Nga - Mỹ: Kho hạt nhân nước nào "khủng" hơn?
(NLĐO) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21-2 thông báo Nga sẽ "tạm thời rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ", đồng thời cảnh báo Moscow có thể nối lại các vụ thử nghiệm hạt nhân nếu Washington cũng làm như vậy.
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Nga là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 5.977 đầu đạn tính đến năm 2022, so với 5.428 của Mỹ. Những con số này đồng nghĩa Moscow và Washington có thể san phẳng thế giới "hết lần này đến lần khác".

Tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân 'Severodvinsk' của Nga. Ảnh: AP
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân của Nga đã được cho "nghỉ hưu", 2.889 đang được dự trữ và khoảng 1.588 đang được triển khai cùng tên lửa, tàu ngầm và máy bay. Mỹ có khoảng 1.644 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai, Trung Quốc có tổng cộng 350, Pháp có 290 và Anh có 225.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô có lượng đầu đạn hạt nhân đạt đỉnh khoảng 40.000, cao hơn nhiều so với khoảng 30.000 của Mỹ.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, chỉ có vài quốc gia thử nghiệm vũ khí hạt nhân: Mỹ lần cuối vào năm 1992, Trung Quốc và Pháp lần cuối vào năm 1996, Ấn Độ và Pakistan vào năm 1998 và Triều Tiên vào năm 2017. Liên Xô thử nghiệm lần cuối vào năm 1990.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong một vụ thử nghiệm hồi tháng 10-2022 của Nga. Ảnh: AP
Hiện tại, Nga sở hữu khoảng 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể mang tổng cộng khoảng 1.185 đầu đạn hạt nhân. Ngoài 60-70 máy bay ném bom hạt nhân, quốc gia này còn vận hành 10 tàu ngầm hạt nhân có thể mang tối đa 800 đầu đạn.
Trong báo cáo Đánh giá Tình hình hạt nhân 2022, Mỹ khẳng định Nga và Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, đồng thời tuyên bố Washington sẽ theo đuổi cách tiếp cận dựa trên kiểm soát vũ khí để ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

Hệ thống phòng chống tên lửa của Nga trong một buổi triển lãm công nghệ quốc phòng ở Vùng Moscow hồi tháng 8-2021. Ảnh: Reuters
"Bàn tay tử thần"
Về phần mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh ông có thông tin nói rằng Mỹ đang phát triển vũ khí hạt nhân mới.
Tổng thống Nga là người ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cả chiến lược lẫn phi chiến lược, theo Reuters. Cặp hạt nhân, còn được gọi là "Cheget", luôn bên cạnh tổng thống. Bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang của Nga cũng được cho là có những chiếc cặp như vậy.
Về cơ bản, chiếc cặp là một công cụ liên lạc liên kết tổng thống với các tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội để qua đó, kết nối ông chủ Điện Kremlin với các lực lượng tên lửa thông qua mạng lưới chỉ huy và kiểm soát điện tử tuyệt mật "Kazbek".

Tổng thống Nga Vladimir Putin được hộ tống bởi một phụ tá cầm vali bọc thép trước cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashekno. Ảnh: Reuters
Nếu Nga nghĩ rằng họ phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược, tổng thống, thông qua những chiếc cặp, sẽ gửi lệnh phóng trực tiếp đến bộ tổng tham mưu và các đơn vị chỉ huy dự bị nắm giữ mã hạt nhân.
Mệnh lệnh sau đó được nhanh chóng chuyển xuống các hệ thống thông tin liên lạc, đến các đơn vị tên lửa chiến lược để tấn công mục tiêu.
Nếu một cuộc tấn công hạt nhân được xác nhận, tổng thống Nga có thể kích hoạt hệ thống được mô tả là "Bàn tay tử thần". Về cơ bản, máy tính sẽ "chốt" ngày tận thế của con người. Một tên lửa điều khiển sẽ ra lệnh tấn công hạt nhân từ khắp kho vũ khí khổng lồ của Nga.

Nga là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 5.977 đầu đạn tính đến năm 2022. Ảnh: Reuters
Kịch bản tồi tệ
Cả Mỹ và Nga đều lên kế hoạch tỉ mỉ cho các chương trình hiện đại hóa hạt nhân của họ dựa trên giả định không nước nào vượt quá mức quy định của New START. Khi New START không còn, giả định trên sẽ biến mất tức thì và cả hai sẽ mặc định rằng họ không thể tin tưởng nhau.
Mỹ đang triển khai khoảng 400 ICBM và mặc dù chúng hiện chỉ có thể mang theo 1 đầu đạn, khoảng 50% trong số này sử dụng phương tiện Mk21A có khả năng mang theo 3 đầu đạn mỗi chiếc. Bên cạnh đó, Mỹ còn sở hữu 50 hầm chứa ICBM "ấm" có thể nạp lại tên lửa nếu cần.

Tên lửa Trident được phóng thử nghiệm từ tàu ngầm Mỹ USS Nebraska ngoài khơi California hồi 2008. Ảnh: US Navy
Điều này đồng nghĩa lực lượng ICBM của Mỹ có thể tăng mạnh lượng đầu đạn được trang bị, từ 400 lên 950.
Không bị ràng buộc bởi New START, Washington còn có thể trang bị tối đa 8 đầu đạn cho mỗi tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident, thay vì 4-5 đầu đạn như hiện tại. Nếu điều này xảy ra, lượng đầu đạn được Washington gắn lên SLBM có thể tăng gần gấp 2 lần, lên khoảng 1.920.
Mỹ cũng có thể kích hoạt lại 4 ống phóng trên mỗi tàu ngầm mà họ đã "đóng băng" để tuân thủ New START, tức bổ sung 56 tên lửa với 448 đầu đạn cho hạm đội. Washington có thể mất vài tháng để thực hiện những điều chỉnh trên, bởi tải thêm đầu đạn lên ICBM là một quá trình phức tạp.
Ngược lại, việc triển khai đầu đạn bổ sung đến các căn cứ máy bay ném bom của Mỹ có thể được thực hiện rất nhanh chóng. Họ cũng có thể đưa gần 700 tên lửa hành trình và bom lên các máy bay ném bom B-52 và B-2.

Máy bay ném bom B-52 chuẩn bị tiếp nhiên liệu trên bầu trời Afghanistan trong một chiến dịch không được tiết lộ thời gian. Ảnh: Reuters
Theo tính toán của FAS, nếu Nga và Mỹ thực hiện mọi động thái nhằm tối đa hóa lượng đầu đạn có thể triển khai được, kho vũ khí hạt nhân của họ sẽ "phình" lên gấp 2 lần.
Khi đó, Mỹ sẽ có nhiều đầu đạn chiến lược hơn nhưng về tổng thể, Nga vẫn nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân lớn hơn, bởi Moscow sở hữu lượng lớn đầu đạn phi chiến lược dự trữ không thuộc diện bị New START kiểm soát.
Hai nước cũng có thể đẩy mạnh đầu tư vào những khía cạnh được cho là giúp củng cố sức mạnh quân sự, chẳng hạn như lực lượng tên lửa thông thường, lực lượng hạt nhân phi chiến lược và hệ thống phòng thủ tên lửa.
Những bước đi nêu trên có thể gây ra phản ứng ở các quốc gia hạt nhân khác, khiến những quốc gia này quyết tâm mở rộng lực lượng hạt nhân và gia tăng vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự.

Mỹ đã bắt đầu đóng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Columbia tiên tiến. Hình ảnh thiết kế tàu District of Columbia do Hải quân Mỹ công bố