"Soi" dàn vũ khí tối tân mà Ukraine nhận được
(NLĐO) - Một năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2-2022, các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đã thay đổi đáng kể, gồm xe bọc thép, tên lửa tầm xa và xe tăng tiên tiến.
Giờ đây, Ukraine sẽ có khả năng tấn công và đẩy lùi lực lượng Nga bằng cách sử dụng một số vũ khí hiện đại nhất thế giới. Sau khi tái chiếm thành công các khu vực rộng lớn ở phía Nam và Đông Bắc vào mùa thu năm ngoái, các lực lượng Ukraine được cho là đang lên kế hoạch cho một cuộc phản công mới trong năm nay.
Pháo binh đã giúp quân đội Ukraine bảo vệ thủ đô Kiev và cuối cùng ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga ở phía Đông và Nam cho đến nay. Hơn 11 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính quyền Kiev đã nhận hơn 750 khẩu pháo kéo và pháo tự hành cũng như bệ phóng tên lửa trên các xe chuyên chở từ những nước đồng minh.
Nghiên cứu hồi tháng 11 năm ngoái của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng bất chấp "sự chiếm sóng" của vũ khí dẫn đường chống tăng, Ukraine đã ngăn chặn được nỗ lực chiếm Kiev của Nga bằng cách sử dụng hỏa lực từ hai lữ đoàn pháo binh.

Một chiếc xe tăng Leopard 2 của Đức. Ảnh: The National Interest
Từ phòng thủ sang phản công
Sau đó, vũ khí viện trợ cho Ukraine bắt đầu bao gồm nhiều loại dùng để tấn công hơn là phòng thủ. Trong các đợt viện trợ quân sự liên tiếp bắt đầu từ mùa xuân năm ngoái, Ba Lan đã chuyển hơn 200 xe tăng cũ. Một số xe tăng trong đó là những chiếc T-72 cũ của Liên Xô.
Sự thay đổi đó đã tăng tốc vào mùa hè năm ngoái khi Mỹ và các đồng minh khác bắt đầu gửi xe bọc thép chở quân có thể hỗ trợ xe tăng. Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Lithuania, Đức, Úc và các quốc gia khác đã tặng hơn 1.400 phương tiện này, đa phần trong số đó là M-113 do Mỹ thiết kế.
Theo báo The New York Times, được trang bị vũ khí hạng nặng và có tốc độ cao, xe chiến đấu bộ binh đặc biệt hữu ích cho các chiến dịch tấn công. Mỹ và Đức lần lượt cung cấp cho Ukraine các xe M-2 và Marder.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hôm 20-1 cho hay: "Các khoản viện trợ cung cấp phương tiên bọc thép cần thiết để tiến hành cuộc tấn công, giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Ukraine do Nga chiếm đóng". Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Lầu Năm Góc thông báo tặng cho Ukraine 109 chiếc M-2 đầu tiên.
Nhưng M-2 và các phương tiện tương tự mới chỉ là bước khởi đầu. Nhiều loại khí tài tốt hơn sớm được gửi sang Ukraine ngay sau đó. Anh đã cam kết cung cấp 14 xe tăng Challenger 2 tốt nhất của mình trong khi Mỹ cung cấp 31 xe tăng tối tân M-1A2.
Đức cũng đã chấp thuận cho Ba Lan tặng Ukraine khoảng một chục xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, báo hiệu cho các nước châu Âu khác rằng họ cũng có thể làm tương tự. Đức sau đó còn cung cấp cho Ukraine khoảng hơn chục xe tăng của riêng mình.
4 thiết bị vũ khí tối tân mà Ukraine nhận được
Xe tăng Leopard 2
Xe tăng Leopard 2, được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1970 và có nhiều điểm thiết kế giống với M-1 của Mỹ. Leopard 2 di chuyển nhanh, được trang bị vũ khí mạnh và được bảo vệ tốt. Hệ thống này được vận hành bởi nhóm 4 người.

Một chiếc xe tăng Leopard 2 của Đức diễn tập tại thao trường Litva. Ảnh: Reuters
Leopard 2 được xem là một trong những xe tăng tốt nhất của phương Tây. Công ty quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann của Đức đã chế tạo hơn 3.500 xe tăng Leopard 2 kể từ khi bắt đầu sản xuất năm 1978.
Xe tăng này nặng hơn 60 tấn, trang bị pháo nòng 120 mm và có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 5 km. Theo hãng tin Reuters, một binh sĩ Ukraine đã so sánh xe tăng Leopard 2 của Đức với chiếc xe Mercedes khi trải qua khóa huấn luyện với loại xe tăng này trước khi chúng được đưa ra tiền tuyến.
Các quốc gia đang sở hữu Leopard 2 bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy, Áo, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ.
Pháo tự hành AHS Krab
Pháo tự hành AHS Krab có khẩu pháo 155 mm do Ba Lan chế tạo, là một trong những loại lựu pháo di động tốt trên thế giới. Hệ thống được vận hành bởi nhóm 5 người.
Nó có thể bắn xa hơn và có tốc độ nhanh hơn cả những khẩu lựu pháo tốt nhất của Mỹ. AHS Krab được trang bị tầm nhìn ban đêm, cho phép sử dụng dễ dàng trong bóng tối, cũng như hệ thống dập lửa tự động và máy đo khoảng cách bằng laser.

