Đúc đồng xu 1.000 tỉ USD để cứu nước Mỹ khỏi vỡ nợ?

(NLĐO) - Câu chuyện về đồng xu 1.000 tỉ USD lại thu hút nhiều tranh luận mỗi khi nước Mỹ tiến gần nguy cơ vỡ nợ và tranh cãi về trần nợ công nổ ra.

Ý tưởng đúc đồng xu 1.000 tỉ USD xuất hiện lần đầu tiên trong thời gian xảy ra khủng hoảng trần nợ công ở Mỹ năm 2011. Bằng cách đúc các đồng xu bạch kim giá trị cao, giải pháp này được cho là không cần đến việc Quốc hội Mỹ nâng giới hạn vay mượn quốc gia.

Gây tranh cãi 

Làn sóng tranh luận trở nên mạnh mẽ sau khi ông Paul Krugman, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế, có bài viết về đồng xu 1.000 tỉ USD trên tờ The New York Times (Mỹ) hôm 7-1-2013.

Khi đó, ông cho rằng bằng cách đúc đồng xu 1.000 tỉ USD rồi gửi nó vào Cục Dự trữ Liên bang (FED), Bộ Tài chính Mỹ có thể có đủ tiền mặt để thanh toán các hóa đơn mà không cần bận tâm đến trần nợ công. Cũng theo ông Krugman, bước đi này không gây hại cho nền kinh tế Mỹ.

Sau khi thu hút nhiều quan tâm vào đầu năm 2013, ý tưởng trên bị cả FED và Bộ Tài chính Mỹ bác bỏ.

Đúc đồng xu 1.000 tỉ USD để cứu nước Mỹ khỏi vỡ nợ? - Ảnh 1.

Thiết kế đồng xu 1.000 tỉ USD của tác giả DonkeyHotey

Khái niệm đồng xu 1.000 tỉ USD tái xuất hiện vào tháng 3-2020 dưới dạng một đề xuất do hạ nghị sĩ Rashida Tlaib đưa ra để hỗ trợ người dân vào thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành.

Đến cuộc khủng hoảng trần nợ công năm 2021, ý tưởng lại càng thu hút sự chú ý thông qua đề xuất của một số nhân vật, trong đó có phóng viên Joe Weisenthal của trang Bloomberg.

Đầu năm 2023, bình luận về đề xuất đồng xu 1.000 tỉ USD "nóng" trở lại sau khi có thông tin Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và một số hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa nhất trí sử dụng trần nợ công để làm đòn bẩy trong vấn đề giảm ngân sách liên bang.

Theo trang Business Insider, một số nhà kinh tế chỉ trích giải pháp đồng xu 1.000 tỉ USD là "không khả thi" và phi thực tế, đe dọa khiến lạm phát trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, ông Krugman, hiện là giáo sư Trường ĐH Princeton (Mỹ), đã bác bỏ nỗi lo trên trong bài viết trên mạng xã hội Twitter hôm 3-5.

Theo chuyên gia này, việc đúc đồng xu bạch kim trị giá 1.000 tỉ USD có thể ngăn chính phủ Mỹ vỡ nợ trong lúc không làm cho tình trạng lạm phát thêm tồi tệ. Ông cho rằng FED chắc chắn sẽ vô hiệu hóa mọi tác động lên cơ sở tiền tệ bằng cách bán bớt một số danh mục nợ khổng lồ của Mỹ, như lượng trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỉ USD.

Mặc dù cho rằng giải pháp tiền xu 1.000 tỉ USD là khả thi, ông Krugman thừa nhận ý tưởng này khó thành hiện thực bởi một số trở ngại, như không được FED chấp nhận và quan điểm tiêu cực của công chúng về nó. Vì thế, theo trang Fortune, ông Krugman giờ đây cho rằng "trái phiếu cao cấp" (loại trái phiếu giao dịch trên mệnh giá) có lẽ là giải pháp tốt hơn cho vấn đề trần nợ công.

Đúc đồng xu 1.000 tỉ USD để cứu nước Mỹ khỏi vỡ nợ? - Ảnh 3.

Bài viết của ông Paul Krugman đăng trên tờ The New York Times (Mỹ) hôm 7-1-2013.

Cảnh báo u ám

Tranh cãi về ý tưởng trên diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ lại đang tiến gần thời điểm vỡ nợ bởi chính phủ và các nhà lập pháp chưa đạt tiến triển về chuyện nâng trần nợ công.

Hôm 1-5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo chính phủ có thể cạn tiền và mất khả năng thanh toán các hóa đơn vào đầu tháng 6 nếu quốc hội không chịu làm thế.

Vấn đề trần nợ công đang ngày một "nóng" trong chính trường Mỹ vài tháng qua. Đảng Cộng hòa hiện gắn liền chuyện nâng trần nợ công với cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ. Trái lại, chính quyền Tổng thống Joe Biden không muốn có điều kiện nào kèm theo.

Các cố vấn của ông Biden thậm chí còn lập luận rằng Tu chính án thứ 14 yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục phát hành nợ mới để thanh toán cho trái chủ, người nhận An sinh Xã hội và trả lương cho nhân viên chính phủ ngay cả khi Quốc hội không nâng được trần nợ công.

Mỹ đã chạm trần nợ công 31.400 tỉ USD hồi tháng 1-2023. Kể từ đó, Bộ Tài chính đã phải dựa vào một số biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, bà Yellen nhấn mạnh điều này không thể tiếp diễn mãi.

Mỹ chưa từng vỡ nợ trước đó nên hiện chưa rõ kịch bản này sẽ dẫn đến hậu quả gì. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ chỉ đối mặt chuyện tiêu cực. Chẳng hạn như bà Yellen cảnh báo nếu trần nợ công không được nâng lên, nền kinh tế Mỹ, cuộc sống người dân và hệ thống tài chính toàn cầu sẽ bị tổn hại.

Đúc đồng xu 1.000 tỉ USD để cứu nước Mỹ khỏi vỡ nợ? - Ảnh 5.

Ông Paul Krugman. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, ông Krugman gần đây cũng nói về "những hậu quả thảm khốc" nếu không nâng được trần nợ công, từ hoạt động của chính phủ Mỹ bị gián đoạn cho đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Riêng Công ty Moody's Analytics (Mỹ) cho biết nếu các bên không tìm được tiếng nói chung và Mỹ buộc phải vỡ nợ thời gian tới, gần 6 triệu việc làm sẽ bị mất trong lúc các hộ gia đình thiệt hại đến 12.000 tỉ USD. Ngoài ra, một số chuyên gia lo ngại nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào đồng USD, khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu nhanh chóng.

Trần nợ là giới hạn về số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để thanh toán cho các dịch vụ như an sinh xã hội, bảo hiểm y tế Medicare...

Do chi nhiều hơn thu, chính phủ Mỹ thường xuyên lâm cảnh thâm hụt ngân sách. Trong thập kỷ qua, con số này dao động từ 400-3.000 tỉ USD mỗi năm, theo trang The Guardian. Để mượn tiền, Bộ Tài chính Mỹ phát hành trái phiếu vay nợ. Một khi nợ chính phủ chạm trần, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu vay nợ.

Kể từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã nâng trần nợ công 78 lần để ngăn chính phủ rơi vào cảnh vỡ nợ.