Nỗi oan của con mèo

(NLĐO) - Về miền Tây, lang thang trên những chuyến xe đò ngược xuôi quê – phố, kẻ xách gà, người mang vịt... nhưng chẳng bao giờ có chuyện mang mèo theo được lên xe. Chẳng rõ căn nguyên từ đâu, nhưng từ lâu đã thành "lệ", hầu hết các nhà xe đều "cấm mèo".

Trong kho tàng văn hóa cư dân miền Tây Nam Bộ, bên cạnh bò và trâu "là đầu cơ nghiệp" thì chó, mèo luôn là con vật gần gũi, quen thuộc, gắn bó mật thiết với đời sống cư dân. Tuy vậy, khác với chó giữ một vị trí "thường thường bậc trung", mèo có khi được tôn lên hàng "vật thiêng" nhưng cũng có lúc bị xua đuổi, kỳ thị và ghét bỏ: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang". Ngẫm nghĩ, thấy cũng oan cho con mèo!

Mèo hên hay xui?

Về miền Tây, lang thang trên những chuyến xe đò ngược xuôi quê – phố, kẻ xách gà, người mang vịt... nhưng chẳng bao giờ có chuyện mang mèo theo được lên xe. Chẳng rõ căn nguyên từ đâu, nhưng từ lâu đã thành "lệ", hầu hết các nhà xe đều "cấm mèo". 

Người ta cho rằng, mèo đem đến điềm xui, xe chở mèo thường gặp phải nhiều điều bất trắc. Năm năm trước có chuyện trên chuyến xe đò từ TP HCM về Hồng Ngự (Đồng Tháp), một nữ hành khách đã bị nhà xe bỏ xuống đường giữa đêm khuya vì bị phát hiện mang theo một con mèo. Nhà xe sau đó cũng bị nhiều chỉ trích. Có người bảo, "thấy chưa, đi xe gặp mèo là xui!"...

Nỗi oan của con mèo - Ảnh 1.

Lá nhau mèo khô được gia chủ giữ làm vật may mắn

Mặc dù kỳ thị mèo nhưng lạ thay, nhiều người lại rất tin là nhau mèo mang đến điềm may mắn, bậc nhất vẫn là dân theo nghề... tàu xe! Vì thế mà có một dạo, nhau mèo được rao bán khắp nơi với lời đồn đoán rằng không chỉ trị nhiều bệnh ngặt nghèo mà còn mang đến cho gia chủ tài lộc.

Sự thật thì tập tính của mèo khi đẻ, chúng sẽ ăn hết những bánh nhau của mình. Ngoài mục đích là dọn dẹp cho sạch sẽ ổ mèo con, ăn nhau còn giúp mèo mẹ phục hồi sức khỏe bởi bánh nhau chứa nhiều dưỡng chất. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp đặc biệt, sau khi đẻ xong, mèo mẹ sẽ tha nhau đến "tặng" cho chủ nhà. Người ta lấy bánh nhau rửa sạch bằng rượu, rồi đem phơi khô và cất, xem đó như linh vật quý giá.

Tết, dân có máu đỏ đen thường thủ trong người một tấm nhau mèo vì tin rằng sẽ mang đến nhiều thắng lợi. Dân đi buôn bán, đặc biệt là người theo nghề tàu xe thì lại tin rằng xông nhau mèo cho xe (ghe tàu) mới trước khi lăn bánh (hạ thủy) thì sẽ thượng lộ bình an, thuận buồm xuôi gió!

Tục cấm ăn thịt mèo

Có lẽ vì còn gỡ gạc được chút "hên" nên con mèo trong tâm thức người Việt là linh vật đứng thứ 4 trong Thập Nhị Chi. Tuy nhiên, người Khmer Nam Bộ cho rằng mèo (chha-ma) là con vật có tính cách không tốt, hay ăn vụng, dễ thay đổi nên tục ngữ Khmer có câu: "Giấu như mèo giấu phân" hay con mèo đuôi quăn, gắng sửa thế nào cũng quăn. Có lẽ vậy mà trong 12 con giáp của người Khmer, con mèo được thay thế bằng con thỏ bởi niềm tin rằng thỏ là con vật tiền kiếp của Đức Phật, có nhiều đức tính cao đẹp hơn loài mèo. 

