Dấu ấn dân ca xứ Nghệ "Không gục ngã" của NSƯT Bùi Như Lai

(NLĐO) - "Không gục ngã" là kịch bản bi tráng và nhân văn trong cuộc chiến không tiếng súng của chiến sĩ công an nhân dân, nhưng lại mượt mà, sâu lắng

Dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ V, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An mang đến một tác phẩm gây ấn tượng mạnh: Vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh "Không gục ngã". Vượt qua hình thức của một vở chính kịch thông thường, bảng dựng với chất liệu dân ca xứ Nghệ của đạo diễn TS NSƯT Bùi Như Lai thật sự cuốn hút khán giả đến với Nhà hát Quân đội sáng 1-7.
Dấu ấn dân ca xứ Nghệ "Không gục ngã" của NSƯT Bùi Như Lai   - Ảnh 1.

NSƯT Thủy Kiên (vai bà Liễu) và NS Duy Thanh (vai Hồng Sơn) ca diễn xuất sắc

"Không gục ngã" không chọn kể câu chuyện thành công đơn giản, tuyến tính. Tác phẩm của tác giả kịch bản TS. Nguyễn Đăng Chương đã được NSND Nguyễn An Ninh chuyển thể, chỉ đạo nghệ thuật nhạc sĩ Trần Quốc Chung và chỉ huy biểu diễn NSND Trần Minh Tuệ đã thuyết phục khán giả dù đó là lựa chọn của một hướng đi gai góc. Nhân vật chính – chiến sĩ công an Hồng Sơn – không phải một "người hùng" không tỳ vết. Anh từng là cán bộ nội tuyến quả cảm, từng lập nhiều chiến công trong các chuyên án lớn về ma túy. Nhưng rồi, chính trong quá trình thâm nhập, anh trượt dài vào cạm bẫy, rơi vào vòng xoáy nghiện ngập. Một cú ngã chí tử không chỉ giày vò thể xác mà còn xé rách danh dự, phẩm giá và lòng tự trọng của người chiến sĩ.

Dấu ấn dân ca xứ Nghệ "Không gục ngã" của NSƯT Bùi Như Lai   - Ảnh 2.

Những tình huống bất ngờ thu hút người xem xoay quanh câu chuyện "Không gục ngã"

Tuy nhiên, điều khiến Hồng Sơn khác biệt – và cũng làm nên linh hồn của tác phẩm này mà nhiều đạo diễn đã dàn dựng – là ở chỗ: anh không gục ngã và anh còn cảm hóa để nhiều người khác không gục ngã. Anh đứng dậy, bằng tất cả ý chí còn lại, bằng sức mạnh từ ký ức về người cha đã ngã xuống vì bảo vệ đồng đội, bằng sự bao dung lặng thầm của người chú là đồng đội của cha – ông Thái. Câu nói của cha Hồng Sơn khi xưa vọng lại như lời tuyên thệ với chính mình: "Té ngã chỉ sợ không biết đứng dậy. Khi sa cơ đừng than khóc, đừng ỷ lại mà phải biết đứng lên."
Dấu ấn dân ca xứ Nghệ "Không gục ngã" của NSƯT Bùi Như Lai   - Ảnh 3.

TS Đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai (người thứ hai từ trái sang) chúc mừng các nghệ sĩ sau buổi diễn

Vở diễn khéo léo sử dụng thủ pháp tâm lý, đan xen các lớp diễn quá khứ – hiện tại, lý tưởng – lầm lỡ, lý trí – dục vọng. Đặc biệt, khi Hồng Sơn quyết định tiếp tục quay lại "trận địa" bằng một nhiệm vụ ngầm để tiếp cận tập đoàn VSC – tổ chức buôn ma túy xuyên quốc gia – anh không chỉ đối mặt với hiểm nguy, mà còn đối mặt với sự nghi kỵ, dè bỉu, và cả sự giằng xé nội tâm. Anh phải tìm cách rửa "vết nhơ" không thể tẩy bằng nước sông Lam. Anh không được phép chết, càng không được phép thất bại, vì phía sau là danh dự của một người công an, là ký ức về người cha đã anh dũng hy sinh.

Dấu ấn dân ca xứ Nghệ "Không gục ngã" của NSƯT Bùi Như Lai   - