Dấu ấn 50 năm vì bạn đọc
Nhớ những năm đầu thập niên 1990, các tờ báo đoàn thể ở TP HCM vẫn còn bước đi ì ạch, phát hành chỉ 2-3 kỳ/tuần. Số lượng báo in ra mỗi kỳ chỉ chục ngàn
1.
Thời ấy, theo thói quen thuở nhỏ - đi xếp báo, rồi đọc các loại báo, nên ngoài "báo mình", tôi vẫn thường xuyên vào thư viện để đọc thêm báo khác. Đọc, để ý báo bạn có thông tin gì mới, hay, lạ hơn không. Bất ngờ, ngày 18-10-1996, tôi giật mình khi nhìn thấy trên tờ Người Lao Động một bài viết có tít khá hấp dẫn, so với định hướng thông tin hồi ấy: "Lê Công Tuấn Anh tự tử?".
Lê Công Tuấn Anh là một diễn viên mà tôi yêu thích qua bộ phim "Vị đắng tình yêu". Anh được xem là diễn viên nổi tiếng nhất của điện ảnh Việt Nam thập niên 1990. Trời ơi, vì sao mà anh lại lìa bỏ cõi đời này khi tuổi còn quá trẻ?
Thắc mắc, nên tôi lao vào đọc ngấu nghiến bài viết để tìm câu trả lời... Đọc xong, hơi tự ái nghề nghiệp, tôi lại nảy sinh một thắc mắc khác: Vì sao chỉ có mỗi Báo Người Lao Động truyền tải thông tin này nhanh và đậm như thế? Phải chăng do "thói quen ràng buộc" của báo chí hồi ấy là không được làm sâu đậm những sự việc liên quan đời tư của nghệ sĩ?
Sau đó, qua tìm hiểu, tôi được biết nhờ mấy bài viết liên quan đến cái chết của Lê Công Tuấn Anh mà tirage của Người Lao Động tăng liên tục, đạt đến gần gấp 20 lần so với trước. Dù sao thì về mặt nghề nghiệp, tôi vẫn xem đây đúng là một cú đột phá ấn tượng của Người Lao Động! Thật ra, Lê Công Tuấn Anh cũng từng gắn bó với Người Lao Động và là một trong những nghệ sĩ được nhận giải Bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất năm 1994 do báo tổ chức.

Tác giả và tờ báo in Người Lao ĐộngẢnh: T.U
2.
Trước đây, tôi quen và chơi khá gần gũi với nhạc sĩ Vũ Hoàng. Năm 1991, khi Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Phan Hồng Chiến muốn có những hoạt động bên lề để quảng bá thương hiệu của báo, chính Vũ Hoàng - lúc đó là Trưởng Phòng Văn hóa Nghệ thuật - đã đề xuất tổ chức giải thưởng Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm dành cho độc giả.
Tôi cũng đã được đồng nghiệp Vũ Hoàng mời tham dự lễ trao giải này. Dự và cảm thấy thích thú khi chứng kiến trên dưới 500 độc giả chen nhau ngồi dõi mắt lên sân khấu. Thỉnh thoảng lại có những tràng pháo tay rôm rả.
4 năm sau đó, giải thưởng này chính thức đổi tên thành Giải Mai Vàng. Hỏi thêm anh bạn Hữu Thân bên Báo Người Lao Động, tôi mới được biết Giải Mai Vàng vẫn do bạn đọc bình chọn nhưng kết quả bình chọn sẽ được thẩm định lại bởi một Hội đồng Nghệ thuật, gồm các nghệ sĩ đứng đầu những hội nghệ thuật chuyên ngành, các nghệ sĩ có uy tín. Có lẽ vì vậy mà Giải Mai Vàng càng thêm giá trị và uy tín trong suy nghĩ của độc giả lẫn đồng nghiệp.
Nhớ lần đi cùng vợ đến xem Lễ trao Giải Mai Vàng tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh, tôi đã choáng ngợp trước hơn 3.000 khán giả hào hứng ngồi xem, dù phải bỏ tiền mua vé vào, chứ không miễn phí như những lần trước đó. Chưa kể sự góp mặt của hơn 100 nghệ sĩ trong cả nước đã là tấm "giấy chứng nhận thành công" cho Mai Vàng. Cứ thế, dòng chảy Giải Mai Vàng vẫn tiếp tục cho đến tận hôm nay.
