Khát vọng dang dở của Hoàng đế Quang Trung
(NLĐO) - Sau nhiều lần tới Nghệ An, thấy đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, Hoàng đế Quang Trung đã hạ chiếu cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp xây dựng Thành Phượng Hoàng Trung Đô. Thành đang xây dựng thì Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời
Tầm nhìn chiến lược
Theo các tài liệu lịch sử, vào năm 1788, Hoàng đế Quang Trung đã ban Chiếu gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về việc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Vị trí được vua Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô là vùng đất giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Cánh Phượng và núi Con Mèo) ở Yên Trường, Châu Lộc, Nghệ An - nay là phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Đây là vùng đất hội tụ cả long - ly - quy - phượng để xây thành, gọi là thành Phượng Hoàng Trung Đô. Cụ thể, mỏm đá về phía Tây có hình dáng long gọi là Mũi Rồng. Chi chạy theo hướng Đông Nam có hình dáng loan cánh phượng, tục gọi là Phượng Hoàng. Chi chạy về phía Nam gọi là Kỳ Lân hay núi Con Mèo, chi chạy theo hướng Đông Bắc mang tên Cồn Rùa.

Thành Phượng Hoàng Trung Đô trước đây được xây dựng tại phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An hiện nay.
Theo các nhà nghiên cứu, khu vực Quang Trung chọn xây dựng thành là vùng đất đắc địa, "âm phù dương trợ, quần phong tụ khí". Địa thế của thành rất dễ giữ vì phía trước có sông Cồn Mộc và sông Lam, phía bên có núi Quyết, vốn là hào và thành thiên nhiên che chắn, bao bọc.
Sau khi chọn được đất, vua Quang Trung đã trực tiếp giao cho trợ thủ thân tín nhất của mình là Trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu gấp rút xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.
Thành Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng ở giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân.
Thành bao gồm các công trình như thành nội, thành ngoại, lầu rộng, cung điện... "Hoàng Lê nhất thống chí" đã viết: "Quang Trung liền sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu 3 tầng cùng 2 dãy hành lang để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ".

Thành Phượng Hoàng Trung Đô nhìn từ trên cao (Ảnh tư liệu chụp năm 1930) và lược đồ (bên trái)
Trong khi đó, sách "La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp" của GS Hoàng Xuân Hãn cũng ghi: "Ngoài các vách núi làm bức lũy tự nhiên còn phải đắp bờ thành Nam dài 300 m, bờ thành Tây dài 450 m và các nền cao thì ngang dọc cũng chỉ chừng 20 m".
Việc chọn Nghệ An để xây dựng kinh đô đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hoàng đế Quang Trung. Bởi lẽ, Nghệ An cách Thăng Long 300 km, cách Phú Xuân trên 300 km, nằm vào khoảng giữa nên rất thuận tiện trong việc quản lý cũng như đi lại của quân và dân. Trong chiếu thư gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (ngày 3 tháng 9 năm Thái Đức 11, tức năm 1788), nhà vua giải thích: "Nay kinh đô ở Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà địa thế khó khăn. Đình thần nghị rằng chỉ đóng đô ở Nghệ An là đường vừa cân vừa khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ giúp cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về".
Nghi vấn nơi chôn cất hoàng đế
Theo các tài liệu lịch sử, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) sinh ra và lớn lên ở Tây Sơn, Bình Định nhưng quê gốc ở Nghệ An. Thực tế Quang Trung đã từng truyền cho xã Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) xây dựng tổ miếu của nhà vua để thờ cúng. Điều này có nghĩa là đồng thời với việc xây dựng kinh đô, Quang Trung đã quan tâm đến việc xây dựng mồ mả tổ tiên và lăng mộ của vương triều trên quê gốc Nghệ An.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung được xây dựng trên núi Dũng Quyết.
Năm 1792, khi Thành Phượng Hoàng Trung Đô đang xây dựng dang dở thì vua Quang Trung bất ngờ lâm trọng bệnh qua đời. Trước khi băng hà, vua đã căn dặn con trai Quang Toản: "Nghệ An là đất của cha mẹ ta, đất ấy là nơi hiểm yếu có thể tin cậy được. Ta đắp thành dày để làm Trung Đô. Nếu có biến cố còn có thể giữ được…".
Nhiều tài liệu lịch sử cho rằng sau khi vua Quang Trung qua đời, khoảng 2-3 tháng mới tổ chức phát tang. Thời gian này, thành Phú Xuân "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Một số giả thiết cho rằng đây là thời gian thích hợp để thi hài thật của Quang Trung đã được bí mật vận chuyển theo đường thủy ra Cửa Hội rồi ngược theo sông Lam đem vào an táng tại lăng mộ đã xây dựng sẵn ở thành Phượng Hoàng Trung Đô.
Năm 2011, tại TP Vinh đã diễn ra cuộc hội thảo "Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô". Tại cuộc hội thảo có sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, một số ý kiến đã đưa ra nghi vấn về việc thi hài thật của vua Quang Trung được an táng ở khu vực thành Phượng Hoàng Trung Đô trước đây, tức khu vực núi Quyết hiện nay.
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhận định nếu thi hài vua Quang Trung đã được đưa ra khỏi Phú Xuân thì chỉ có Nghệ An vừa là quê cha đất tổ vừa là kinh đô của vương triều, thế đất hiểm yếu, có thể khống chế thiên hạ, đủ yên tâm cho hoàng đế yên giấc ngàn thu.

