Rò rỉ tài liệu mật: Mỹ nắm rõ tình hình Nga đến không ngờ?

(NLĐO) – Các tài liệu mật bị rò rỉ tiết lộ chi tiết những cơ quan tình báo nào của Nga bị xâm nhập nhiều nhất và cách Mỹ thu thập được nhiều thông tin bí mật của Điện Kremlin.

Tuy nhiên, vụ rò rỉ tài liệu mật cũng nhấn mạnh những thách thức mà Mỹ và các chính phủ khác đối mặt trong việc bảo mật thông tin tình báo.

Quốc hội Mỹ và các chuyên gia từ lâu cảnh báo về những điểm yếu trong hoạt động phản gián của Mỹ, cũng như những khó khăn trong việc giám sát khoảng 3 triệu nhân viên có giấy phép an ninh, đồng thời có quá nhiều thông tin mật không được quản lý kỹ lưỡng.

Mỹ "nắm thóp" Nga?

Theo một số tài liệu rò rỉ từ tháng trước, tình báo Mỹ đã thông báo cho Ukraine trước hai ngày về một cuộc không kích của Nga vào kho máy bay không người lái. Giới chức quân sự Mỹ còn có thể cảnh báo theo thời gian thực cho phía đối tác Ukraine về các cuộc tấn công sắp xảy ra ở các địa điểm chính xác giúp Ukraine phòng thủ kịp thời.

Trong số 38 trang tài liệu rò rỉ mà đài ABC News xem xét, có những thông tin cụ thể về số lượng xe tăng, xe bọc thép, trực thăng và máy bay đã bị phá hủy hoặc sẵn sàng chiến đấu của Nga.

Rò rỉ tài liệu mật: Mỹ nắm rõ tình hình Nga đến không ngờ? - Ảnh 1.

Các quân nhân Ukraine lái xe tăng gần thành phố tiền tuyến Bakhmut hôm 10-4. Ảnh: Reuters

Một bản sao dài hai trang tóm tắt thông tin tình báo trên toàn thế giới của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong ngày 2-3 phân tích quan điểm của Bộ Quốc phòng Nga về việc cung cấp đạn dược cho tổ chức lính đánh thuê Wagner.

Tình báo Mỹ còn có thông tin một nhóm tin tặc thân Nga giành được quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng khí đốt của Canada, bảng đánh giá các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga hoặc nhắm vào các nhà lãnh đạo Nga có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga.

Với việc xâm nhập thông tin liên lạc nội bộ của Nga, tình báo Mỹ còn nắm được các kế hoạch của Nga ở Ukraine và nơi khác. 

Ví dụ, tài liệu bị rò rỉ mô tả dường như chính xác về kế hoạch của Nga thực hiện hai cuộc không kích riêng biệt vào đầu tháng 3 nhằm vào các mục tiêu quân sự, cơ sở hạ tầng năng lượng và cầu của Ukraine. Tình báo Mỹ cũng nắm bắt được việc Nga lên kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ đa lớp và huấn luyện quân đội Nga nhằm chống lại xe tăng mà các nước NATO gửi đến Ukraine.

Vụ rò rỉ quy mô lớn này cũng tiết lộ khả năng thâm nhập của Mỹ vào Bộ Quốc phòng Nga và tổ chức đánh thuê Wagner.

Các tài liệu trên cho thấy Mỹ có thể biết được kế hoạch tấn công của Nga chi tiết đến mức biết rõ lực lượng Nga định tấn công nhà máy nhiệt điện nào, trạm biến áp nào, đường ray hay cầu đường bộ nào và cả thời điểm tấn công ở Ukraine.

Kế hoạch của cơ quan tình báo Nga về việc thực hiện chiến dịch gây ảnh hưởng ở châu Phi nhằm thúc đẩy chính sách đối ngoại của Nga cũng không thoát được mạng lưới tình báo Mỹ.

Không chỉ Nga bị theo dõi

Bản sao tài liệu của CIA ngày 2-3 còn bao gồm thông tin Iran sẵn sàng tiến hành một vụ phóng vào không gian, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc lo ngại về yêu cầu của Mỹ cung cấp đạn pháo cho Ukraine, bản cập nhật về cuộc bầu cử ở Nigeria và việc Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Rò rỉ tài liệu mật: Mỹ nắm rõ tình hình Nga đến không ngờ? - Ảnh 3.

Các quân nhân Ukraine trở về từ trận giao tranh ở Bakhmut và Chasiv Yar hôm 11-4. Ảnh: Reuters

Các tài liệu tình báo mật của Mỹ bị lan truyền trên mạng xã hội có thể chỉ là khởi đầu của những lỗ hổng tình báo nghiêm trọng nhất của Mỹ trong hơn một thập kỷ qua, theo đài ABC News.

Theo đài CNN, phần lớn các thông tin về Nga được thu thập từ sự gián đoạn liên lạc và nguồn tin, gây ra nhiều lo ngại về việc Nga có thể sẽ thay đổi phương pháp liên lạc để che giấu kế hoạch tốt hơn.

Bản đồ về sự di chuyển và khả năng hoạt động của quân đội Nga trong các tài liệu rò rỉ một phần do nguồn tin là con người cung cấp, điều này khiến các quan chức Mỹ lo rằng những cá nhân này có thể gặp nguy hiểm.

