Mỹ tìm ra cách cứu hành tinh? (*)

(NLĐO) - Cuối cùng đảng Dân chủ cũng đạt được một đạo luật quan trọng, Đạo luật Cắt giảm Lạm phát (IRA), được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hôm 16-8 sau khi vượt qua được cửa Hạ viện lẫn Thượng viện.

Liệu IRA có thể cắt giảm lạm phát? Chuyên gia Paul Krugman của Trường ĐH Thành phố New York (Mỹ) cho rằng khả năng là có – hoặc ít nhất có thể xoa dịu sức ép lạm phát.

Nguyên nhân là khoản chi tiêu gia tăng của đạo luật, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch và chăm sóc sức khỏe, sẽ được bù đắp thông qua các điều khoản thuế. Do đó, đây sẽ là một đạo luật giảm thâm hụt và khi những lĩnh vực khác cân bằng, đạo luật có thể giúp hạ lạm phát.

Mỹ tìm ra cách cứu hành tinh? (*) - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về Dự luật Cắt giảm Lạm phát (khi còn là dự luật) tại Nhà Trắng, thủ đô Washington - Mỹ hôm 28-7. Ảnh: REUTERS

Đầu tư vào tương lai quốc gia

Trong bài bình luận đăng trên báo The New York Times mới đây, chuyên gia Krugman chỉ ra IRA về cơ bản cũng giống như Đạo luật Đường cao tốc quốc phòng và Liên bang 1956, khi chủ yếu mang lại lợi ích cho Mỹ thông qua việc đầu tư vào tương lai quốc gia. Tác động của IRA thậm chí còn lớn hơn.

Để hiểu vì sao đạo luật mới lại được kỳ vọng đến vậy, cần nắm được điều gì đã thay đổi kể từ khi nỗ lực chống biến đổi khí hậu đáng chú ý gần đây nhất của Đảng Dân chủ, Dự luật Waxman-Markey 2009, được Hạ viện thông qua nhưng bị chặn tại Thượng viện.

Trọng tâm của Waxman-Markey là hệ thống "giới hạn và mua bán" vận hành tương tự một loại thuế carbon.

Những người ủng hộ từng và vẫn khẳng định một hệ thống như vậy có thể khuyến khích doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm phát thải theo nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, ở khía cạnh chính trị, hệ thống này dễ dàng bị mô tả như một kế hoạch gò bó, đòi hỏi nhiều hy sinh từ người lao động bình thường.

Mỹ tìm ra cách cứu hành tinh? (*) - Ảnh 2.

Lạm phát khiến giá hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân Mỹ. Ảnh: REUTERS

Bước tiến mang tính cách mạng

Sau thất bại của Waxman-Markey, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama buộc phải giảm đáng kể quy mô của chương trình nghị sự khí hậu, tập trung vào hướng tiếp cận "củ cà rốt" thay vì "cây gậy": Ưu đãi thuế cho năng lượng sạch, bảo đảm nguồn vay cho các công ty đầu tư vào năng lượng tái tạo. Theo chuyên gia Krugman, phần lớn nhà kinh tế học thời điểm đó có lẽ không trông đợi nhiều từ những biện pháp kể trên.

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra trong cuộc chiến chống tận thế khí hậu: Nỗ lực phát triển công nghệ năng lượng tái tạo đạt được bước tiến mang tính cách mạng nhờ những chính sách dưới thời ông Obama.

Vào năm 2009, nguồn điện tạo ra từ năng lượng gió vẫn đắt hơn so với điện nhiệt than, năng lượng mặt trời còn đắt hơn thế. Nhưng đến năm 2019, chi phí năng lượng gió đã giảm 70% trong khi năng lượng mặt trời giảm 89%, khiến tham vọng về một nền kinh tế xanh dựa vào các nguồn năng lượng sạch để sưởi ấm hay làm mát nhà ở, vận hành nhà máy, cung cấp năng lượng cho phương tiện giao thông….không còn là một giấc mơ xa vời.

Mỹ tìm ra cách cứu hành tinh? (*) - Ảnh 3.

