Ông Trump và tiền lệ tranh cử tổng thống Mỹ... từ nhà tù
(NLĐO) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sắp bị truy tố ở New York với cáo buộc che đậy khoản tiền mua chuộc sự im lặng của ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels.
Cựu luật sư riêng của ông Trump, Michael Cohen, đã dàn xếp khoản thanh toán 130.000 USD cho Daniels vào năm 2016 để bà im lặng về "vụ quan hệ tình dục với ông Trump một thập kỷ trước đó". Ông Cohen hợp tác với công tố viên và nhận tội vào năm 2018 với các cáo buộc gian lận thuế, ngân hàng và vi phạm luật tài chính.
Hiến pháp Mỹ không cấm
Với việc ông Trump đang tìm cách quay trở lại Nhà Trắng vào năm 2024, nguy cơ bị buộc tội hình sự mở ra kịch bản ông phải thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống từ sau song sắt. Nếu điều đó xảy ra, khó khăn mà ông Trump phải đối mặt là lớn như thế nào? Không quá lớn, ít nhất là về mặt pháp lý, giới chuyên gia khẳng định với trang Slate.
"Hiến pháp Mỹ quy định rất rõ ràng về những tiêu chuẩn để tranh cử tổng thống, thành viên quốc hội hoặc thượng nghị sĩ" – chuyên gia Kate Shaw của Trường Luật Cardozo (Mỹ) giải thích, đồng thời cho biết những tiêu chuẩn này được quy định ở Điều 2 Hiến pháp Mỹ, bao gồm là công dân bẩm sinh, ít nhất 35 tuổi và đã sống tại Mỹ tối thiểu 14 năm.

Mật vụ và nhân viên an ninh đứng ngoài dinh thự của cựu Tổng thống Donald Trump ở bang Florida, sau khi ông khẳng định ông có thể sớm bị bắt giam. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ không có quy định liên quan đến tình trạng pháp lý cũng như tiền án hình sự của ứng viên. Điều này đồng nghĩa một ông Trump bị kết án cấp bang hoặc liên bang cũng được quyền tranh cử như một ông Trump không bị kết án.
Những bang tìm cách thêm tiêu chuẩn để loại ứng viên có tiền án ra khỏi cuộc đua sẽ bị tòa án ngăn chặn.
Điều này từng xảy ra vào năm 2019, khi Tòa án Tối cao California khẳng định đạo luật của bang này nhằm yêu cầu ứng viên tổng thống phải tiết lộ bản kê khai thuế cá nhân rồi mới được tranh cử - một thách thức trực tiếp đối với việc ông Trump liên tục từ chối công khai hồ sơ thuế - là "vi hiến".
Khi còn làm tổng thống, ông Trump đã bị luận tội 2 lần nhưng đều thoát hiểm nhờ sự hậu thuẫn của đảng Cộng hòa. Chỉ khi bị kết tội trong tiến trình luận tội kể trên, ông mới bị cấm tham gia bộ máy liên bang, bao gồm chức vụ tổng thống.
3 tiền lệ trong lịch sử Mỹ
Lịch sử Mỹ từng chứng kiến ít nhất 3 trường hợp tranh cử tổng thống sau song sắt mà không gặp bất cứ trở ngại pháp lý nào.
- Đầu tiên là vào năm 1920, ông Eugene Debs (thủ lĩnh đảng Xã hội) tranh cử khi đang bị bỏ tù vì những tội danh từ thời Thế chiến I.

Ông Trump phát biểu tại Davenport, Iowa ngày 13-3. Ảnh: Reuters
- Năm 1992, ông Lyndon LaRouche đua vào Nhà Trắng từ sau song sắt nhà tù vì tội trốn thuế và giả mạo thư tín.
- Gần đây nhất, năm 2012, là ông Keith Judd. Trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở West Virginia, ông này thậm chí giành được 41% số phiếu trước đối thủ là đương kim tổng thống khi ấy, ông Barack Obama.
Tuy nhiên, dù cả 3 ứng viên này tranh cử nhiều lần, họ không giành được bất kỳ phiếu đại cử tri nào.
Trong trường hợp ông Trump bị kết tội, thách thức lớn nhất đối với nỗ lực tái tranh cử của ông nhiều khả năng chỉ đến từ quan niệm chính trị và "cái nhìn" của công chúng về vấn đề tranh cử khi có tiền án. Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông nhiều khả năng không thay đổi.
"Những người ủng hộ ông Trump sẽ lập luận rằng luận tội hay truy tố đều là những hành động mang tính chính trị" - chuyên gia Mildred Elizabeth Sanders của Trường ĐH Cornell (Mỹ) nhận định.

