Những hệ lụy từ "cái chết" bất ngờ của Ngân hàng Silicon Valley

(NLĐO) - Hậu quả từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) đang bắt đầu lan rộng. Đây là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng Mỹ kể từ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Washington Mutual vào thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Được thành lập vào năm 1983, Ngân hàng Silicon Valley (SVB) chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Ngân hàng này cung cấp tài chính cho gần một nửa số công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ liên doanh của Mỹ. Ngân hàng 40 năm tuổi có trụ sở tại Santa Clara, bang California nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ.

Sụp đổ nhanh chóng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất một năm trước để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến chi phí đi vay cao hơn, làm giảm đà tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn mang lại lợi ích cho SVB.

Lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị của trái phiếu dài hạn mà SVB và các ngân hàng khác đã thu mua vào rất nhiều trong thời kỳ lãi suất cực thấp, gần như bằng không ở Mỹ. Theo đài CNN, danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỉ USD của SVB có lợi tức trung bình là 1,79%. Nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc tính theo 10 năm hiện tại là khoảng 3,9%.

Trong khi đó, vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt, buộc các công ty khởi nghiệp phải rút vốn do SVB nắm giữ. Kết quả là ngân hàng này bị đè nặng bởi gánh nặng lỗ trái phiếu "trên giấy tờ" trong khi tốc độ rút tiền của khách hàng ngày càng tăng.

Những hệ lụy từ cái chết bất ngờ của Ngân hàng Silicon Valley - Ảnh 1.

Trụ sở chính của Ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, California - Mỹ hôm 10-3. Ảnh: Reuters

Sự hoảng loạn nhen nhóm từ hôm 8-3 khi SVB thông báo họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỉ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán.

Cổ phiếu của ngân hàng này bắt đầu lao dốc vào sáng 9-3 và đến phiên chiều cùng ngày, nó đã kéo cổ phiếu của các ngân hàng khác lao dốc theo khi các nhà đầu tư bắt đầu lo sợ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 lặp lại.

Đến sáng 10-3 (giờ địa phương), hoạt động giao dịch cổ phiếu SVB bị tạm dừng và ngân hàng này đã từ bỏ nỗ lực huy động vốn hoặc tìm người mua. Kết quả, SVB sụp đổ sau 48 giờ chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh cùng với việc khách hàng ồ ạt rút tiền gửi.

Các cơ quan quản lý của California đã can thiệp, đóng cửa ngân hàng và đặt SVB, nơi từng nắm giữ khối tài sản trị giá 209 tỉ USD vào cuối năm ngoái, dưới sự quản lý của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

Hiệu ứng Domino

Chi nhánh của SVB tại Anh hiện đã ngừng giao dịch và không còn tiếp nhận khách hàng mới, dự kiến sẽ tuyên bố mất khả năng thanh toán. Các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đang hoang mang về việc tiếp cận tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng này và trả lương cho nhân viên thời gian tới.

Hôm 11-3 (giờ địa phương), lãnh đạo của khoảng 180 công ty công nghệ đã gửi thư kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt can thiệp. Bloomberg dẫn một đoạn trong thư: "Việc mất tiền gửi có khả năng làm tê liệt ngành công nghệ và khiến hệ sinh thái lĩnh vực này lùi lại 20 năm. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị buộc phải thanh lý tài sản chỉ sau một ngày".

Những hệ lụy từ cái chết bất ngờ của Ngân hàng Silicon Valley - Ảnh 2.

Nhiều người đứng trước Ngân hàng Silicon Valley. Ảnh: AP

Các nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp ở Anh cho biết trong thư: "Cuộc khủng hoảng này sẽ bắt đầu vào ngày 13-3 và vì vậy chúng tôi kêu gọi chính phủ ngăn chặn nó ngay bây giờ".

Nhiều nhà sáng lập cảnh báo sự sụp đổ của ngân hàng này có thể "quét sạch" các công ty khởi nghiệp trên khắp thế giới nếu không có sự can thiệp của chính phủ.

Các công ty được liệt kê trong thư gửi Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt bao gồm Uncapped, Apian, Pockit và Pivotal Earth. Hiệp hội các công ty khởi nghiệp công nghệ Anh (COADEC) cho biết trên Twitter rằng sự hoảng loạn đang xảy ra vì rõ ràng là sự sụp đổ của SVB có thể có tác động đáng kể đến hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Anh.

Hiệp hội này cho biết họ đã cùng với Bộ Tài chính Anh và văn phòng Thủ tướng Anh thảo luận về tác động tiềm ẩn và các quyết sách trong đêm 11-3 (giờ địa phương).

Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt hôm 12-3 cho biết ông đang làm việc với Thủ tướng Rishi Sunak và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh để tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại. Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang đề nghị tòa án ra lệnh đưa chi nhánh SVB ở Anh vào tiến trình làm thủ tục phá sản.

Vụ việc ở Anh chỉ là sự khởi đầu. SVB còn có chi nhánh ở Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ấn Độ, Israel và Thụy Điển. Công ty liên doanh của SVB tại Trung Quốc, SPD Silicon Valley Bank, đang tìm cách trấn an khách hàng địa phương rằng hoạt động của đơn vị này độc lập với SVB ở Mỹ và hiện vẫn ổn định.

Âm thầm tháo chạy trước?