Đạo luật Cắt giảm Lạm phát (IRA) là nỗ lực mới nhất của Đảng Dân chủ nhằm ứng phó biển đổi khí hậu. Ảnh: REUTERS

Vấn đề "con gà và quả trứng"

Các điều khoản khí hậu của IRA chủ yếu xoay quanh mục tiêu tăng tốc chuyển đổi xanh thông qua ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ phát thải thấp, như xe điện, cũng như nhằm giảm tiêu thụ điện năng bằng nhiều giải pháp, đặc biệt là các tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Hoàn toàn có thể tin rằng những biện pháp này sẽ mang lại tác động tích cực và sâu rộng. Không giống nhiên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo hiện vẫn là một ngành công nghiệp sơ khai với "đường cong lĩnh hội" thẳng đứng: Càng sử dụng những công nghệ này, chúng ta càng thành thạo.

Mỹ tìm ra cách cứu hành tinh? (*) - Ảnh 4.

Đạo luật Cắt giảm Lạm phát (IRA) ra đời với mục tiêu khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: REUTERS

Mỹ tìm ra cách cứu hành tinh? (*) - Ảnh 5.

IRA chủ yếu xoay quanh mục tiêu chuyển đổi xanh thông qua ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ phát thải thấp, như xe điện. Ảnh: REUTERS

Vì thế, khuyến khích chuyển đổi xanh ở thời điểm hiện tại sẽ khiến giá thành của các nguồn năng lượng tái tạo rẻ hơn rất nhiều trong tương lai.

Bên cạnh đó, các ưu đãi thuế dành cho xe điện cũng có thể giúp giải quyết vấn đề "con gà và quả trứng": Tài xế ngại sử dụng xe điện vì không chắc sẽ tìm được trạm sạc trong khi doanh nghiệp không thiết lập nhiều trạm sạc vì không chắc sẽ có nhiều xe điện.

Cú huých cho chuyển đổi xanh

Điều đáng chú ý là mặc dù các điều khoản về khí hậu và năng lượng trong IRA chỉ "ngốn" khoảng 370 tỉ USD trong thập kỷ tới (tương đương 0,1% tổng sản phẩm quốc nội dự kiến cùng kỳ), chúng có thể tạo ra cú huých cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Chưa hết, các biện pháp trong IRA còn có thể giúp chuyển đổi bầu không khí kinh tế chính trị xoay quanh chính sách khí hậu. Suốt nhiều năm, giới hoạt động vì môi trường khẳng định chuyển đổi xanh cần được xem là "một cơ hội" chứ không phải là "một gánh nặng" bởi ngoài giải cứu hành tinh, quá trình này còn mở ra hàng loạt cơ hội việc làm và kinh doanh.

Tuy nhiên, thật khó để tin một lập luận như vậy nếu không có những dẫn chứng thành công cụ thể.

Mỹ tìm ra cách cứu hành tinh? (*) - Ảnh 6.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một sự kiện về biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo ở thị trấn Somerset, bang Massachusetts - Mỹ hồi cuối tháng 7 năm nay. Ảnh: REUTERS

Nếu vẫn chỉ là đề xuất, chưa phải là hiện thực, mọi chính sách khí hậu đều có nguy cơ bị tấn công bởi phe cực hữu, những cá nhân mô tả chúng như là một kế hoạch đen tối nhằm hủy hoại lối sống Mỹ. Nhưng một khi công chúng bắt đầu thấy được tác động thiết thực của chính sách chống biến đổi khí hậu, các cuộc công kích sẽ yếu dần.

Sau khi đảng Dân chủ thông qua được IRA, cơ hội ra đời của những dự luật tượng tự sẽ gia tăng, thậm chí tăng mạnh. IRA tất nhiên không thể giải quyết mọi vấn đề nhưng đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cứu trái đất khỏi thảm họa khí hậu.

Tác giả Paul Krugman là cây bút bình luận của tờ The New York Times kể từ năm 2000, đồng thời là giáo sư xuất sắc của Trung tâm Sau đại học thuộc Trường ĐH Thành phố New York. Ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008 cho những nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa kinh tế.

(*) Tựa bài đã được thay đổi