Đảo băng ẩn giấu kho tàng: Bóng dáng Mỹ trong lịch sử Greenland
(NLĐO) - Greenland là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và hòn đảo này có chính quyền cùng cơ quan lập pháp riêng từ năm 1979
Vào tháng 2-2024, Greenland chính thức tuyên bố mục tiêu là trở thành một quốc gia độc lập. Song, cho đến nay, Greenland vẫn chưa tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này.
Từng là nơi không thể sống
Dù là một phần của Bắc Mỹ về mặt địa lý nhưng về mặt chính trị, Greenland là một phần của châu Âu và phần lớn chịu ảnh hưởng bởi lịch sử thuộc địa của Đan Mạch.
Dân cư nguyên thủy của Greenland, chủ yếu là người Inuit, di chuyển qua eo biển Bering, qua Alaska rồi đi tiếp tới các đảo ở phía Bắc Canada, cuối cùng đến Greenland. Đã có nhiều đợt di cư kéo dài từ ít nhất năm 2500 trước công nguyên đến đầu thiên niên kỷ thứ 2 sau công nguyên.
Mỗi đợt di cư đại diện cho một nền văn hóa Inuit khác nhau, như Independence I (khoảng năm 2500–1800 trước công nguyên), Saqqaq (khoảng năm 2300–900 trước công nguyên), Independence II (khoảng năm 1200–700 trước công nguyên), Dorset I (khoảng năm 600 trước công nguyên – 100 sau công nguyên) và Dorset II (khoảng năm 700–1200).
Nhóm đến sau cùng là văn hóa Thule (khoảng năm 1100), từ đó phát triển thành văn hóa Inugsuk vào thế kỷ XII và XIII.

Người Inuit năm 1999. Ảnh: Ansgar Walk
Theo trang Britannica, vào năm 982, một người Na Uy Erik Đỏ, vốn đã bị trục xuất khỏi Iceland vì tội ngộ sát, đã định cư trên hòn đảo (nay được gọi là Greenland).
Trở về Iceland vào khoảng năm 985, người này đã mô tả những ưu điểm của vùng đất mới được phát hiện, mà ông gọi là Greenland. Năm 986, ông tổ chức một cuộc thám hiểm hòn đảo, sau đó dẫn đến sự phát triển của hai khu định cư chính: Khu định cư phía Đông, gần Qaqortoq ngày nay (Julianehåb) và khu định cư phía Tây, gần Nuuk ngày nay (Godthåb).
Đến thế kỷ XIII, người Norse (Scandinavia) bắt đầu tiếp xúc văn hóa Thule của người Inuit mở rộng ở phía Bắc Greenland từ khoảng năm 1100. Nhưng đến thế kỷ XIV, các khu định cư Norse suy tàn, có thể do khí hậu Greenland lạnh hơn. Đến thế kỷ XV, nơi này không còn người ở.
Trong thế kỷ XVI và XVII, thợ săn cá voi Hà Lan và Anh thường xuyên đến vùng biển quanh Greenland, thỉnh thoảng giao tiếp với dân địa phương. Tuy nhiên, không có nỗ lực tái định cư nào cho đến năm 1721, khi nhà truyền giáo và nhà thám hiểm người Na Uy Hans Egede, với sự cho phép của Vương quốc Đan Mạch - Na Uy, lập một công ty thương mại và sứ mệnh Lutheran gần Nuuk ngày nay, đánh dấu khởi đầu thời kỳ thuộc địa của Greenland.
Năm 1776, chính phủ Đan Mạch độc quyền thương mại với Greenland, đóng cửa bờ biển với bên ngoài cho đến năm 1950. Trong thời gian này, Đan Mạch cố gắng giúp người Greenland thích nghi với thế giới bên ngoài mà không bị bóc lột kinh tế.
Những mảnh ghép lịch sử
Mỹ bảo vệ Greenland trong Thế chiến Thứ hai khi Đức chiếm đóng Đan Mạch, rồi trao trả lại Đan Mạch năm 1945. (Đan Mạch bị Đức Quốc xã kiểm soát từ năm 1940 đến 1945).
Trong giai đoạn này, Chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận với Đại sứ Đan Mạch tại Mỹ Henrik Kauffmann để giao quyền phòng thủ và kiểm soát Greenland cho Washington vào ngày 9-4-1941.
Chính phủ Đan Mạch bất ngờ với hành động của ông Kauffmann, xem thỏa thuận này không hợp lệ và triệu ông về nước.
Quân đội Mỹ đầu tiên đến Greenland vào ngày 7-7-1941. Mỹ đã xây 2 sân bay hoàn thiện với đường băng dài. Trong những năm này, Greenland cho phép Mỹ xây căn cứ trên lãnh thổ của mình. Sau chiến tranh, tình hình được khôi phục, các căn cứ của Mỹ được duy trì và Greenland vẫn là một phần lãnh thổ Đan Mạch.
Sau đó, Đan Mạch cải cách về cách quản lý Greenland do vấp phải sự phàn nàn của người dân trên đảo. Sự độc quyền thương mại của Công ty Thương mại Hoàng gia Greenland bị bãi bỏ năm 1951. Sau khi Greenland trở thành một phần của Đan Mạch năm 1953, các cải cách được thực hiện nhằm cải thiện kinh tế, giao thông và giáo dục.
Đan Mạch trao quyền tự trị cho hòn đảo này vào ngày 1-5-1979. Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn giữ quyền kiểm soát một số lĩnh vực, bao gồm quan hệ đối ngoại, quốc phòng, các vấn đề tiền tệ và hệ thống pháp luật tại Greenland.