Sau khi các tài liệu mật bị rò rỉ vào tuần trước, cuộc điều tra của đài ABC News đã phát hiện thêm hàng chục tài liệu mật được đăng tải vào đầu tháng 3, ngay sau khi các tài liệu được soạn thảo, ở một ngóc ngách khó tìm trên mạng internet .

Nội dung của những tài liệu bổ sung này dường như là thông tin tình báo của Mỹ về cuộc chiến ở Ukraine và ở những nơi khác trên thế giới.

Tiết lộ mới nêu bật các vấn đề ngoại giao vì dường như cơ quan tình báo Mỹ theo dõi không chỉ các đối thủ mà còn có cả đồng minh và đối tác.

Những thông tin được đăng tải trên internet là hàng chục bức ảnh chụp các bản in tài liệu được cho là tuyệt mật. Đài ABC News đã xem qua 38 trang trong số các tài liệu tình báo mật này được soạn thảo vào cuối tháng 2 và vào ngày 1 và 2-3.

Tài liệu gồm các số liệu thống kê chiến thuật và bản đồ chiến trường ở Ukraine dường như được soạn thảo bởi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Hơn một chục trang tài liệu mô tả tình hình quân sự ở Ukraine vào ngày 1-3, đặc biệt là xung quanh các chiến trường Bakhmut, Kharkiv và khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine. Nhiều số liệu về cấp độ quân đội Ukraine, việc huấn luyện các lực lượng Ukraine, thiết bị do Mỹ và các quốc gia khác cung cấp cho Ukraine cũng số thương vong cũng được đề cập.

Rò rỉ tài liệu mật: Mỹ nắm rõ tình hình Nga đến không ngờ? - Ảnh 5.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp ở Brussels - Bỉ hôm 4-4. Ảnh: Reuters

Một trong số tài liệu này được đăng trên mạng xã hội vào tuần trước đã bị chỉnh sửa so với phiên bản được đăng vào đầu tháng 3, cho thấy số thương vong thấp hơn ở phía lực lượng Nga.

Phần lớn tài liệu rò rỉ còn lại do tình báo Mỹ biên soạn và được trình bày dưới dạng văn bản. Trong đó có những phân tích cụ thể các khu vực khác trên thế giới và thông tin tình báo được thu thập từ đối thủ lẫn quốc gia thân thiện.

Rà soát nội bộ

Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang xem xét vấn đề. Theo CNN, phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết: "Nỗ lực liên ngành đã được triển khai, tập trung vào việc đánh giá tác động mà những tài liệu bị chụp lại này có thể gây ra đối với an ninh quốc gia Mỹ cũng như đối với các đồng minh và đối tác".

Người này nói thêm rằng quan chức Mỹ đã thảo luận với đồng minh và đối tác vào cuối tuần qua về vụ rò rỉ, đồng thời thông báo cho "các ủy ban quốc hội Mỹ có liên quan".

Theo một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đang điều tra danh sách phân phối của cơ quan này để tìm ra những người đã được cung cấp các tài liệu rò rỉ trên.

Rò rỉ tài liệu mật: Mỹ nắm rõ tình hình Nga đến không ngờ? - Ảnh 6.

Hầu hết tài liệu có nguồn gốc từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Nhiều tài liệu được soạn thảo bởi bộ phận tình báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, còn được biết là J2, và dường như là tài liệu tóm tắt.

Theo một số quan chức Mỹ, vụ việc khiến Lầu Năm Góc bắt đầu thực hiện các bước siết chặt trao đổi tài liệu nhạy cảm. Trước đây, hàng trăm nhân viên trong chính phủ Mỹ có thể tiếp cận loại tài liệu này bất cứ lúc nào.

Theo ảnh chụp màn hình các bài đăng trên mạng xã hội được đài CNN xem qua, tài liệu rò rỉ trong tháng trước xuất hiện trên nền tảng nhắn tin, trò chuyện nhóm Discord. Những bài đăng này là ảnh chụp các tài liệu nhăn nhúm đặt trên các tạp chí và xung quanh là một số vật dụng ngẫu nhiên như túi zip và keo dán.

Theo một nguồn thạo tin, dường như những tài liệu này bị gấp vội và nhét vào túi trước khi được mang khỏi khu vực an ninh. Người phát ngôn của Discord cho hay công ty đang hợp tác với cơ quan chức năng để điều tra.

Rò rỉ tài liệu mật: Mỹ nắm rõ tình hình Nga đến không ngờ? - Ảnh 7.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ký văn kiện với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Toronto - Canada ngày 11-4. Ảnh: Reuters

Đồng minh sốt ruột

Dù các đồng minh Mỹ biết rằng cộng đồng tình báo Mỹ thu thập thông tin về những quốc gia thân thiện nhưng các nhà ngoại giao từ một số quốc gia được đề cập trong tài liệu rò rỉ nói với đài CNN rằng họ rất khó chịu khi nhìn thấy thông tin bị lộ. Các đồng minh Mỹ đang tiến hành đánh giá thiệt hại để xác định liệu có bất kỳ nguồn tin và phương pháp nào của họ bị tổn hại bởi vụ rò rỉ hay không.

Quan chức từ một quốc gia trong nhóm Five Eyes, liên minh hợp tác chia sẻ thông tin tình báo gồm Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ, cho biết không thể chờ các đánh giá của Mỹ và họ đang thực hiện đánh giá nội bộ. Quan chức này cho hay họ hiện kiểm tra kỹ loạt tài liệu này để tìm hiểu xem liệu các thông tin tình báo có nguồn gốc từ quốc gia của mình hay không.