Cảnh sát New York dựng rào chắn bên ngoài Tòa án Hình sự Manhattan vào ngày 21-3, giữa lúc có thông tin nói rằng ông Trump có thể bị truy tố ngay trong tuần này. Ảnh: REUTERS
Có hay không khả năng cầm quyền sau song sắt?
Ông Trump thậm chí có thể sử dụng lệnh bắt giữ (nếu có) để chỉ trích gay gắt điều ông mô tả là "cuộc săn lùng phù thủy khủng khiếp nhất lịch sử nước Mỹ" nhằm vào ông.
Nếu kịch bản này xảy ra, ông không phải là ứng viên tổng thống đầu tiên sử dụng lệnh bắt giam để đạt được lợi ích chính trị. Ông Debs đã làm điều tương tự khi tranh cử từ trong tù vào năm 1920.
Nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 sau khi bị kết án, ông gần như chắc chắn sẽ không lãnh đạo đất nước từ sau song sắt, nhất là khi Hiến pháp Mỹ quy định tổng thống phải có khả năng thực hiện nhiệm vụ hành pháp. Đây vốn là những nhiệm vụ cực kỳ khó thực hiện trong điều kiện bị giam giữ.
Khi đó, theo chuyên gia Shaw, có 3 kịch bản tiềm tàng: ông Trump bị luận tội một lần nữa, Nội các áp dụng Tu chính án 25 để phế truất ông Trump, hoặc ông Trump có thể trình vụ việc lên tòa án để yêu cầu đình chỉ bản án nhằm vào ông cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.

Đám đông ủng hộ ông Trump biểu tình phản đối bên ngoài Tòa án New York hôm 20-3. Ảnh: REUTERS
Rắc rối lớn từ vụ bạo loạn quốc hội
Ngoài nguy cơ bị truy tố liên quan đến khoản tiền mua sự im lặng của bà Stormy Daniels, ông Trump còn vướng phải hàng loạt rắc rối pháp lý khác. Trong đó, nghiêm trọng nhất là 4 cáo buộc trong vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1-2021.
Cựu Tổng thống Trump có thể đối mặt án tù lên đến 40 năm cộng với tiền phạt nếu bị kết án về cả 4 cáo buộc liên bang do Ủy ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1-2021 đưa ra, đồng thời có thể bị cấm ra tái tranh cử tổng thống.
Báo Daily Mail cho biết 4 cáo buộc trên bao gồm cản trở thủ tục chính thức của quốc hội; âm mưu lừa gạt đất nước; âm mưu đưa ra tuyên bố sai lệch và ủng hộ một vụ bạo loạn.
Trong đó, cáo buộc cản trở thủ tục chính thức của quốc hội có khung hình phạt lên đến 20 năm tù giam và tiền phạt lên đến 100.000 USD; cáo buộc âm mưu lừa gạt đất nước có khung hình phạt tối đa 5 năm tù giam và tiền phạt; cáo buộc âm mưu đưa ra tuyên bố sai lệch có khung hình phạt nhiều năm tù và cáo buộc ủng hộ một vụ bạo loạn có thể khiến ông Trump mất quyền tái tranh cử tổng thống.
Luật pháp Mỹ quy định bất cứ ai kích động, hỗ trợ hoặc tham gia bạo loạn, nổi dậy chống chính quyền, luật pháp... sẽ bị phạt hoặc bị giam giữ lên đến 10 năm và sẽ không được nắm giữ vị trí trong chính quyền.

Chín thành viên của Ủy ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1-2021 nhất trí để Bộ Tư pháp Mỹ xem xét các cáo buộc chống lại ông Trump ẢNH: REUTERS
Bộ Tư pháp Mỹ sẽ đưa ra quyết định có truy tố ông Trump hay không. Uỷ ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1-2021 tin rằng có đủ bằng chứng để mở vụ án hình sự chống lại ông Trump, một phần là do "nếu không có ông Trump thì sẽ không xảy ra vụ bạo loạn hôm đó".
Đảng viên Dân chủ Jamie Raskin (bang Maryland) tuyên bố ủy ban này "phát hiện các bằng chứng quan trọng cho thấy ông Trump định phá vỡ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".
Ngược lại, ông Trump nhiều lần khẳng định mình không phạm tội và chỉ trích hành động của Ủy ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1-2021. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Trump cho biết mình là "nạn nhân của đảng Dân chủ". Cựu tổng thống Mỹ cáo buộc đảng này không muốn ông ra tái tranh cử vì ông sẽ giành chiến thắng.
Một số cáo buộc khác nhằm vào ông Trump
- Lưu trữ tài liệu mật ở nhà riêng: Tháng 8 năm ngoái, Cục Điều tra Liên bang Mỹ khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago và phát hiện một số tài liệu mật được ông Trump mang về sau khi rời văn phòng đầu năm 2021. Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra vì 15 hộp được tìm thấy có chứa thông tin quốc phòng, bao gồm 184 tài liệu được đánh dấu mật hoặc tuyệt mật.
- Gây áp lực đối với các quan chức ở bang Georgia để lật ngược chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden năm 2020. Công tố viên hàng đầu của hạt Fulton, bang Georgia, Fani Willis, cho biết ông Trump có thể phải đối mặt với cáo buộc âm mưu liên quan đến gian lận và can thiệp bầu cử.
- Cùng 3 người con bị cáo buộc gian lận bằng cách định giá tài sản quá cao để vay tiền, sau đó định giá tài sản quá thấp để bớt tiền đóng thuế.