Nhóm nghiên cứu dùng máy do địa lý tìm mộ vua Quang Trung tại núi Dũng Quyết (Ảnh tư liệu).
Năm 2012, tỉnh Nghệ An đã mời các chuyên gia từ Đại học Quốc gia Hà Nội mang một máy dò địa vật lý từng tham gia khai quật tại Hoàng thành Thăng Long vào khảo sát khu vực nghi có mộ vua Quang Trung tại núi Dũng Quyết, TP Vinh. Tuy nhiên, sau đó việc làm này đã dừng lại. Từ đó đến nay, nghi vấn mộ vua Quang Trung được chôn cất tại Nghệ An đang tạm thời được "khép lại".
Điểm đến tâm linh
Đỉnh núi Dũng Quyết mà người dân quen gọi là núi Quyết có bốn chi: Chi hướng về phía Tây gọi là Long Thủ (đầu rồng), chi hướng về phía Đông Nam là Phượng Dực (cánh phượng hoàng), chi hướng về phía Đông Bắc gọi là Quy Bối (lưng rùa) và chi hướng về phía Tây Nam gọi là Kỳ Lân (con mèo). Đền thờ Hoàng đế Quang Trung hiện nay được xây dựng trên núi Dũng Quyết, nơi trước đây được vua Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Cụ thể, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung nằm trên đỉnh núi thứ hai, thuộc chi Phượng Dực, trên độ cao 97 m so với mực nước biển. Đền được hoàn thành vào năm 2008, là công trình kỉ niệm 220 năm Phượng hoàng Trung Đô.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung được xây dựng trên đỉnh núi.
Đền xây dựng trên đỉnh núi, để lên đền, từ chân núi đi theo con đường dài quanh có khoảng 1 km, hai bên là rừng thông xanh mướt. Tiếp đến, du khách phải đi qua 81 bậc tam cấp.

Đường lên đền được lát đá, quang cảnh rất đẹp.
Bước chân vào khu vực đền là nghi môn tứ trụ, gồm 1 cổng lớn và 2 cổng nhỏ đối xứng ở hai bên; cổng lớn được bố trí 2 tầng 8 mái bằng gỗ lim kiểu chồng diêm, cả 3 cổng đều được lợp ngói mũi hài, ở cổng chính hai bên có 2 thần hộ pháp canh giữ đền.

Hai bên đường lên đền có rất nhiều cây xanh.
Trong đền, có tấm bình phong tứ trụ được làm bằng đá Thanh Hóa có chạm khắc hoa văn. Sau bình phong là 2 nhà bia ngoảnh mặt vào nhau. Phía nhà bia bên tay phải có 1 chuông lớn và bia khắc bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Hoàng đế Quang Trung với lòng tự hào dân tộc. Nối tiếp là nhà tả vu và hữu vu gồm 3 gian, 2 chái làm bằng gỗ lim.

Bia đá có bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Hoàng đế Quang Trung.
Nhà hữu vu là nhà đón tiếp đại biểu và các đoàn khách về viếng thăm. Giữa hai nhà là khoảng sân rộng 1.500 m2 với vườn cây cảnh tạo nên một không gian thơ mộng.
Nhà hạ điện, trung điện, thượng điện được xem là trung tâm của toàn bộ ngôi đền, được thiết kế theo hình chữ Tam, cao dần lên. Cả 3 nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn.

Các tượng đá trên đền thờ Hoàng đế Quang Trung.
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung nằm giữa rừng thông, đứng từ đền thờ chúng ta có thể tha hồ chiêm ngưỡng dòng sông Lam hiền hòa uốn lượn, dãy núi Hồng hùng vĩ, ngắm TP Vinh mờ ảo trong sương. Đây là điểm du lịch tâm linh mà mỗi ai khi đến xứ Nghệ cũng mong muốn một lần được ghé qua.
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung được xây dựng trên đỉnh núi Dũng Quyết.
Ông Vũ Hồng Đức, Trưởng Ban quản lý Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, cho biết kể từ ngày khánh thành, đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã vinh dự được đón tiếp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, cùng hàng trăm vạn lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc, các đoàn khách quốc tế đến thắp hương tưởng niệm và thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ tri ân đối với một trong những vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.