Thế giới 8 tỉ người là một thế giới như thế nào?

(NLĐO) - Dân số thế giới tăng thêm 1 tỉ người trong 12 năm qua. Và có vẻ chúng ta đang đi đến "khúc quanh của nhân loại" khi nhìn về phía trước với quá nhiều nguy cơ.

Theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới vừa được Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố, dân số toàn cầu chạm mốc 8 tỉ người vào ngày 15-11. Với xu hướng hiện tại, con số này sẽ lên 9 tỉ vào năm 2037, trước khi lập đỉnh 10,4 tỉ trong giai đoạn 2080-2100. Dân số gia tăng kết hợp biến đổi có thể gây ra vô vàn thách thức cho nhân loại.

Thế giới 8 tỉ người là một thế giới như thế nào? - Ảnh 1.

Người dân đi bộ trên một con đường ở TP New York - Mỹ hôm 14-11, một ngày trước khi dân số thế giới đạt mốc 8 tỉ. Ảnh: Reuters

Bệnh truyền nhiễm

Các nhà nghiên cứu phát hiện hơn 50% bệnh truyền nhiễm ở con người có thể trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Ví dụ, lũ lụt có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước và môi trường sống nơi vi khuẩn và vật trung gian nguy hiểm, như muỗi, có thể sinh sản và truyền bệnh lây nhiễm cho con người.

Lũ lụt cũng có thể phát tán sinh vật sống trong nước gây bệnh viêm gan và tiêu chảy, chẳng hạn như bệnh tả - nhất là khi người dân phải sơ tán diện rộng do thiên tai và phải sống ở những khu vực có chất lượng nước uống và giặt giũ không đảm bảo.

Hạn hán cũng có thể làm suy giảm chất lượng nước uống, buộc các loài gặm nhấm xâm nhập vào cộng đồng người để tìm kiếm thức ăn, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.

Thế giới 8 tỉ người là một thế giới như thế nào? - Ảnh 2.

Đường phố thủ đô Baghdad - Iraq bị ngập sau một trận mưa lớn vào ngày 12-11. Ảnh: Reuters

Nắng nóng cực đoan

Một rủi ro nghiêm trọng khác liên quan đến sức khỏe là nhiệt độ gia tăng. Hiện nay, khoảng 30% dân số toàn cầu đối mặt với nguy cơ tử vong vì kiệt sức do nắng nóng. Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu ước tính tỉ lệ này sẽ tăng lên ít nhất là 48% và cao nhất là 76% vào cuối thế kỷ này.

Ngoài sinh mạng, nắng nóng còn cướp đi tổng cộng 470 tỉ giờ làm việc của lao động trên toàn thế giới vào năm 2021, gây thiệt hại ước tính 669 tỉ USD. Dân số và nắng nóng gia tăng cũng đồng nghĩa số người sử dụng điều hòa không khí chạy bằng nhiên liệu hóa thạch gia tăng, khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.

Thế giới 8 tỉ người là một thế giới như thế nào? - Ảnh 3.

Nắng nóng cực đoan gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng, trong đó có sức khỏe. Ảnh: Reuters

An ninh nước và lương thực

Nắng nóng cũng tác động tiêu cực đến nỗ lực đảm bảo an ninh nước uống và lương thực cho dân số gia tăng. Theo tạp chí Lancet, nhiệt độ gia tăng trong năm 2021 đã rút ngắn mùa sinh trưởng trung bình khoảng 9,3 ngày đối với ngô và 6 ngày đối với lúa mì, so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2020.

Trong khi đó, nước biển ấm lên có thể giết chết sinh vật có vỏ và tác động xấu đến nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Tính riêng 2020, nắng nóng đã đẩy thêm 98 triệu người vào tình trạng bất ổn an ninh lương thực, so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010.

Nhiệt độ gia tăng còn đe dọa an ninh nguồn nước thông qua quá trình bốc hơi, cũng như làm tan chảy lớp phủ băng tuyết và sông băng trên núi vốn duy trì dòng chảy nước ngọt trong các tháng hè.

Thế giới 8 tỉ người là một thế giới như thế nào? - Ảnh 4.