Ngày 8-1-2025, tại Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30, lãnh đạo TP HCM ghi nhận nỗ lực của tập thể Báo Người Lao Động, đã dành tâm huyết và trí tuệ... để khơi dòng chảy văn hóa bằng Giải Mai Vàng... Riêng với một nhà báo như tôi thì lại thích ví von rằng Giải Mai Vàng cũng là một cú đột phá ngoạn mục của tờ báo.


Báo Người Lao Động đến tay nhiều bạn đọcẢnh: HOÀNG TRIỀU

Báo Người Lao Động phát hành trong giai đoạn dịch COVID-19Ảnh: Hoàng Triều
TS NGUYỄN QUỐC VIỆT, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG TP HCM:
Tiếng nói của người lao động
Báo Người Lao Động thường xuyên có các bài viết phản ánh chân thực đời sống công nhân, người lao động, đặc biệt trong những thời điểm giá cả hàng hóa thiết yếu như điện, xăng và các chi phí sinh hoạt gia tăng. Báo cũng tích cực lên tiếng đối với các đề xuất tăng lương, chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội... nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của người lao động.
Đáng chú ý, các diễn đàn, tọa đàm về kinh tế với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia uy tín đã góp phần phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình kinh tế - xã hội, đưa ra giải pháp tháo điểm nghẽn chính sách. Qua đó, không chỉ hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp mà còn đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.
ThS TRẦN VĂN PHƯƠNG, Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM:
Cung cấp nhiều dữ kiện phục vụ nghiên cứu
Bên cạnh thông tin thời sự, Báo Người Lao Động còn cung cấp cho đối tượng bạn đọc như tôi nhiều dữ kiện, vấn đề để hình thành những ý tưởng, phục vụ công tác nghiên cứu. Các dữ kiện mà Báo Người Lao Động cung cấp thuộc đa lĩnh vực, mọi thời điểm và quan trọng nhất là có tính chính xác của báo chính thống.
Báo Người Lao Động cũng là diễn đàn của tri thức khi tập hợp được rất nhiều bài viết của các nhà khoa học hàng đầu trên mọi lĩnh vực. Trước những vấn đề quan trọng của một đô thị lớn như TP HCM và đất nước, báo đã có nhiều bài viết nhằm góp ý, xây dựng lẫn phản biện. Nhiều hiến kế tâm huyết của các chuyên gia đã được Trung ương và TP HCM ghi nhận, cụ thể hóa bằng những quy định.
Mong rằng trong thời gian tới, Báo Người Lao Động sẽ có thêm nhiều bài viết chất lượng, mang tính chuyên sâu; nâng cao vai trò phản biện của báo chí về các vấn đề phát triển đô thị, đời sống của người dân; thể hiện tinh thần phát triển, vươn mình hội nhập của quốc gia. Qua đó, giúp bạn đọc không chỉ cập nhật thông tin mà còn tiếp cận với kiến thức mới, hiện đại. Tôi cũng chờ đón những talkshow, tọa đàm xoay quanh các chủ đề nóng hổi, thời sự và những hướng tiếp cận, cải tiến công nghệ, đa dạng hóa các nền tảng số... của báo.
Luật sư TRẦN TUẤN ANH, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch:
Hành trình vì cộng đồng
Kỷ niệm 50 năm thành lập là dấu mốc đáng tự hào trong hành trình phát triển của Báo Người Lao Động, một cơ quan báo chí giàu truyền thống, luôn bám sát hơi thở đời sống người lao động và phản ánh chân thực các vấn đề xã hội.
Với tư cách là độc giả lâu năm, tôi đánh giá cao những thành tựu mà Báo Người Lao Động đã đạt được. Báo ngày càng phong phú về nội dung, chuẩn xác và nhanh nhạy về thông tin, đồng thời tổ chức nhiều chương trình xã hội thiết thực, giàu tính nhân văn như "Tự hào cờ Tổ quốc", "ATM thực phẩm miễn phí", "Hướng về miền Bắc yêu thương"... Báo cũng đóng vai trò là cầu nối giữa chính sách và người dân; giữa tiếng nói của công nhân, người lao động với các cấp chính quyền và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh mẽ, tôi ghi nhận sự chuyển mình tích cực của báo trong việc ứng dụng công nghệ, mở rộng nền tảng đa phương tiện để tiếp cận bạn đọc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững vị thế và phát triển bền vững, báo cần đẩy mạnh hơn nữa các tuyến bài phân tích chuyên sâu, điều tra độc quyền. Là người hoạt động trong lĩnh vực pháp lý, tôi mong báo tăng cường tập trung vào các nội dung liên quan pháp luật, cải cách hành chính, minh bạch thông tin và các vấn đề đô thị.
