Sự thật về 14 tấn vàng Việt Nam tiêu thụ trong quý II/2022
(NLĐO) - Hội đồng vàng thế giới vừa công bố số liệu cho thấy Việt Nam tiêu thụ khoảng 14 tấn vàng trong quý II/2022, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Con số này được thu thập từ đâu và thực tế nhu cầu vàng ở thị trường trong nước ra sao?
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới (WGC) tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - về vấn đề này.

Con số 14 tấn vàng được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam trong quý II/2022 khiến nhiều người tò mò, ngạc nhiên
- Phóng viên: Giá vàng SJC hiện được giao dịch quanh vùng 67 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới khoảng 16 triệu đồng/lượng. Nhu cầu và sức mua trên thị trường khá trầm lắng nhưng theo công bố của WGC, Việt Nam vẫn tiêu thụ khoảng 14 tấn vàng trong quý II vừa qua. Ông có thể giải thích rõ hơn về con số này?
+ Ông HUỲNH TRUNG KHÁNH: Số liệu về sức tiêu thụ vàng ở thị trường Việt Nam do WGC công bố là do một công ty nghiên cứu thị trường kim loại quý - Metals Focus (trụ sở chính tại Anh) - thu thập và thực hiện. Đây là một trong số rất ít công ty chuyên nghiên cứu về kim loại quý như vàng, bạc... trên phạm vi toàn cầu. Họ có số liệu thống kê của từng châu lục, từng quốc gia cụ thể. Hội đồng vàng dựa trên số liệu cung cấp của công ty này để công bố ra thị trường.
Còn về cách họ thu thập dữ liệu, họ đã thực hiện từ hơn chục năm nay. Với thị trường Việt Nam, trước khi có Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012, công ty này đã nghiên cứu và có thông tin về thị trường Việt Nam. Họ có mối quan hệ nhất định với các đối tác vàng lớn ở trong nước như PNJ, SJC, DOJI, dù không thể có đủ thông tin tất cả tiệm vàng trong nước. Thông thường mỗi năm, họ sẽ cử chuyên viên qua Việt Nam đi thực tế, hoặc gửi bảng câu hỏi khảo sát thị trường cho các nguồn tin để thu thập thông tin.
- Số liệu tiêu thụ vàng tại Việt Nam do Metals Focus đưa ra có mức độ chính xác, đáng tin đến đâu, thưa ông?
+ Về giá trị tuyệt đối thì rất khó có thể khẳng định chính xác. Tuy nhiên, Metals Focus trong hơn chục năm nay đã có dữ liệu cụ thể về thị trường Việt Nam, trong đó có nhu cầu tiêu thụ từng quý, từng năm. Họ dựa trên cơ sở số liệu qua từng năm, mức tăng - giảm và nhu cầu thực tế để ước lượng con số cụ thể.
Năm ngoái, ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất lớn mà số lượng tiêu thụ vàng của Việt Nam trong quý II vẫn ở mức khoảng 12,6 tấn. Năm nay, kinh tế hồi phục, hoạt động của thị trường vàng bình thường trở lại thì mức tiêu thụ 14 tấn vàng trong quý II cũng không phải quá bất thường.

Nhiều người Việt vẫn thích nắm giữ vàng như một tài sản để dành
Năm 2022, Metals Focus có làm một bảng điều tra thị trường nhằm khảo sát nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam với khoảng hơn 2.000 mẫu ở các tỉnh, thành lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Trước đó, nghiên cứu về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Việt đối với vàng và các loại hình đầu tư khác cho thấy đến năm 2020, nhiều người Việt vẫn khá thích nắm giữ vàng như một tài sản để dành.
Ở trong nước, hiện chỉ Ngân hàng Nhà nước mới có thể công bố con số cụ thể về thị trường vàng. Ngay cả Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng rất khó đưa ra con số về mức tiêu thụ, lượng vàng trong dân...
- Nguyên nhân nào khiến các tổ chức khó thống kê chính xác lượng vàng tiêu thụ ở Việt Nam những năm gần đây, thưa ông?
+ Từ khi có Nghị định 24 Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan độc quyền quản lý, cấp phép nhập khẩu và sản xuất vàng miếng SJC - thương hiệu vàng quốc gia. Và, kể từ sau khi chấm dứt đấu thầu vàng miếng vào khoảng năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã không còn nhập vàng nguyên liệu về để gia công, sản xuất vàng SJC. Vàng nguyên liệu nhập về trên thị trường vài năm nay, nếu có, cũng là theo đường nhập lậu, mà nhập lậu thì làm sao có số liệu cụ thể, rất khó!