Pháo tự hành AHS Krab. Ảnh: Twitter
Pháo tự hành sử dụng một hệ thống định vị tích hợp và cũng có một bộ năng lượng phụ trợ, điều đó đồng nghĩa với việc là tất cả các thiết bị điện tử có thể được sử dụng trên phương tiện ngay cả khi động cơ diesel bị tắt hoặc không hoạt động.
Pháo tự hành AHS Krab có thể bắn 6 phát/phút, di chuyển với tốc độ tối đa 67 km/giờ và có thể bắn đạn HE-FRAG tiêu chuẩn ở khoảng cách 30 km.
Xe chiến đấu bộ binh M-2 Bradley
M-2 Bradley có khẩu pháo 25mm và được điều khiển bởi đội lái 3 người. Sau những khó khăn ban đầu khi mới được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1980, M-2 Bradley đã được cải tiến thành một khí tài mạnh mẽ và linh hoạt. Tên lửa chống tăng TOW của M-2 cho phép bắn hạ xe tăng đối thủ từ xa hàng km.
Những chiếc Bradley không hề rẻ, có giá khoảng 3,2 triệu USD vào năm 2000 và nặng tới 33 tấn.

Xe chiến đấu bộ binh Bradley trong một cuộc diễn tập ở Ba Lan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Theo Bloomberg, M-2 Bradley, có thể chở được 7 binh sĩ, cũng là một trong số ít phương tiện bọc thép của Mỹ được thiết kế để tích hợp giáp phản ứng nổ, giúp đánh bại các loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ thông thường.
Trên xe còn có nhiều cảm biến hiện đại, đặc biệt bao gồm cả kính ngắm ảnh nhiệt thụ động có khả năng chiến đấu ban đêm.
Tuy nhiên, M-2 Bradley cũng có nhược điểm như phần giáp bụng không được thiết kế để chống mìn, vì vậy nó vẫn tương đối dễ bị hạ gục bởi thiết bị nổ tự chế mặc dù có lớp giáp dày.
Mỹ có hàng ngàn chiếc Bradley dự phòng có thể chuyển giao cho Ukraine với chi phí thấp. Nhưng các biện pháp hậu cần và huấn luyện cần thiết để sử dụng chúng trên thực địa vẫn rất quan trọng.
Các lữ đoàn cơ giới của Ukraine cùng với xe chiến đấu bộ binh M-2 Bradley sẽ gia tăng đáng kể khả năng sống sót, chiến đấu linh hoạt hơn nhờ cảm biến nhìn đêm vượt trội và có thể phát hiện cũng như tiêu diệt phương tiện đối phương trước khi bị nhìn thấy.
Xe thiết giáp chở quân hạng nhẹ M-113
Xe thiết giáp chở quân hạng nhẹ M-113 nặng 12,3 tấn, dài 4,9 m, rộng 2,7 m và cao 2,5 m. Trình làng vào cuối thập niên 1950, đã có hơn 80.000 chiếc được sản xuất với 12 phiên bản khác nhau. Xe có thể chở được 11 binh sĩ.

Xe thiết giáp chở quân M-113. Ảnh: Army Technology
M-113 được trang bị cho quân đội của gần 50 quốc gia và khu vực trên thế giới. Xe có thể chở quân, tên lửa hoặc thiết bị giám sát. Tổ lái gồm 2 người thường đánh giá cao xe thiết giáp này nhờ tốc độ cao và hộp số tự động.
Đặc điểm chính của của M-113 là lớp giáp được bọc bằng hợp kim nhôm. Với lớp giáp này xe có thể chống được các loại đạn 7,62 mm và các mảnh đạn pháo, theo Military.
M-113 có thể di chuyển với tốc độ tối đa lên đến 66 km/giờ, với phạm vi hoạt động lên tới 483km. Ngoài ra, xe chạy được trên trên cát, bùn, tuyết và lội nước với vận tốc đạt 5,8 km/giờ.
Các phiên bản của M-113 còn có thể trang bị pháo tự động 25 mm, súng Gatling 20 mm, cối các loại, tên lửa chống tăng TOW, tên lửa phòng không.