Nhìn lại thị trường xe điện từ cú "sẩy chân" của Toyota

(NLĐO) - Các thương hiệu ô tô nước ngoài từng thống trị ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc sẽ bị mất thị phần đáng kể do tiến trình chuyển đổi sang xe điện chậm hơn các công ty sản xuất ô tô điện nội địa.

Toyota (Nhật Bản) đang tìm cách nâng tầm cuộc chơi trong lĩnh vực xe hơi điện trong bối cảnh bị các nhà sản xuất ô tô mới của Trung Quốc cũng như Mỹ bỏ xa.

"Thay máu" ban lãnh đạo

Tập đoàn ô tô Toyota (Nhật Bản) vừa thay đổi lãnh đạo lần đầu tiên sau 14 năm. Ông Akio Toyoda, 66 tuổi, đã từ chức giám đốc điều hành (CEO) Toyota khi nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này nỗ lực duy trì vị trí dẫn đầu trong một thế giới đang chuyển sang xe điện, xe tự lái và các công nghệ đột phá khác.

Ông Toyoda, hiện giữ chức chủ tịch Toyota, là cháu trai của nhà sáng lập Toyota và đã lãnh đạo công ty từ năm 2009. Ông Toyoda hồi tháng 1 cho biết: "Vì niềm đam mê mãnh liệt với ô tô, tôi là một người bảo thủ về kỹ thuật số hóa, xe điện và xe kết nối. Tôi đam mê xe truyền thống, đó là hạn chế của tôi". Ông cho rằng nhân sự mới có thể làm những chuyện ông không thể và ông cần lùi lại một bước để những người trẻ tuổi bước vào chương mới của sự vận chuyển.

Nhìn lại thị trường xe điện từ cú sẩy chân của Toyota - Ảnh 1.

Ông Akio Toyoda, 66 tuổi, đã từ chức giám đốc điều hành (CEO) Toyota. Ảnh: Kyodo

Hôm 1-4, ông Koji Sato, cựu lãnh đạo thương hiệu Lexus, đã kế nhiệm ông Akio Toyoda. Theo báo Financial Times, sự chuyển giao quyền lực diễn ra khi Toyota đối mặt loạt thách thức chiến lược và kỹ thuật sau 14 năm đứng đầu thị trường xe hơi toàn cầu với sự cạnh tranh không ngừng.

Ông Sato, 53 tuổi, là nhân viên kỳ cựu 30 năm của Toyota, tiếp quản Toyota vào thời điểm công ty xem xét lại chiến lược về xe điện, phân khúc mà hãng có số lượng mẫu mã ít hơn nhiều so với các đối thủ.

Theo Reuters, Toyota đã đặt kỳ vọng lợi nhuận tăng 10% trong tài khoá 2023, với doanh số bán xe điện tăng gấp 5 lần trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm bớt. CEO Koji Sato đã thông báo về mục tiêu tăng trưởng nói trên, báo hiệu công ty sản xuất ô tô hàng đầu thế giới này sẽ có động thái mạnh mẽ hơn đối với thị trường xe điện.

Toyota trước đây theo đuổi cách tiếp cận từ từ về xe điện khi lập luận rằng chiến lược của họ sẽ mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.

Nhìn lại thị trường xe điện từ cú sẩy chân của Toyota - Ảnh 2.

CEO Koji Sato đang đối mặt với một loạt thách thức. Ảnh: EPA

Chiến lược giành lại thị phần

Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới dự báo doanh số bán xe điện cũng hãng, bao gồm những sản phẩm của thương hiệu Lexus sang trọng, sẽ đạt 202.000 chiếc trên toàn thế giới trong năm tài chính tính đến tháng 3-2024, tăng hơn 5 lần so với mức 38.000 chiếc hồi năm ngoái.

Toyota cũng dự báo lợi nhuận sẽ tăng lên 3.000 tỉ yên (khoảng 22,2 tỉ USD) trong tài khóa 2023, xấp xỉ mức dự báo trung bình của các nhà phân tích là 3.020 tỉ yên.

Dù đặt kỳ vọng doanh số bán hàng tăng trong tài khoá 2023 nhưng hãng Toyota hôm 10-5 cho biết lợi nhuận ròng trong tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3-2023) đã giảm 14% so với tài khóa 2021, xuống còn 2.450 tỉ yen (18 tỉ USD).

Đây là lần đầu tiên lợi nhuận ròng của Toyota giảm trong vòng 4 năm qua do giá nguyên liệu tăng cao. Theo Toyota, lợi nhuận hoạt động của hãng trong tài khóa 2022 giảm 9%, xuống còn 2.730 tỉ yen dù đạt doanh số bán hàng kỷ lục là 37.150 tỉ yen và có lợi thế trong doanh số bán hàng ở nước ngoài nhờ đồng yen giảm giá.

Nhìn lại thị trường xe điện từ cú sẩy chân của Toyota - Ảnh 3.

Xe hãng Toyota ở Tokyo - Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Nhìn lại thị trường xe điện từ cú sẩy chân của Toyota - Ảnh 4.