Khi có đề xuất huy động vàng trong dân để phục vụ kinh tế - xã hội, con số 500 tấn vàng trong dân đã được công bố.
- Cách đây mấy năm, khi có đề xuất huy động vàng trong dân để phục vụ kinh tế - xã hội, con số 500 tấn vàng trong dân đã được công bố. Đến nay, theo ông, lượng vàng này còn nhiều như vậy không?
+ Thật sự là rất khó để khẳng định. Trước đây, khi các ngân hàng thương mại được huy động và cho vay vàng, đúng là số liệu của các ngân hàng cho thấy ước tính có tới hàng trăm tấn vàng được huy động và cho vay trên thị trường. Nhưng sau khi Nghị định 24 ra đời, hoạt động huy động và cho vay vàng của ngân hàng thương mại cũng chấm dứt và gần như không thể ước tính lượng vàng trong dân.
Con số 500 tấn vàng trong dân có thể đã được thống kê trong quá khứ, cụ thể là thời điểm trước năm 2012 khi còn được nhập vàng nguyên liệu. Khi ấy, các tổ chức tín dụng, công ty vàng mỗi năm được cấp phép nhập khẩu vài chục tấn vàng. Còn thời điểm này, rất khó ước tính lượng vàng trong dân còn bao nhiêu.
- Là người theo dõi thị trường vàng trong nước nhiều năm, ông có thấy giá vàng SJC nói riêng và giá vàng trong nước với giá thế giới có sự chênh lệch bất thường?
+ Phải thừa nhận giá vàng SJC hiện nay không có sự liên thông với thế giới và cũng không có sự rõ ràng nếu nhìn dưới góc độ đây là một hàng hóa đặc biệt hoặc một loại tài sản. Ít có thị trường nào mà giá vàng miếng cao hơn thế giới liên tục với mức tương đương 15-17 triệu đồng/lượng như vàng SJC - thương hiệu vàng quốc gia của Việt Nam.
Trong khi đó, vấn đề "vàng hóa", "đô-la hóa" nền kinh tế đã được kiểm soát rất tốt thời gian qua khiến giá vàng SJC không biến động theo giá thế giới, tăng giảm thất thường không theo thông lệ. Chẳng hạn, vừa qua có thời điểm giá vàng SJC rớt một mạch từ vùng 67-68 triệu đồng/lượng xuống chỉ còn 60 triệu đồng/lượng trong vài ngày, rồi lại tăng mạnh trở lại. Những diễn biến này ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư.
Vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
"Vàng vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng, nhất là với những người có tâm lý mua để dành như kênh bảo toàn tài sản. Phải thừa nhận nhiều người vẫn chuộng vàng SJC vì đây là vàng thương hiệu quốc gia, dễ trao đổi, mua bán. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể mua vàng nhẫn, vàng 24K các loại để bớt rủi ro hơn so với vàng SJC bởi chênh lệch giá vàng SJC với vàng thế giới hiện quá cao" - ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới (WGC) tại Việt Nam, nhận định.
- Với nhu cầu của thị trường ở thời điểm hiện tại, theo ông, mức tiêu thụ 14 tấn vàng trong quý II vừa qua là cao hay thấp? Và so với các nước trong khu vực thì sao?
- Tôi còn nhớ hơn chục năm trước, khi thị trường vàng vẫn sôi động, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Việt Nam theo công bố hàng năm của WGC vào khoảng 100 tấn vàng. Đến giờ, mức tiêu thụ 14 tấn trong một quý cũng là hợp lý trong bối cảnh vàng kém hấp dẫn và nhu cầu giao dịch giảm.
Thống kê về số lượng tiêu thụ vàng nữ trang và vàng đầu tư trong 12 năm qua của Metals Focus cho thấy lượng vàng tiêu thụ trên đầu người ở thị trường Việt Nam đã giảm từ 1,2 gram năm 2011 xuống chỉ còn 0,4 gram năm 2021. Tuy nhiên, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn trong tốp 3 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất cùng với Indonesia và Thái Lan.
- Nghị định 24 đang được lấy ý kiến để sửa đổi. Theo ông, hướng sửa đổi thế nào để phù hợp với thị trường ở thời điểm hiện tại?
+ Muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC và vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước phải cho phép nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng miếng. Nhưng theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện giải pháp này trong năm nay là rất khó.

Muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC và vàng thế giới, nhà nước phải cho phép nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng miếng
Nghị định 24 đã hoàn thành rất tốt vai trò trong thời gian qua khi kiểm soát, ổn định được thị trường vàng, chống "vàng hóa", "đô-la hóa".
Tuy nhiên, hiện nay thị trường đã ổn định. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã từng kiến nghị đến lúc cần rà soát lại, bổ sung hoặc thay thế các quy định không còn phù hợp. Dĩ nhiên, không có chuyện cho nhập vàng thoải mái gây ảnh hưởng đến thị trường và kinh tế vĩ mô mà chỉ đề xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Khi thị trường vàng trang sức, vàng 24K các loại liên thông với thế giới, người dân mua vàng sẽ bớt bị thiệt hơn.