Bên cạnh đó, báo nên tiếp tục tăng cường tương tác với bạn đọc qua các nền tảng số, ứng dụng dữ liệu số hóa để nắm bắt xu hướng, cá nhân hóa nội dung. Việc đào tạo đội ngũ phóng viên đa năng, thành thạo kỹ năng truyền thông hiện đại cũng là yếu tố then chốt cần được báo quan tâm trong thời gian tới.
Bạn đọc PHAN VĂN HẢI NAM (xã Tân Nhựt, TP HCM):
Lối viết giản dị mà cuốn hút
Tôi đã theo dõi Báo Người Lao Động nhiều năm và rất ấn tượng với các thông tin ở mục Thời sự và Quốc tế.
Gần đây, báo phản ánh đậm nét việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại TP HCM và trên cả nước. Tôi đặc biệt quan tâm đến các đồ họa do báo thực hiện về 168 phường, xã của TP HCM, với các thông tin cụ thể về trụ sở làm việc, diện tích, dân số, lãnh đạo chủ chốt... được trình bày ngắn gọn, tiện lợi, rõ ràng và dễ hiểu.
Báo Người Lao Động còn hỗ trợ rất nhiều cho công tác chuyên môn của tôi khi luôn cập nhật sớm các quy định, chính sách mới. Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên tham khảo các ý kiến, phân tích và bình luận trên báo.
Điều đặc biệt giữ tôi gắn bó lâu dài với Báo Người Lao Động chính là lối viết giản dị mà cuốn hút. Những vấn đề tưởng chừng khô khan được thể hiện sinh động, gần gũi và dễ tiếp cận. Phong cách viết mộc mạc, chân phương giúp tôi không chỉ nắm bắt nội dung mà còn cảm nhận sâu sắc thông điệp mà tác giả gửi gắm, để lại nhiều suy nghĩ và cảm xúc sau mỗi bài đọc.
Tôi hy vọng Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm báo chí sáng tạo, hấp dẫn hơn nữa trong thời gian tới.
Bạn đọc HÀ VĂN HOA ÁNH (tỉnh Lâm Đồng):
Cầu nối văn hóa, lan tỏa giá trị bản sắc
Là cán bộ ngành văn hóa - thông tin tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận trước đây - nay là tỉnh Lâm Đồng, tôi có cơ hội đồng hành với nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương. Nhờ đó, tôi có dịp tiếp cận và nhận thấy Báo Người Lao Động không chỉ là tờ báo thời sự sắc bén, mà còn là kênh thông tin giàu bản sắc, góp phần nâng tầm hình ảnh vùng đất và con người Việt Nam.
Trong hành trình phát triển văn hóa ở TP Phan Thiết trước đây, Báo Người Lao Động - với trách nhiệm xã hội và tinh thần nhân văn - đã phản ánh sinh động đời sống văn hóa từ cơ sở, nhất là các phong trào văn nghệ quần chúng, công tác bảo tồn di sản phi vật thể, phát triển du lịch văn hóa. Những bài viết giới thiệu về Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Rước đèn Trung thu rằm tháng tám, nghề làm nước mắm truyền thống hay nỗ lực phục hồi rừng dương ven biển... đã tiếp thêm nguồn lực tinh thần cho địa phương.
Tôi vẫn nhớ các bài phản ánh về tình trạng xâm phạm thắng cảnh quốc gia Đồi Cát Bay Mũi Né hay loạt bài "Bình Thuận: Choáng ngợp cụm nhà hàng, biệt thự trái phép ở dốc Hoàng Hôn"... đã góp phần thúc đẩy các cấp chính quyền vào cuộc kịp thời, xử lý dứt điểm sai phạm. Những tiếng nói như vậy thực sự thể hiện rõ vai trò của báo chí cách mạng, không chỉ đưa tin mà còn là chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong xã hội.
Báo Người Lao Động không chỉ là tiếng nói của người lao động mà còn là chiếc cầu nối văn hóa, góp phần gắn kết mọi tầng lớp xã hội trong cùng một mạch cảm xúc dân tộc. Với những người làm văn hóa ở tuyến cơ sở như chúng tôi, báo luôn là nguồn cảm hứng, là người bạn đồng hành quý giá trong hành trình làm phong phú, sâu sắc và nhân văn hơn đời sống tinh thần của cộng đồng.
