Điều tra sự thật phía sau những đứa trẻ thổi lửa: Lộ diện kẻ chăn dắt

Trong thời gian theo chân những đứa trẻ thổi lửa, chúng tôi đã bị người đàn ông thường xuyên chở trẻ "đi làm" từ điểm này qua điểm khác phát hiện, đe dọa rồi hành hung...

Rạng sáng 20-4, chúng tôi tiếp cận một nam tài xế xe công nghệ đang đợi khách trên đường Nguyễn Hữu Hào, quận 4, TP HCM.

Kiếm đủ tiền mới được nghỉ

Trò chuyện với chúng tôi, tài xế này tiết lộ thường được thuê chở những đứa trẻ thổi lửa đến địa điểm làm việc. Trong số những đứa trẻ mà tài xế này được thuê chở, có cả trẻ khuyết tật. Theo lời của nam tài xế, đa số trẻ thổi lửa là con của những người lớn đi cùng. Cũng có những trẻ được cha mẹ giao lại cho nhóm chăn dắt để đi làm kiếm tiền.

"Người lớn kêu tụi nó đi làm. Đi làm về rồi đưa tiền lại cho mấy người lớn đó. Một ngày quy định mỗi đứa phải thổi đủ bao nhiêu tiền mới được nghỉ. Ví dụ đứa 300.000 đồng thì phải thổi đủ 300.000 đồng, không phải giỡn chơi đâu" - nam tài xế này nói rồi vội vã bỏ đi.

Hơn 1 giờ ngày 22-4, thời điểm nhà hàng, quán nhậu dần vắng khách, những người lớn chia nhau chở các đứa trẻ thổi lửa tại nhiều địa điểm khác nhau ở quận 1 về tụ tập tại quán nước trên đường Nguyễn Hữu Hào, quận 4. Đến 2 giờ sáng, cả nhóm rời quán nước về nhà. Trong nhóm người này, chúng tôi nhận ra nhiều "người quen", đó là đứa trẻ tên Bin mà chúng tôi đã đề cập ở bài trước; bé trai bị gãy tay với những màn chạy xe máy khiến nhiều người thót tim. Đặc biệt, nhận ra gã đàn ông hung hăng từng hành hung chúng tôi tại đường Rạch Bùng Binh.

Sau khi lên xe, nhóm này di chuyển sang đường Khánh Hội, quận 4, lên cầu Kênh Tẻ đi về quận 7. Đến giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nhóm này đi ngược chiều một đoạn đường Nguyễn Văn Linh rồi rẽ vào hẻm 724 đường Lê Văn Lương. Qua xác minh, chúng tôi được biết cả nhóm đang trú ngụ tại tổ 7, ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Điều tra sự thật phía sau những đứa trẻ thổi lửa: Lộ diện kẻ chăn dắt - Ảnh 2.

Sau khi chở trẻ đến Rạch Bùng Binh thổi lửa, người đàn ông (áo sẫm màu, đội nón) ngồi quan sát

Điều tra sự thật phía sau những đứa trẻ thổi lửa: Lộ diện kẻ chăn dắt - Ảnh 3.

Đe dọa phóng viên khi phát hiện bị theo dõi Ảnh: Lê Vĩnh

"Thấy tụi nhỏ bị đánh mà đứt ruột"

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân sống lâu năm trong con hẻm này cho biết đây là nhóm chăn dắt trẻ vị thành niên kiếm sống bằng nghề thổi lửa, có trường hợp cha mẹ đi tù, được nhóm này đem về nuôi, rồi cho "đi làm". "Những người này không phải gốc ở đây. Lúc trước, họ thuê trọ nhưng trộm cắp, quậy phá, bị chủ trọ đuổi đi nên qua những căn nhà hoang gần đó ở" - một người dân cho biết.

Một người dân khác kể: "Mấy đứa nhỏ này quậy lắm. Có lần, chúng đột nhập một nhà dân bán tạp hóa rồi ôm đồ bỏ chạy. Chủ nhà phát hiện đuổi theo, tụi nó không sợ, sau đó còn rút chìa khóa xe máy của họ vứt xuống sông. Công an phải vào làm việc. Lúc đó rần rần cả khu này".

Lắc đầu khi nói về nhóm trẻ này, bà M. cho biết thêm mỗi lần nhóm trẻ về đến nơi là không ai ngủ nổi vì tiếng la hét: "Tụi nhỏ quậy lắm, đi ra ngoài khu vực chung cư bốc đầu xe. Mới đây, một thằng nhỏ chạy xe ầm ầm, bốc đầu xe nên gãy tay. Lúc đó, tôi tưởng thằng nhỏ đã ngã gãy cổ chết". Cũng theo bà M., có lần những đứa trẻ được người đi đường thương, tặng cho chiếc xe đạp nhưng chưa đi được bao lâu thì người lớn đã lấy bán.

Sống cách nhà của những đối tượng này không xa, bà H. (đã đổi tên) cho biết rất rành nhóm người này. "Tụi nhỏ không có cha mẹ, người ta bắt tụi nhỏ thổi lửa để kiếm tiền. Mấy đứa nhỏ làm gì không vừa ý hay không đem tiền về là bị mấy người đó lấy dây nịt đánh. Không có cha mẹ, tụi nhỏ bị đánh, thấy mà đứt ruột" - bà H. thở dài.

