “game changer” khi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu sẽ tăng tăng 5,1%, đạt 4.600 tỉ USD, theo dự báo của Gartner - công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ của Mỹ.

Khi nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào chất bán dẫn hơn bao giờ hết, quốc gia nào định vị chiến lược và tập trung vào lĩnh vực này có thể thu được những lợi ích đáng kể. Với Việt Nam, bằng cách tăng cường hệ thống giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo và xây dựng chiến lược quốc gia, DN công nghệ có thể tận dụng thời cơ từ "cơn sốt chip" và tiếp tục thăng hạng trên bản đồ kinh tế - công nghệ toàn cầu.

Trung tâm sản xuất mới của thế giới

Theo dự báo của IMF, Việt Nam đạt quy mô GDP khoảng 449 tỉ USD trong năm 2023, vượt qua Malaysia, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2026, GDP của Việt Nam đạt khoảng 605,3 tỉ USD, vượt qua Singapore và xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Quy mô GDP của Việt Nam tăng lên 725,53 tỉ USD vào năm 2028 và theo sát Thái Lan.

Xét trên quy mô thế giới, GDP Việt Nam năm 2022 xếp thứ 37, nhảy 4 bậc so với năm 2021. Năm ngoái cũng là năm Việt Nam chính thức bước vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo tờ The Times (Anh), Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của thế giới với những thế mạnh riêng biệt như chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, năng động, chính sách đầu tư cởi mở. Tháng 4-2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,5% trong năm 2023 và 6,8% trong năm 2024 - mức cao nhất khu vực Đông Nam Á.