Tàu HDMS Thetis và máy bay trực thăng Lynx thuộc Hải quân Đan Mạch ở vịnh Tasermiut tại Nam Greenland. Ảnh: Visit Greenland
Theo trang Visit Greenland của chính quyền Greenland, trong những thập kỷ sau đó, chính quyền tự trị hòn đảo đã tiếp quản việc quản lý nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, thuế, cơ sở hạ tầng, kinh doanh, nội vụ, quy hoạch không gian, phúc lợi xã hội và nhà ở - những lĩnh vực trước đây vốn do nhà nước Đan Mạch quản lý.
Mục tiêu tiếp theo của Greenland là giành thêm quyền kiểm soát tình hình của chính mình, đặc biệt là với trữ lượng khoáng sản lớn dưới lòng đất. Mối liên hệ lịch sử và văn hóa giữa con người và đất đai, liên quan những gì nằm dưới lòng đất, được xem là rất quan trọng. Các mục tiêu khác bao gồm tăng cường quản lý tư pháp, trong đó có cảnh sát và tòa án.
Vào đầu thế kỷ XXI, người Greenland ngày càng muốn kiểm soát nhiều hơn về ngoại giao. Điều này nảy sinh một phần là để đáp lại thỏa thuận năm 2004 - cho phép Mỹ nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tại Căn cứ Không quân Thule.
Người Inuit bị buộc rời khỏi khu vực gần Căn cứ Thule vào những năm 1950 đã kiện để đòi quyền được trở về, đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền châu Âu. Một số người lo ngại về sự can thiệp của Mỹ vì nước này từng bí mật lưu trữ bom hạt nhân trên đảo thời Chiến tranh lạnh, dù hành động này bị Đan Mạch cấm.
Nuôi giấc mơ độc lập
Các đảng vận động cho quyền tự chủ lớn hơn của Greenland đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Vào tháng 11-2008, hơn 75% người Greenland bỏ phiếu ủng hộ trưng cầu dân ý không ràng buộc về tăng quyền tự trị.
Đề xuất này, được các nhà lập pháp ở cả Greenland và Đan Mạch đưa ra, được sự chấp thuận ngầm của chính phủ Đan Mạch ngay cả trước khi cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức.

Toà nhà chính quyền Greenland và Trung tâm Nuuk. Ảnh: Visit Greenland
Greenland nắm quyền kiểm soát lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng bảo vệ bờ biển và hệ thống pháp luật. Ngôn ngữ chính thức đã thay đổi từ tiếng Đan Mạch sang tiếng Greenland vào ngày 21-6-2009. Ngày này cũng được Greenland xác định là ngày quốc khánh.
Động thái trên giúp tăng trách nhiệm của chính quyền Greenland trong các vấn đề đối ngoại, nhập cư và tư pháp. Đồng thời, trao cho chính quyền Greenland các quyền đối với những nguồn tài nguyên dầu khí và khoáng sản có khả năng sinh lợi cao, vốn ngày càng dễ tiếp cận hơn do băng tan trên đảo.
Nhiều người tin rằng nguồn thu tiềm năng này sẽ giúp Greenland thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Đan Mạch - bước cuối cùng để độc lập hoàn toàn.
Đến nay, chính quyền Greenland quản lý hầu hết các vấn đề lãnh thổ, đồng thời chịu toàn bộ trách nhiệm tài chính trong các lĩnh vực quản lý. Theo một phần của luật tự trị năm 2009, Greenland có thể tuyên bố độc lập hoàn toàn nếu muốn, song phải có được sự chấp thuận của người dân thông qua trưng cầu dân ý và Quốc hội Đan Mạch.
Sự ổn định kinh tế của Greenland được xem là cơ sở cho nền độc lập chính trị hoàn toàn khỏi Đan Mạch. Nếu Greenland trở thành quốc gia độc lập, khoản tài trợ hằng năm từ Đan Mạch sẽ chấm dứt.