Dự báo “nóng”: Xuất khẩu khoai lang, tổ yến... và hơn thế nữa

(NLĐO) - Hai phía Việt Nam và Trung Quốc hy vọng một diện mạo mới cho thương mại song phương khi nhiều sản phẩm xuất khẩu tiềm năng được “gọi tên” và rào cản về chính sách “zero COVID” được hy vọng sớm tháo gỡ.

Giới quan sát nhận định chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30-10 đến 1-11 vừa qua cùng "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" đã thể hiện ưu tiên chiến lược của 2 quốc gia trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.

Bán gì sang Trung Quốc?

Tuyên bố chung nêu rõ 2 bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm mất cân bằng thương mại; thúc đẩy xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao nhiều hơn nữa. Trong đó, phía Trung Quốc sẽ tích cực đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho khoai lang, các loại trái cây có múi, tổ yến và một số nông - thủy sản Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho sữa của Trung Quốc.

Hai bên nhất trí phát huy vai trò của Cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung và các biện pháp phòng chống dịch, từ đó duy trì hoạt động thương mại thông suốt.

Trước khi 2 nước thống nhất tuyên bố chung, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 171,94 tỉ USD.

Với tính bổ sung lớn, 2 thị trường có điều kiện hưởng lợi lẫn nhau trong hoạt động thương mại song phương. Những năm qua, Việt Nam xuất sang Trung Quốc nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập từ Trung Quốc nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới.

Dự báo “nóng”: Xuất khẩu khoai lang, tổ yến... và hơn thế nữa - Ảnh 1.
Dự báo “nóng”: Xuất khẩu khoai lang, tổ yến... và hơn thế nữa - Ảnh 2.

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: AN NA

Đáng chú ý, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, gồm cả trái cây tươi và thực phẩm chế biến, đang từng bước tạo được chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Trong đó, sầu riêng là loại trái cây thứ 10 được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường láng giềng đầy tiềm năng. Là một trong số ít thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn của thế giới, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt khoảng 4,2 tỉ USD, tăng trưởng 2 con số.

Cà phê Việt cũng dần đi sâu vào thị trường Trung Quốc. Dự báo trong thời gian ngắn sắp tới, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Sau nhiều năm tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, bà Tôn Hiểu Quyên, đại diện Công ty Cafe Sài Gòn tại Trung Quốc, tự tin cho biết tiêu thụ sản phẩm của công ty ở thị trường Trung Quốc hiện rất tốt. Công ty đang nỗ lực quảng bá để đẩy mạnh kênh tiêu thụ thương mại điện tử nhằm khai thác thị trường rộng lớn này tốt hơn nữa.

Nhập khẩu tư liệu sản xuất quan trọng

Hoạt động kết nối giao thương xuyên biên giới giữa 2 nước đang được tăng cường với việc khởi động nhiều chuyến tàu chở hàng. Gần đây nhất là vào tháng 8, một chuyến tàu chở hàng khởi hành từ Cảng quốc tế Tây An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) đến TP Hà Nội thông qua tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa Trung Quốc - Việt Nam đầu tiên nối tỉnh Thiểm Tây với Việt Nam.

Dự báo “nóng”: Xuất khẩu khoai lang, tổ yến... và hơn thế nữa - Ảnh 3.

Chuyến tàu chở hàng quốc tế nối Trung Quốc - Việt Nam đầu tiên khởi hành từ tỉnh Thiểm Tây đi TP Hà Nội hồi tháng 8 -2022. Ảnh: VCG

Trước đó, hồi tháng 4, một chuyến tàu chở linh kiện máy tính đã rời Cảng Đường sắt quốc tế Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) để đến Việt Nam. Đây là chuyến tàu đầu tiên đi thẳng từ một thành phố phía Tây Trung Quốc đến Việt Nam với hành trình kéo dài khoảng 7 ngày.

Ông Ma Siwei, Tổng Giám đốc Công ty Vận chuyển hàng China Post International Logistics (Trung Quốc), nói với tờ Global Times rằng trước đây, doanh nghiệp mất nhiều tuần để đưa hàng hóa đến Việt Nam bằng đường biển nhưng bây giờ chỉ cần khoảng 2 tuần. Nhờ vậy, số chuyến hàng vận chuyển bằng đường sắt từ Trung Quốc đến Việt Nam trong những tháng gần đây đã tăng vọt.

