Đặt bản thân vào nỗi đau

Bạo hành trẻ, đặc biệt là trẻ tại những lớp mầm non, là câu chuyện dù không mới nhưng luôn mang sức nóng của thời sự.

Hơi nóng ấy tuần qua tiếp tục phả vào lương tri cùng trách nhiệm của không chỉ những cá nhân liên quan mà còn của toàn xã hội.

Theo đó, liên tiếp 2 ngày 16 và 17-4, báo chí phản ánh vụ việc xảy ra tại 2 cơ sở mầm non trên địa bàn 2 tỉnh Bến Tre và Bắc Ninh đã mang tới cảm giác xót thương, phẫn nộ cho bất cứ ai quan tâm. Một nơi thì nhân viên liên tục nhồi nhét thức ăn vào miệng trẻ, bất chấp việc bé nôn trào; một nơi thì kéo trẻ tới chỗ khuất tầm camera để đánh liên tiếp vào mặt rồi xốc ngược bằng cách nắm một chân… Những hành vi cố ý và có tính toán ấy thể hiện một cách tự nhiên, thuần thục, gián tiếp tố cáo lối hành xử đó không phải bột phát và có thể không chỉ một lần.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc. Theo yêu cầu từ Cục Bà mẹ Trẻ em - Bộ Y tế, Sở Y tế 2 địa phương trên phải giải quyết để có báo cáo trước ngày 25-4.

Ở đây, chưa bàn tới thời gian hơn 1 tuần kể từ khi sự việc được phát hiện, vấn đề đáng lưu ý hơn là những vụ bạo hành kia có tiếp tục trôi vào lối mòn thờ ơ của cơ quan quản lý như nhiều vụ khác? Giải quyết được việc ấy mới chạm tới cái gốc vấn đề.

Để mọi trẻ em đến lớp thoát khỏi nguy cơ tổn thương, phụ huynh hết bất an và dư luận không còn phải bức xúc…, ngành giáo dục và chính quyền các cấp, nhất là bộ phận liên quan trực tiếp tới trẻ mầm non, cần phải có giải pháp đủ tốt. Giải pháp ấy nên dựa trên cơ sở đặt bản thân vào vị trí của phía bị tổn thương.