Nỗi oan của con mèo - Ảnh 2.

Mặc dù tưởng chừng không được coi trọng như vậy nhưng trong văn hóa Khmer, những khi nắng hạn khắc nghiệt, người ta tin rằng tiếng mèo kêu có thể thấu đến thiên đình, làm động lòng Nữ Thần Mưa - Moni Mekhala. Vì thế có tục, mỗi khi hạn hán kéo dài, người ta sẽ rưới nước lên lông mèo cho chúng kêu vang để cầu mưa.

Riêng tâm thức dân gian của người Chăm Islam ở miền Tây thì mèo thuộc loại động có móng vuốt nằm trong danh sách các vật cấm kỵ (Haram)... Tuy nhiên, mèo lại được xem là con vật hữu dụng và may mắn. 

Trong một số truyền thuyết của Hồi giáo cho rằng Nhà tiên tri Muhammad từng được một chú mèo hoang cứu mạng thoát khỏi vết cắn của con rắn độc. Nhớ ơn chú mèo, ông đem nó về nuôi, đặt tên là Muezza và yêu thương hết mực. Có lần chú mèo Muezza ngủ say trên vạt áo của Nhà tiên tri, khi ông phải đến giờ hành lễ. Muhammad đã cắt vạt áo của mình để đứng dậy hành lễ mà không đánh thức giấc ngủ ngon của chú mèo cưng... 

Nỗi oan của con mèo - Ảnh 3.

Truyền thuyết còn giải thích thêm, trong một lần đi xa trở về, thấy chú mèo đứng chờ trước cửa và cúi mình kính cẩn chào, Nhà tiên tri Muhammed đã xúc động và vuốt lên lưng chú mèo Muezza 7 lần với 7 lời chúc phúc. Từ đó, loài mèo trên thế gian có đến 7 mạng sống! 

Có lẽ từ những truyền thuyết trên, mà người Chăm theo đạo Hồi ở miền Tây rất yêu thương mèo. Trong nghi thức văn hóa truyền thống của Lễ tạ ơn Kuột - san (lễ mừng nhà mới), khởi đầu buổi lễ, mọi người từ sân tiến vào ngôi nhà mới theo thứ tự. Trước tiên là bà chủ nhà, trên tay ôm theo một con mèo (Mà - nghiều) tượng trưng cho sự trấn giữ và may mắn, kế đến là ông Hakim (Giáo cả), ông chủ nhà, các thành viên trong gia đình và quan khách. Sau buổi lễ, con mèo sẽ được gia chủ nuôi, xem như một thành viên thân thiết của gia đình và cấm kỵ ăn thịt mèo.

Nỗi oan của con mèo - Ảnh 4.

Tục cấm ăn thịt mèo này vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nhất là những vùng gốc người miền Trung đi mở cõi và lập nghiệp ở phương Nam. Người ta cho rằng, giết hại, hoặc thậm chí gặp mèo chết là điềm xui, và việc ăn thịt mèo cũng mang đến nhiều điều tai họa. Còn trong giáo lý của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (tôn giáo nội sinh ở miền Tây), thì cấm kỵ tín đồ ăn thịt các con vật trong "thập nhị chi", trong đó có thịt mèo bởi tâm thức, mèo là tuổi của người, ăn thịt mèo cũng giống như ăn linh vật cầm tinh của con người.

60 năm, Quý Mão lại quay về, câu nói "nam Nhâm, nữ Quý thì sang" cho chúng ta niềm hy vọng về một năm mới êm dịu như một chú mèo mướp vàng, mượt mà và sáng láng!

Có lẽ giống với tính cách luôn đối lập, khó đoán của loài mèo mà những chuyện về mèo ở miền Tây sông nước luôn có hai thái cực thương - ghét khác nhau. Cũng như những sự kiện năm mèo, luôn mang đến những bất ngờ...

Người dân miền Tây hay nói về về câu sấm truyền "Mèo kêu bá tánh lao xao", để kể về sự kiện bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 – năm Kỷ Mão (1939). Tuy nhiên người ta cũng nói về năm mèo Ất Mão (1975) là năm bình yên chiến trận, năm Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, mở ra một bước ngoặt lịch sử mới cho dân tộc ta.