Thảm họa rơi máy bay Nepal: Những điều cần biết về dòng máy bay ATR 72
(NLĐO) - ATR 72 là loại máy bay chở khách và chở hàng 2 động cơ do Công ty Avions de Transport Regional (ATR, trụ sở tại TP Toulouse - Pháp) phát triển. Một chiếc máy bay loại này vừa gặp nạn ở Nepal, khiến cả 72 người không ai sống sót
Theo trang Aerospace Technology, dòng máy bay ATR bao gồm ATR 42 và ATR 72. Trong đó, ATR 42-500 và ATR 72-500, ATR-600 là những mẫu đang được sản xuất.
Vào tháng 10-2009, ATR tung ra xê-ri máy bay 600 mới. ATR 72-600 được Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) chứng nhận vào tháng 5-2011 và được Không quân Hoàng gia Morocco đưa vào sử dụng từ tháng 8-2011.

Chiếc ATR 72-500 của Yeti Airlines bị rơi ngày 15-1 tại Nepal. Ảnh: Twitter
Chiếc ATR 72 hoàn tất chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 10-1988, sau đó đưa vào sử dụng từ tháng 10-1989. Riêng ATR 72-500 được chứng nhận hoạt động trên đường băng không trải nhựa bằng cách lắp đặt một bộ kit để đảm bảo thiết bị hạ cánh và bảo vệ phần dưới thân máy bay.
Máy bay có khả năng vận hành ở nhiệt độ thấp tới -54°C, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định về tiếng ồn hiện hành. ATR 72-500 sở hữu mức tiêu thụ nhiên liệu trên mỗi hành khách và lượng khí thải CO2 thấp nhất trong ngành hàng không của khu vực, được chứng nhận lần đầu tiên vào tháng 7-1997.
Đơn đặt hàng quốc tế và bàn giao máy bay ATR 72
Hãng hàng không Air Algeria (Algeria) đã trao hợp đồng trị giá 82 triệu USD cho ATR vào tháng 12-2009 để mua 4 chiếc ATR 72-500. Chiếc đầu tiên được bàn giao vào tháng 2-2010 trong một buổi lễ tổ chức ở Toulouse. Kể từ tháng 6-2011, quá trình bàn giao ATR 72-500 cho Air Algeria hoàn tất, nâng đội bay của hãng lên 12 chiếc.

Air Algeria là một trong những khách hàng mua máy bay ATR 72-500. ẢNH: ATR
Tính đến tháng 1-2011, 1.074 máy bay (423 chiếc ATR 42 và 651 chiếc ATR 72) đã được đặt hàng, trong đó có 915 máy bay (412 chiếc ATR 42 và 503 chiếc ATR 72) đã được bàn giao.
Tháng 10-2019, hãng hàng không Air Vanuatu (Vanuatu) tiếp nhận máy bay ATR 72-500 mới có 68 chỗ ngồi và trang bị động cơ PW 127M dựa trên hợp đồng trị giá 20,5 triệu USD ký năm 2008. Không quân Hoàng gia Thái Lan cũng tiếp nhận chiếc đầu tiên trong số 4 máy bay ATR 72-500 vào tháng 9-2009. Hợp đồng ký năm 2007 và quá trình bàn giao đã hoàn tất.
Hãng hàng không Air Nostrum (Tây Ban Nha) và hãng hàng không Wings Air (Indonesia) đã đặt hàng 15 chiếc ATR-72 500 với tùy chọn thêm 15 chiếc nữa vào tháng 11-2009, nằm trong hợp đồng trị giá 600 triệu USD. Ba chiếc đầu tiên được bàn giao cho Wings Air vào ngày 6-1-2010.
Năm 2008, hãng hàng không Tarom Airlines (Romania) ký hợp đồng mua máy bay của ATR trị giá 37 triệu USD. Chiếc đầu tiên được bàn giao vào tháng 5-2009.
Giữa năm 2009, ATR nhận được 28 đơn đặt hàng mới cho 4 chiếc ATR 42-500, 4 chiếc ATR 42-600, 12 chiếc ATR 72-500 và 46 chiếc ATR 72-600 từ nhiều hãng hàng không khác nhau, bao gồm Không quân Hoàng gia Morocco, hãng hàng không Afrijet Airlines (Gabon)... Trong số đó, 4 máy bay ATR 72-500 trị giá 80 triệu USD do Afrijet Airlines đặt hàng vào tháng 6-2009.
Nhiều hãng hàng không khác trên thế giới cũng mua máy bay của ATR, bao gồm Malaysia Airlines (Malaysia), Vietnam Airlines (Việt Nam)…
Theo website bestprice.vn, máy bay Vasco ATR 72-500 - dòng máy 2 cánh quạt quay hoạt động với tầm bay tối đa 1.537 km, được sử dụng cho đường bay Sài Gòn – Côn Đảo, Hà Nội – Điện Biên Phủ nơi có đường băng nhỏ mà những máy bay phản lực lớn không thể hạ cánh được. VASCO (Công ty bay dịch vụ hàng không Việt Nam) là công ty TNHH với Vietnam Airlines góp vốn phần lớn hiện đang vận hành 5 chiếc ATR 72-500. Tuy nhiên, VASCO hiện khai thác các đường bay Cần Thơ - Côn Đảo, Cà Mau - TP HCM, TP HCM - Rạch Giá dùng dòng máy bay này.
Máy bay ATR 72-500 có thân hẹp, cabin nhỏ và thấp với 68 chỗ ngồi nên khoang hành lý ký gửi của máy bay nằm ngay sau khoang lái. Khách hàng phản hồi về việc động cơ khá ồn và độ rung lắc của máy bay tương đối lớn, tuy nhiên đây lại là máy bay có độ an toàn rất cao do 2 cánh quạt vẫn có thể duy trì máy bay cân bằng kể cả khi động cơ gặp trục trặc.

