Dấu ấn cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với đối ngoại

(NLĐO)- Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có nhiều dấu ấn với công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong giai đoạn 1997-2006, đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập khu vực và quốc tế tiếp tục được triển khai tích cực. Trên cương vị Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại và triển khai công tác đối ngoại, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Dấu ấn cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với đối ngoại - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh hạng Nhất cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tại Paris, ngày 28-10-2002. Ảnh: TTXVN

Hoàn thiện đường lối đối ngoại

Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996) và Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) phát triển thêm một bước đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đại hội IX đánh dấu sự bước tiến mới về lý luận và thực tiễn, đổi mới tư duy trong việc hoạch định và triển khai thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng. Phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước" đề ra từ Đại hội VII được phát triển hơn nữa thành "Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy". Việc bổ sung này thể hiện thông điệp quan trọng về việc hợp tác lâu bền và cùng có lợi với các đối tác.

Về hội nhập kinh tế, Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII tháng 12-1997 đã xác định tư tưởng chỉ đạo quá trình hội nhập là hội nhập kinh tế quốc tế phải trên cơ sở "nâng cao ý chí tự lực, tự cường, giữ vững bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế". Nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 07 ngày 27-11-2001 về hội nhập kinh tế quốc tế, xác định hội nhập kinh tế quốc tế vừa là mục tiêu, vừa là một nhiệm vụ thường xuyên của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, một dấu mốc quan trọng trong việc đổi mới định hướng chính sách của Đảng ta là Nghị quyết 36 ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị Khóa IX, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định và lớn mạnh ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục gắn bó với quê hương, đóng góp vào sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thành tựu quan trọng, dấu mốc nổi bật

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại đã đạt nhiều thành tựu quan trọng với những dấu mốc nổi bật.

Dấu ấn cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với đối ngoại - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Khamtai Siphandon tại Phủ Chủ tịch, ngày 4-1-1999. Ảnh: TTXVN

Tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ VII các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội (tháng 11-1997). Đây là lần đầu tiên ta đăng cai một hội nghị thượng đỉnh lớn, mở đường cho Việt Nam đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng khác sau này như Hội nghị cấp cao ASEAN (1998), ASEM (2004), APEC (2006)…

Hội nghị cấp cao ASEAN VII tại Hà Nội (tháng 12-1998) là Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên ta đăng cai tổ chức chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, thể hiện năng lực của Việt Nam và nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 5) năm 2004 tại Hà Nội, khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam là một thành viên sáng lập của ASEM, đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy tiến trình hợp tác Á - Âu, khẳng định vai trò của Việt Nam trong ASEM.

Trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương APEC ngày 14-11-1998, đánh dấu một bước hội nhập mới của Việt Nam với cộng đồng kinh tế thế giới và tạo ra những cơ hội mở rộng đối tác, thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Dấu ấn cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với đối ngoại - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Boris Yeltsin, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 8-1998. Ảnh: Tư liệu TTXVN phát

Dấu ấn cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với đối ngoại - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương chứng kiến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký tuyên bố chung giữa 2 nước trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc (12-2000). Ảnh: TTXVN

Quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhiều đối tác lớn, chủ chốt được nâng tầm, nâng cấp, góp phần củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, hữu nghị, ổn định như nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược với Nga, Nhật Bản, Ấn Độ… và nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện với nhiều đối tác khác.

Trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, Việt Nam đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền với Trung Quốc năm 1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000 và một số hiệp định, thỏa thuận với các nước khác, đóng góp tích cực vào việc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 tạo nền tảng cho các bên hợp tác, duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Dấu ấn cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với đối ngoại - Ảnh 5.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa X, ngày 23-11-2001. Ảnh: TTXVN

Đàm phán và ký Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ năm 2000. Đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào tháng 11-2006. Việc gia nhập WTO là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, là cột mốc đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của đất nước chúng ta vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội trong nước và mở cửa, hội nhập với bên ngoài của Việt Nam trong hai thập kỷ qua.

Dấu ấn cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với đối ngoại - Ảnh 6.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam chứng kiến Lễ ký Hiệp định hợp tác giữa hai nước, ngày 3-5-2002, tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Bình Nhưỡng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 2-5 đến 5-5-2002. Ảnh: TTXVN