Xe điện Tesla tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Chiến lược của Toyota đã chịu áp lực ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nơi các thương hiệu địa phương như hãng BYD đã tích cực chuyển sang sản xuất xe điện, làm suy yếu sự thống trị lâu nay của các thương hiệu nước ngoài.

Nhằm tìm cách nâng cao vị thế trong cuộc đua sản xuất xe điện, lĩnh vực mà các hãng xe Nhật Bản đã bị các nhà sản xuất ô tô mới của Trung Quốc cũng như hãng xe điện Tesla (Mỹ) bỏ xa, Toyota cho biết họ sẽ cho ra mắt 10 loại xe điện mới, nhằm đạt mục tiêu doanh số 1,5 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2026.

Theo ông Sato, Toyota sẽ tăng tốc cung cấp các giải pháp thích hợp cho các khu vực khác nhau, đồng thời các mẫu xe mới sẽ bao gồm từ xe thương mại nhỏ gọn đến xe hạng sang và tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Thua trên thị trường Trung Quốc 

Theo Reuters, thị phần chung của ô tô Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc suy giảm dần qua từng năm, chịu ảnh hưởng từ tiến trình điện hóa cùng trào lưu xe điện nội địa giá rẻ.

Ông Bill Russo, nhà sáng lập đồng thời là CEO của Công ty tư vấn Automobility (Trung Quốc), nhận định: "Nhật Bản là bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến giá cả tại thị trường ô tô Trung Quốc". 

Tổng doanh số của các thương hiệu ô tô Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc trong quý I/2023 đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Reuters, mức sụt giảm này nhanh gấp đôi so với đà suy giảm chung của thị trường.

Nhìn lại thị trường xe điện từ cú sẩy chân của Toyota - Ảnh 6.

Logo Toyota được nhìn thấy tại gian hàng triển lãm Auto Shanghai. Ảnh: Reuters

Theo ông Bill Russo, việc xe điện nội địa Trung Quốc có giá bán ngày càng rẻ hơn đã khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với nhóm khách hàng vốn trung thành với những thương hiệu xe nước ngoài.

Mặc dù Toyota đã thành công trong việc giữ vững ngôi vị là nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới nhưng hãng đang đối mặt với hàng loạt thách thức bao gồm các vấn đề về kiểm tra an toàn tại chi nhánh Daihatsu và áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư công nghệ xanh.

Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy tỉ trọng doanh số của ô tô Nhật Bản tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 18,5% trong quý 1/2023, từ mức 24% cùng kỳ năm 2020.

Theo các nhà phân tích, hoạt động sản xuất cũng như lợi nhuận sẽ chịu áp lực lớn tại Trung Quốc khi các hãng ô tô cắt giảm sản lượng và hạ giá bán ô tô động cơ xăng nhằm kiểm soát hàng tồn kho.

Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng gia tăng mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể phải đối diện ở các thị trường nước ngoài.

Ôông Masatoshi Nishimoto, nhà nghiên cứu trưởng của Công ty phân tích S&P Global Mobility (Nhật Bản), đánh giá các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thường định hình thương hiệu và danh tiếng dựa trên các giá trị như độ bền của xe. Tuy nhiên, xu hướng đang diễn ra tại Trung Quốc lại cho thấy ô tô điện giá rẻ và các dịch vụ phần mềm mới là yếu tố tạo ra sức hút.

Ông Nishimoto cảnh báo các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể phải đối mặt với những khó khăn tương tự tại thị trường Mỹ.

Nhìn lại thị trường xe điện từ cú sẩy chân của Toyota - Ảnh 8.

Khách xem xe của hãng BYD tại triển lãm ô tô Thượng Hải hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Thống lĩnh thị trường

Theo hãng tin Kyodo, Viện Phát triển Quản lý Quốc tế của Thụy Sỹ (IMD) đã hạ bậc Toyota từ vị trí thứ 2 trong năm ngoái xuống vị trí thứ 10 năm nay về khả năng ứng phó với rủi ro kinh doanh trong tương lai của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu.

Lý do là hãng này đang tụt hậu trong cuộc đua xe điện so với các đối thủ Mỹ và Trung Quốc. Bảng xếp hạng hằng năm đo lường "sự sẵn sàng trong tương lai" của các nhà sản xuất ô tô dựa trên các yếu tố như đổi mới, đa dạng kinh doanh và sức khỏe tài chính.

IMD cho biết hãng Tesla của Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng, giữ nguyên vị trí so với năm ngoái. Theo sau là các đối thủ Trung Quốc với doanh thu bán xe điện tăng trưởng liên tục. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã giành vị trí thứ hai từ vị trí thứ 5, thay thế Toyota nhờ khả năng tự sản xuất pin năng lượng và chip nội địa.

Theo một báo cáo của Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Rating (Mỹ) mới đây, các đợt giao hàng xe điện tại Trung Quốc trong quý I/2023 chiếm 31% doanh số bán ô tô, so với 28% vào năm 2022 và 15% vào năm 2021. Các nhà sản xuất ô tô nội địa Trung Quốc đang kiểm soát gần 80% tổng thị trường xe điện và có thể chứng kiến sự thay đổi trong các quý tới.