Bạn đọc TRẦN VĂN TÁM (giáo viên hưu trí; xã Thái Mỹ, TP HCM):
Nội dung thiết thực, nhân văn
Là bạn đọc thường xuyên của Báo Người Lao Động suốt gần 15 năm qua, tôi nhận thấy báo không ngừng đổi mới, ngày càng phát triển cả về nội dung lẫn hình thức. Báo được đông đảo người lao động yêu thích vì sự gần gũi, phản ánh những vấn đề thiết thực, phù hợp với công việc và cuộc sống của họ.
Một trong những điều giữ chân tôi, khiến nhiều bạn đọc khác luôn đồng hành với báo chính là các cuộc thi ý nghĩa mà báo tổ chức như: "Nâng bước người lao động", "Lòng tốt quanh ta", "Người thầy kính yêu"... Những sân chơi này không chỉ khơi dậy tình cảm đẹp trong cộng đồng mà còn lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội.
Tôi cũng đánh giá cao việc Báo Người Lao Động luôn lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. Nhiều ý kiến của bạn đọc khi được đăng tải đã nhanh chóng được các cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý kịp thời. Điều đó thể hiện trách nhiệm xã hội rất rõ nét của báo.
Bác sĩ VÂN THANH (Cộng hòa Pháp):
Hơn cả một tờ báo
Với tôi, Báo Người Lao Động không chỉ là nơi cung cấp thông tin, kiến thức mà còn là không gian chan chứa những câu chuyện đời thường đầy nhân văn. Tờ báo đã khơi dậy trong tôi lý tưởng, niềm tin và trở thành người bạn đồng hành tin cậy bởi sự nghiêm túc, bản lĩnh và vững vàng của mình.
Người Lao Động là nhịp cầu kết nối thông tin đa chiều giữa bạn đọc và xã hội. Nơi đây, tiếng nói của người dân, kể cả những phận đời nhỏ bé, chịu nhiều thiệt thòi, luôn được lắng nghe và trân trọng như bất kỳ vấn đề vĩ mô nào của đất nước. Chính vì điều đó, cô sinh viên tỉnh lẻ năm nào như tôi đã mạnh dạn gửi bài viết đầu tiên tới chuyên mục "Sài Gòn bao dung" và gắn bó với báo từ đó.
Việc cộng tác với Báo Người Lao Động đối với tôi không chỉ là niềm vui hay thử thách mà còn là sự thôi thúc từ cuộc sống, từ nhu cầu được nói, được sẻ chia. Và báo chính là nơi đủ dũng khí để gánh vác trách nhiệm lớn lao này.
Chặng đường hơn 10 năm cộng tác cùng báo để lại trong tôi nhiều ký ức đáng nhớ. Tôi vẫn còn nguyên cảm xúc khi lần đầu bước vào tòa soạn và bất ngờ trở thành quán quân cuộc thi viết "Lắng nghe người dân hiến kế". Phần thưởng 50 triệu đồng hôm ấy có lẽ không giá trị bằng niềm tin mà tôi nhận được - niềm tin vào bản thân và vào một tờ báo sẵn sàng lắng nghe ý kiến chân thành, thẳng thắn. Trong bối cảnh chuyển mình của thời đại số, báo vẫn giữ được tinh thần chỉn chu, trong sáng, nhân văn trong từng sản phẩm báo chí .
Sống và làm việc ở nước ngoài nhưng chưa ngày nào tôi không "gặp lại" Người Lao Động qua phiên bản online. Tôi rất mừng vì Báo Người Lao Động điện tử phát triển mạnh mẽ, tiên phong trong mô hình đọc báo thu phí - mô hình mà không phải tờ báo nào cũng đủ bản lĩnh thực hiện. Dù vậy, tôi mong rằng sân chơi dành cho bạn đọc sẽ phong phú và sôi nổi hơn nữa. Bên cạnh đó, hy vọng báo tiếp tục mở rộng không gian trao đổi, bình luận, phản biện về những vấn đề quốc kế dân sinh, có những cách thức thu hút thêm bạn đọc trẻ...
Bạn đọc TRƯƠNG CÔNG ĐẠT, thành viên nhóm Hương B'lao:
Lan tỏa giá trị văn hóa trà hương
Là một người con của thủ phủ trà hương Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi đặc biệt trân trọng vai trò của Báo Người Lao Động trong việc lan tỏa văn hóa và quảng bá những sản phẩm đặc trưng của quê hương mình.