Ông Zhao Gancheng, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nhận định tiềm năng hợp tác thương mại giữa 2 nước còn rất lớn nhờ tính bổ sung. Trong khi đó, ông Xu Liping, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh), cho rằng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ là "cầu nối" cho phép những sản phẩm do các công ty Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Về phía chuyên gia trong nước, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và  Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, chỉ rõ Trung Quốc không chỉ là một thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn là nhà cung cấp chính về tư liệu sản xuất cho ngành công nghiệp chế biến - chế tạo của Việt Nam để từ đó Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Mỹ, châu Âu, ASEAN.

Dự báo “nóng”: Xuất khẩu khoai lang, tổ yến... và hơn thế nữa - Ảnh 4.

Chuyến tàu chở hàng đầu tiên khởi hành từ TP Trùng Khánh, Trung Quốc đến Việt Nam hồi tháng 5. Ảnh: iChongqing

"Không nên chỉ nhìn vào giá trị xuất khẩu mà còn cần đánh giá tầm quan trọng của nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ Trung Quốc đối với sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Những biên bản hợp tác được 2 bên ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ góp phần củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là trong việc ổn định nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam" - ông Hinh nhìn nhận. 

Ở góc nhìn rộng hơn, giới quan sát đánh giá từ sự tin cậy lẫn nhau về chính trị đến hợp tác kinh tế, quan hệ song phương Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ​​được tăng cường hơn nữa sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Jia Duqiang, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc xem mối quan hệ với Việt Nam là mối quan hệ chiến lược quan trọng và luôn sẵn sàng hợp tác để đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, phát triển vượt bậc trong thời đại mới.

Ở lĩnh vực đầu tư, Việt Nam cũng thể hiện sức hấp dẫn với đối tác Trung Quốc. Hiện Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đến nay đạt 22,5 tỉ USD.

Ông Frederick Burke, Công ty Luật Baker McKenzie, nhận định mối quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều ý nghĩa thiết thực nhờ những điểm tương đồng và thuận lợi về địa lý, nguồn lực và giai đoạn phát triển. Theo ông, 2 nước sẽ tìm cách duy trì mối quan hệ trong tương lai.

Củng cố chuỗi cung ứng

Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 9 từng cho biết Trung Quốc nhận thấy sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam giúp duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp ở Đông Á. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam trong việc bảo đảm thông quan thuận lợi tại các cảng biên giới, mở rộng nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam cũng như tăng cường các chuyến bay thẳng giữa 2 nước.

Phó Giáo sư Jia Duqiang, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mới đây có bài viết nhận định về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên báo China Daily. Theo bài viết, Trung Quốc và Việt Nam thường xuyên có những cuộc trao đổi cấp cao dù bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, từ đó tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương ở nhiều cấp độ và trên các lĩnh vực khác nhau. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo cơ hội cho 2 bên đạt được sự nhất trí trong nhiều vấn đề song phương và khu vực

Phó Giáo sư Jia Duqiang nhận định sự hợp tác giữa 2 nước mang lại lợi ích cho người dân và 2 Đảng; đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình thế giới, tăng cường sự phát triển chung, thúc đẩy quan hệ quốc tế; xây dựng một cộng đồng vì tương lai chung của nhân loại. Dù những bất ổn toàn cầu đã tác động rất lớn đến kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, bảo đảm các ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng mang lại lợi ích cho người dân 2 nước.

"Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và sẵn sàng cùng Việt Nam làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác cùng có lợi, nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới trong thời kỳ mới" - Phó Giáo sư Jia Duqiang nhấn mạnh khi kết thúc bài viết.

Doanh nghiệp làm gì để tận dụng thời cơ?

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và  Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường này.

"Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc cùng thu nhập bình quân đầu người tăng, thị hiếu và mối quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc đã dịch chuyển theo hướng ưu tiên chất lượng. Các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc cũng ngày càng cao. Do đó, nếu không nâng cao chất lượng, hàng Việt có thể dần đánh mất thị phần tại thị trường Trung Quốc" - ông Hinh cảnh báo.

Cũng theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, doanh nghiệp Việt Nam còn cần chú trọng khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chỉ dẫn địa lý...