Nông dân thu hoạch lúa miến (cao lương) tại một cánh đồng ngập nước sau một trận mưa lớn ở ngoại ô Ndjamena - Chad hôm 26-10. Ảnh: Reuters

Theo ước tính của LHQ, cùng với tình trạng khan hiếm nước, hạn hán có thể buộc gần 700 triệu người phải di cư vào năm 2030. Kết hợp với sự gia tăng dân số và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, chúng cũng có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột địa chính trị, khi các quốc gia đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh lương thực và nước.

Ô nhiễm không khí

Biển đối khí hậu có thể khiến không khí thêm phần ô nhiễm. Nắng nóng và khí nhà kính làm gia tăng nồng độ ozone trên mặt đất (thành phần chính của sương khói), khiến các vấn đề liên quan đến dị ứng, hen suyễn và hô hấp trở nên trầm trọng hơn.

Tương tự, cháy rừng do nắng nóng và khô cằn làm gia tăng rủi ro sức khỏe bắt nguồn từ ô nhiễm không khí. Khói cháy rừng chứa đầy các hạt nhỏ có thể đi sâu vào phổi, gây ra các vấn đề về tim mạch và hô hấp.

Thế giới 8 tỉ người là một thế giới như thế nào? - Ảnh 5.

Đường phố thủ đô New Delhi - Ấn Độ chìm trong khói bụi hôm 3-11. Ảnh: Reuters

Dân số già, vấn đề mới

Mặc dù dân số thế giới đang tăng nhanh, tỉ lệ sinh lại trên đà giảm mạnh. Tỉ lệ dân số già trên thế giới dự kiến tăng từ 10% trong năm 2022 lên 16% trong năm 2050. Khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên có thể sẽ cao gấp 2 lần so với số trẻ em dưới 5 tuổi và gần bằng số trẻ em dưới 12 tuổi.

Theo LHQ, các quốc gia "già hóa" nên có những bước điều chỉnh phù hợp đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội và lương hưu…Dân số già cũng đồng nghĩa thách thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi gia tăng.

Bất an trước viễn cảnh "xã hội lão hóa", theo Reuters, Trung Quốc thời gian qua tích cực khuyến khích người dân sinh sản bằng những ưu đãi hấp dẫn về thuế, bảo hiểm y tế hay thậm chí là nhà ở. Tuy nhiên, chuyên gia Stuart Gietel Basten của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Trung Quốc) khẳng định những biện pháp trên là chưa đủ khi chưa giải quyết được những vấn đề liên quan đến chi phí giáo dục cao, thu nhập thấp và đặc biệt là thất nghiệp.

Thế giới 8 tỉ người là một thế giới như thế nào? - Ảnh 6.

Ảnh chụp một em bé vừa chào đời ở TP Rome - Ý hôm 14-11. Ảnh: Reuters

Vân là cơ hội lớn

Trong bài bình luận đăng trên báo USA Today, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh ông vẫn đặt niềm tin vào nhân loại và thế giới 8 tỉ dân sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhóm nước kém phát triển.

Các khoản đầu tư tương đối nhỏ vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới và phát triển kinh tế bền vững có thể tạo ra một "vòng tròn phát triển và tăng trưởng", giúp chuyển đổi nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống ở các quốc gia này.

Trong vài thập kỷ tới, các nước nghèo nhất hiện nay có thể trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững và thịnh vượng cho cả khu vực. Cột mốc dân số mới, theo Tổng thư ký Guterres, cũng là cơ hội để thế giới bắt đầu hàn gắn chia rẽ và khôi phục lòng tin dựa trên quyền tự do, bình đẳng của mỗi thành viên trong đại gia đình 8 tỉ dân.

Thế giới 8 tỉ người là một thế giới như thế nào? - Ảnh 7.

Người dân tụ tập trên đường phố trong kỳ nghỉ Lễ Lao động ở TP Vũ Hán - Trung Quốc hôm 2-5-2021. Ảnh: Reuters

Công dân địa cầu thứ 8 tỉ

Vinice Mabansag, bé gái chào đời ở Manila - Philippines lúc 1 giờ 29 phút sáng 15-11 (giờ địa phương), được xác định là công dân thứ 8 tỉ của hành tinh chúng ta. Cô bé được sinh ra tại bệnh viện Vinice Mabansag.

8b

Bé Vinice Mabansag trong giây phút chào đời. Ảnh: GMA News