Suốt những năm qua, Báo Người Lao Động đã không ngừng quan tâm, khai thác và giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Bảo Lộc đến với độc giả cả nước. Những bài viết chuyên sâu, những hình ảnh sống động trên trang báo đã góp phần giúp công chúng hiểu hơn về con người, phong tục, và đặc biệt là nghệ thuật ướp trà truyền thống, một di sản quý giá của vùng đất cao nguyên.
Tôi ấn tượng sâu sắc với loạt phóng sự về các làng nghề trà truyền thống, về những nghệ nhân tài hoa đã gìn giữ và tiếp lửa cho văn hóa trà hương Việt. Báo Người Lao Động đã đóng góp quan trọng trong việc định vị thương hiệu trà Bảo Lộc trên bản đồ nông sản Việt Nam, tạo thêm cơ hội phát triển cho nông dân và các doanh nghiệp địa phương.
Tôi cũng rất trân trọng những nỗ lực của Báo Người Lao Động trong việc tổ chức các cuộc thi, chương trình vinh danh, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và sản vật địa phương. Những hoạt động ấy không chỉ tạo nên sân chơi bổ ích, mà còn là cầu nối đưa những giá trị quê hương đến gần hơn với cộng đồng.
Bạn đọc ĐINH THÀNH TRUNG (Hà Nội):
Được hòa vào "chất" rất riêng của TP HCM
Là một độc giả tại thủ đô, tôi nhận thấy Báo Người Lao Động ngày càng hoàn thiện cả về hình thức lẫn nội dung. Các bài viết chất lượng được xuất bản ngày một nhiều hơn, hấp dẫn độc giả ở nhiều độ tuổi và tầng lớp khác nhau. Khi đọc Người Lao Động, tôi như được hòa vào nhịp sống sôi động cùng "chất" rất riêng của TP HCM.
Báo đã gặt hái nhiều thành công đáng ghi nhận, song cũng đang và sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức trong giai đoạn phát triển mới. Tôi tin rằng Người Lao Động sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên mới.
Bạn đọc huyen...@gmail.com:
Sự quan tâm sâu sắc dành cho độc giả
Ngay lần đầu truy cập vào trang Báo Người Lao Động điện tử, tôi đã ấn tượng bởi cách sắp xếp chuyên mục "Bạn đọc" ở vị trí ưu tiên, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tòa soạn dành cho độc giả.
Là bạn đọc thường xuyên của báo, tôi rất yêu thích và tích cực tham gia các cuộc thi như "Tự hào hàng Việt", "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm", "Bên nhau ngày Tết"... Những cuộc thi không đơn thuần là sân chơi mà còn là diễn đàn quý giá để độc giả chia sẻ suy nghĩ, quan điểm và cộng tác với báo. Nhuận bút và giải thưởng từ các cuộc thi luôn là nguồn động viên lớn đối với tôi, một cộng tác viên tay trái nhưng đầy tâm huyết với nghề báo.
Lê Vĩnh - Minh Chiến - Nguyễn Hưởng ghi

Báo Công Nhân Giải Phóng phát hành những năm 1980Ảnh: tư liệu
Viết sổ cảm tưởng điện tử "Dấu ấn Báo Người Lao Động trong tôi" nhân dịp 50 năm ngày thành lập báo, bạn đọc ngs...@gmail.com cho biết lần đầu biết đến Báo Người Lao Động - khi báo còn mang tên Công nhân Giải phóng là vào năm 1984. Đến nay đã hơn 40 năm, hầu như ngày nào bạn đọc này cũng đọc Người Lao Động. "Vừa đọc vừa suy ngẫm đã dần trở thành thói quen. Có lẽ cũng nhờ đọc Báo Người Lao Động mà tôi đã tự vượt lên nhiều khó khăn trong cuộc sống" - bạn đọc này chia sẻ.
Bạn đọc Bích Ngọc (bộ đội thông tin) cũng là độc giả của Báo Người Lao Động đã hơn 40 năm. "Năm 2006, tôi bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng đến mức gần như nằm liệt. May sao, tôi nhớ đến 1 mẩu tin của báo về điều trị thoát vị đĩa đệm bằng lazer thành công tại Phân viện Vật lý Y sinh - Bộ Quốc phòng. Tôi đã theo mẩu tin ngắn đến địa chỉ 109A Pasteur, TP HCM để điều trị và thành công hơn mong đợi" - bạn đọc gửi lời cảm ơn Báo Người Lao Động ...