Chưa đầy 2 tuần trước khi SVB tiết lộ những khoản lỗ lớn dẫn đến phá sản, Giám đốc điều hành (CEO) Greg Becker đã kịp bán 3,6 triệu USD cổ phiếu của ngân hàng này.

Theo Bloomberg, ngày 10-3, ngân hàng SVB đã chính thức sụp đổ sau một tuần hỗn loạn khi công ty gửi thư cho cổ đông thông báo đang cố huy động hơn 2 tỉ USD để bù đắp cho các khoản thua lỗ. Thông báo này đã khiến cổ phiếu công ty lao dốc bất chấp ông Becker kêu gọi khách hàng bình tĩnh.

Những hệ lụy từ cái chết bất ngờ của Ngân hàng Silicon Valley - Ảnh 4.

Giám đốc điều hành (CEO) Greg Becker đã kịp bán 3,6 triệu USD cổ phiếu của ngân hàng này. Ảnh: Reuters

Dù vậy, ông Becker đã bán 12.451 cổ phiếu với giá 3,6 triệu USD vào ngày 27-2. Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm vị CEO này bán cổ phần tại công ty mẹ SVB Financial Group. Ông Becker đã đệ trình kế hoạch cho phép ông bán cổ phần vào ngày 26-1. Hồ sơ pháp lý cho thấy việc bán cổ phần này được thực hiện thông qua một quỹ ủy thác do ông Becker kiểm soát.

Kế hoạch bán cổ phần sắp xếp trước của ông Becker được cho là hợp pháp. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng kế hoạch bán cổ phần báo trước này (được gọi là kế hoạch 10b5-1) có những sơ hở đáng kể, bao gồm việc thiếu thời gian giãn cách giữa ngày đăng ký bán và ngày thực hiện.

Ông Dan Taylor, giáo sư tại Trường Wharton thuộc Trường ĐH Pennsylvania nghiên cứu về giao dịch công khai, lập luận: "Mặc dù ông Becker có thể không lường trước việc ngân hàng này sẽ phá sản từ ngày 26-1, thời điểm ông ấy trình kế hoạch này nhưng vấn đề nằm ở chỗ tăng vốn. Nếu trong thời điểm kế hoạch được thông qua khi họ đang thảo luận về việc tăng vốn thì thật sự có vấn đề".

Bài học trước mắt

Việc SVB sụp đổ cũng khiến lãnh đạo các doanh nghiệp trên khắp thế giới lo sợ tác động tiêu cực. Các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tại châu Á đang khẩn trương đánh giá những hệ lụy tiềm tàng.

Tại Singapore, các chuyên gia tài chính và doanh nhân tại một buổi gặp gỡ cựu sinh viên Trường Kinh doanh Wharton đã cùng chia sẻ thông tin về sự sụp đổ của SVB trong khi các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư tại một hội thảo ở TP Mumbai - Ấn Độ cũng không nói chuyện gì khác ngoài SVB.

 Nhà phân tích Liu Zhengning dẫn đầu nhóm phân tích tại Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) cho rằng: "Tác động của vụ việc SVB đối với ngành công nghệ không nên bị đánh giá thấp".

Theo Bloomberg, các nhà phân tích của CICC nhận định tiền gửi là một nguồn vốn quan trọng cho các công ty khởi nghiệp vì những doanh nghiệp này thường cần rất nhiều tiền mặt để trả cho các khoản chi phí khổng lồ như nghiên cứu và phát triển cũng như lương nhân viên.

Những hệ lụy từ cái chết bất ngờ của Ngân hàng Silicon Valley - Ảnh 5.

SVB đã trở thành ngân hàng cho vay lớn nhất của Mỹ sụp đổ trong hơn một thập kỷ sau một tuần huy động vốn không thành công. Ảnh: Reuters

Về việc giải quyết vấn đề tiền gửi cho khách hàng SVB, FDIC thông báo rằng chậm nhất là đến sáng 13-3 (giờ địa phương), tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có toàn quyền tiếp cận tiền gửi được bảo hiểm của họ. Đối với những khoản tiền gửi được bảo hiểm, từ 250.000 USD trở xuống, khách hàng có thể lấy lại trong tuần sau.

Tuy nhiên, 89% trong tổng số tiền gửi trị giá 175 tỉ USD của ngân hàng này lại thuộc dạng không được bảo hiểm và số phận của các khoản tiền gửi này vẫn còn là dấu hỏi chấm. Trước mắt, những khách hàng gửi tiền không có bảo hiểm sẽ nhận một khoản "tạm ứng trong tuần tới".

Nhiều khách hàng gửi tiền ở đây là những công ty khởi nghiệp nên phần lớn trong số họ lo ngại sẽ không thể trả lương cho nhân viên trong thời gian tới, dẫn đến làn sóng phá sản và sa thải nhân sự rộng lớn trong ngành công nghệ. Theo Reuters, FDIC đang chạy đua để tìm một ngân hàng khác sẵn sàng sáp nhập với SVB.

Được biết FDIC thường bán tài sản của một ngân hàng phá sản cho các ngân hàng khác, sử dụng số tiền thu được để hoàn trả cho những khách hàng có tiền gửi không được bảo hiểm. Nhưng hiện vẫn chưa rõ khi nào đối tượng khách hàng này nhận lại được tiền.