Vietnam Airlines có 11 chiếc ATR 72-500 đang hoạt động. Ảnh: Aerospace Technology

Máy bay ATR 72-500 hiện được sử dụng cho đường bay Sài Gòn – Côn Đảo và Hà Nội – Điện Biên Phủ, nơi có đường băng nhỏ mà những máy bay phản lực lớn không thể hạ cánh được.Ảnh: bestprice.vn
Đặc điểm thiết kế máy bay chở khách cánh quạt ATR 72
Đây là loại máy bay 1 tầng cánh cao với phần thân được chế tạo bằng hợp kim nhẹ. Vật liệu composite chiếm 19% tổng trọng lượng máy bay, được sử dụng cho cấu trúc chính bao gồm đuôi ngang và bánh lái cũng như cấu trúc phụ bao gồm cánh quạt và nắp động cơ.
Công ty Alenia Aeronautica (Ý) sản xuất phần thân máy bay và đuôi, đồng thời chịu trách nhiệm lắp đặt bộ phận hạ cánh. ATR ở Toulouse chịu trách nhiệm lắp ráp hoàn chỉnh để bàn giao cho khách hàng.
Hệ thống điện tử của ATR 72
Hệ thống định vị tiêu chuẩn của ATR 72 đáp ứng các quy định và yêu cầu an toàn mới nhất, bao gồm CAT I AFCS. Hệ thống định vị của ATR dựa trên cảm biến vệ tinh định vị toàn cầu Honeywell Trimble HT1000 (GNSS), kết hợp với hệ thống lái tự động, hệ thống thiết bị bay điện tử (EFIS)…
Hệ thống định vị này có khả năng thực hiện tất cả chức năng liên quan tới điều hướng, cho phép điều hướng kế hoạch bay và điều hướng đến sân bay gần nhất. Máy bay được trang bị radar Rockwell Collins TTR 921 cho Hệ thống chống va chạm trên không (ACAS II).
Tháng 10-2007, Công ty Thales Avionics (Pháp) được chọn để cung cấp bộ kit kỹ thuật số cho máy bay ATR 72-600 và ATR 42-600. Bộ kit bao gồm 5 màn hình LCD, hệ thống quản lý chuyến bay, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống định vị và hệ thống lái tự động mới.
Khoang máy bay ATR 72-500 có thể chở tới 74 hành khách. Khoang chở hàng 5,8m³ ở phía trước và khoang chở hàng 4,8m³ ở phía sau. Tải trọng tối đa của máy bay là 7.450 kg.

Khoang máy bay ATR 72-500 có thể chở tới 74 hành khách. Khoang chở hàng 5,8m³ ở phía trước và khoang chở hàng 4,8m³ ở phía sau. Ảnh: ATR
Động cơ tuốc-bin cánh quạt trên ATR 72
Máy bay của ATR được cung cấp sức mạnh bởi 2 động cơ PWC 100. Riêng ATR 72-500 trang bị 2 động cơ PWC 127F. Hai thùng nhiên liệu tích hợp có dung tích 5.700 lít.

Ảnh: ATR
ATR 72 được trang bị càng đáp kiểu 3 bánh có thể thu vào bằng thủy lực, với chân càng hạ cánh Messier, bánh xe và phanh Dunlop, hệ thống kiểm soát chống trượt Crane Hydro-Aire và lốp Michelin.
Hãng hàng không đen đủi
Yeti Airlines (Nepal) và công ty con Tara Air từng ghi nhận nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Vì lý do đó, trang AirlineRatings.com không xếp hạng cả 2 hãng hàng không này.
Yeti Airlines vận hành máy bay ATR 72-500, một chiếc trong số đó vừa gặp nạn khiến toàn bộ 72 người trên khoang thiệt mạng.
Kể từ năm 2004, Yeti Airlines báo cáo 4 vụ tai nạn máy bay chết người, bao gồm cả vụ ATR 72 mới đây. Trong khi đó, Tara Air ghi nhận 3 vụ tai nạn máy bay chết người ngoài 5 sự cố không gây tử vong. Cả 2 hãng hàng không đều khai thác đường bay ở khu vực dãy Himalaya hiểm trở.
Pokhara - "sân bay nguy hiểm nhất trên thế giới"
Chiếc ATR 72-500 của hãng hàng không Yeti Airlines khởi hành từ Kathmandu bị rơi ở Pokhara - Nepal vào sáng 15-1. Hiện trường vụ tai nạn nằm giữa sân bay Pokhara cũ và sân bay quốc tế Pokhara mới.

Sân bay quốc tế Pokhara mới. Ảnh: The Kathmandu Post
Tất cả 43 sân bay ở Nepal đều có đường hạ cánh ngắn. Trong đó, sân bay quốc tế Pokhara mới có đường băng rộng 45 m và dài 2.500 mét, so với sân bay ở New Delhi - Ấn Độ có đường băng rộng 60 m và dài 4.430 m. Điều này làm gia tăng rủi ro đối với các chuyến bay.