Hé lộ bất ngờ bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2022

(NLĐO) - Áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hé lộ bất ngờ bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2022 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng có bài viết về toàn cảnh bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, dự báo 6 tháng cuối năm - Ảnh: Tấn Nguyên

6 tháng đầu năm, những khó khăn, thách thức, biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới đã và đang tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) của nước ta. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn có bước phục hồi tích cực.

Triển vọng "ổn định"

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm vượt kịch bản đề ra với mức tăng 6,42%, cao hơn cùng kỳ năm trước và trở về mức bình quân các năm trước dịch. Trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72%, cao nhất kể từ năm 2011.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,44% - tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch, các cân đối lớn được bảo đảm. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn cung, giảm đà tăng giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong nước; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Nhờ đó, Việt Nam được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng hạng tín nhiệm dài hạn lên mức BB+, là mức triển vọng "ổn định".

Hé lộ bất ngờ bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2022 - Ảnh 2.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn hồi phục tích cực trong nửa đầu năm 2022 - Ảnh: Dũng Minh

Tuy vậy, chúng ta vẫn còn tiếp tục đối mặt với những yếu tố tác động dây chuyền làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Bao gồm: giá xăng dầu và nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao; tỉ giá, lãi suất có xu hướng tăng; việc điều chỉnh tiền lương; một số chính sách hỗ trợ hết thời hạn...

Đáng chú ý, chỉ số CPI tháng 6-2022 nếu so với cuối năm 2021 đã tăng 3,18%, gấp hơn 2 lần so với mức tăng cùng kỳ năm 2019. Áp lực giá nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa đầu vào nhập khẩu tăng có thể tiếp tục kéo dài trong 6 tháng tới gây nhiều khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, dự án đầu tư.

Áp lực lạm phát

Áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ tạo sức ép lớn lên điều hành vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) và chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng do mặt bằng lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng tăng cao (gấp khoảng 1,6 lần cùng kỳ năm 2021), lãi suất quốc tế tăng nhanh, làm tăng áp lực chi phí vốn vay của DN.

Hé lộ bất ngờ bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2022 - Ảnh 3.

Áp lực lạm phát gây sức ép lên điều hành vĩ mô - Ảnh: Dũng Minh

Đó là những lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, có thể xảy ra suy thoái ngắn hạn, lạm phát có thể tiếp tục cao ở một số nền kinh tế lớn. Ngoài ra, điều hành chính sách tiền tệ nhanh hơn, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu. Xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất - tiêu dùng mà còn tiềm tàng rủi ro với chính trị khu vực, toàn cầu và nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực.

Trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, sản xuất - kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được giải ngân nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức trong phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là khi giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng tạo áp lực lạm phát. Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, sản xuất trong nước có thể suy giảm, nhất là sản xuất nông nghiệp, từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.

Hé lộ bất ngờ bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2022 - Ảnh 4.

Đà phục hồi tiêu dùng cũng là áp lực với lạm phát - Ảnh: Hoàng Triều

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, từ đó tham mưu Chính phủ, Thủ tướng các kịch bản phục hồi và phát triển KT-XH, giải pháp ứng phó kịp thời, giảm tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu.

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ KH-ĐT đưa ra 2 kịch bản. Kịch bản 1: Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III cần tăng trưởng 7,9% (trong khoảng 7,5%-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP), quý IV tăng trưởng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm). Kịch bản 2: Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, quý III phải đạt tăng trưởng 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm), quý IV tăng trưởng 6,3% (trong khoảng 6,7%-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).

Nhìn chung tình hình thế giới, trong nước còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường trong cả ngắn hạn và trung hạn. Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Đồng thời, chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời DN, người dân, trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Hé lộ bất ngờ bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2022 - Ảnh 5.

Rủi ro về lạm phát, tỉ giá đặt ra bài toán khó cho điều hành vĩ mô trong thời gian tới - Ảnh: Tấn Thạnh

Chính sách tiền tệ trong thời gian tới cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỉ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất - kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho DN, nền kinh tế.

Với chính sách thương mại, sản xuất, cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Quyết liệt giải ngân đầu tư công

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn và chúng ta đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, con số giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kỳ vọng. Đó cũng là lý do vì sao Thủ tướng đã phải thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ phân bổ, giải ngân thấp. Đồng thời, liên tục có các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.

Để nhanh chóng khắc phục những bất cập trong giải ngân vốn công, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, có biện pháp luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Hé lộ bất ngờ bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2022 - Ảnh 6.
Hé lộ bất ngờ bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2022 - Ảnh 7.

Thi công tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020) - Ảnh: Đình Quang

Một giải pháp quan trọng khác là nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án. Chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. UBND các tỉnh, thành phố hoặc sở xây dựng công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường...

Chính phủ đang nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng.

Giải ngân gói hỗ trợ đạt trên 48.000 tỉ đồng

Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP được ban hành, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ, đã có trên 48.000 tỉ đồng được thực hiện. Trong đó, các chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đạt 8.888 tỉ đồng; gia hạn nộp thuế GTGT, thu nhập DN, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng; miễn giảm thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 32.400 tỉ đồng; hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP là 57.370 tỉ đồng.