Nói thêm về nhóm người này, bà H. cho biết có 7 trẻ và 5 người lớn, chuyển về đây sống khoảng 4 năm, trong đó có người phụ nữ tên Út. Những đứa trẻ có cha mẹ đi tù, giao con cho nhóm này nuôi nhưng sau khi ra tù, họ nhận lại con thì người phụ nữ tên Út không trả lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài chăn dắt trẻ em thổi lửa, nhóm người lớn còn cho vay nặng lãi.

"Đừng có đụng đến tao!"

Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 12-4, chúng tôi theo dõi người đàn ông thường xuyên chở đứa trẻ tên Bin di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác để thổi lửa. Tại khu vực đường Rạch Bùng Binh, phát hiện chúng tôi, người này tiến đến, liên tục đòi kiểm tra điện thoại của chúng tôi rồi chỉ tay vào mặt đe dọa: "Tao không làm gì mày thì mày đừng có đụng đến tao nha!". Vừa dứt lời, anh ta đánh thẳng vào mặt chúng tôi rồi bỏ đi.

Bao giờ có câu trả lời?

Từ những thông tin thu thập được, trưa 23-4 và sáng 24-4, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo xã Phước Kiển để hỏi thêm thông tin về nhóm người này (cư trú, nhân thân, mối quan hệ giữa những người lớn và các đứa trẻ...) nhưng không nhận được câu trả lời. Trong ngày 24-4, chúng tôi đến trụ sở UBND xã Phước Kiển, đại diện UBND xã cho biết đã phối hợp với Công an xã kiểm tra và đang làm rõ. Đến ngày 26-4, chúng tôi tiếp tục liên hệ hỏi diễn tiến vụ việc và bày tỏ mong muốn được đi cùng đoàn kiểm tra của xã nhưng được trả lời công an đang xác minh. Đến tối 26-4 và sáng 27-4, lãnh đạo UBND xã nhắn tin cảm ơn đã cung cấp thông tin và cho biết sẽ chỉ đạo các bộ phận kiểm tra.

Tuy nhiên, sáng 4-5, sau bài viết "Sự thật phía sau những đứa trẻ thổi lửa", chúng tôi gọi điện thoại liên hệ lãnh đạo xã Phước Kiển thì câu trả lời vẫn là "đang cho rà lại thông tin".

Để trẻ em được sống trong an toàn

Loạt phóng sự điều tra "Sự thật phía sau những đứa trẻ thổi lửa" vừa được Báo Người Lao Động khởi đăng từ ngày 4-5 đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Hình ảnh những đứa trẻ phun lửa trước mỗi quán nhậu, điểm vui chơi, giải trí mỗi khi màn đêm buông xuống không còn xa lạ với người dân thành phố. Thế nhưng, sự thật phía sau những đứa trẻ này mà phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận được sau gần 1 tháng theo chân lại khiến người đọc nhói lòng. Bởi tất cả các em đều ở độ tuổi nhi đồng, thiếu niên - lứa tuổi cần được chăm sóc, bảo bọc, lại phải ra đường kiếm miếng ăn bằng công việc cực kỳ nguy hại đến sức khỏe, đến tận 1-2 giờ sáng. Quá khắc nghiệt và xót xa khi khóe môi của nhiều em bị bỏng, thương tật đầy mình vẫn phải liên tục thổi lửa. Bởi nếu kiếm không đủ tiền thì không được nghỉ và không đi làm thì sẽ chỉ nhận được đòn roi.

Làm gì để thành phố này không còn những đứa trẻ bị buộc phải phun lửa dạo, bán sức khỏe kiếm tiền… cho một số người lớn tiêu xài? Giải pháp nào để những đứa trẻ này không còn gặp nguy hiểm, không bị tổn hại tinh thần lẫn thể xác? Trừng trị thế nào để những kẻ chăn dắt không còn dám trục lợi trên những thân thể nhỏ bé đáng thương? Xử phạt thế nào với những kẻ làm cha mẹ nhưng vì nguồn thu dễ dàng đã nhẫn tâm đẩy con vào chốn hiểm nguy?...

Nhiều câu hỏi đặt ra đòi hỏi sự chung tay từ các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, kể cả mỗi người dân thành phố. Đặc biệt là việc bảo vệ những đứa trẻ không may mắn này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hiệu quả, không phải chỉ một thời gian ngắn ngay sau các bài báo đăng và dư luận lên tiếng, rồi đâu lại vào đấy.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (20-2-1990). Ngay sau đó, năm 1991, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế); Luật Trẻ em năm 2016. Cùng với đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, những chính sách, bộ máy tổ chức nhà nước quản lý các hoạt động liên quan đến trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em.

Vậy nên, không lý gì để tệ nạn chăn dắt trẻ em, biến trẻ em thành công cụ kiếm tiền được phép tồn tại. Trước mắt, nên chăng cấm hoạt động kiểu này trên đường phố vì vừa nguy hiểm với trẻ em vừa ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy, vừa làm xấu hình ảnh du lịch của thành phố.

Song song đó, cần lắm sự sâu sát của chính quyền cơ sở, sự quan tâm, cảnh giác của cộng đồng, cơ chế phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương với các tổ chức, đoàn thể. Quan trọng là chế tài xử phạt đủ nặng, đủ nghiêm đối với những vi phạm liên quan đến quyền trẻ em. Có như thế mới mong những đứa trẻ được sống trong an toàn.

Vy Thư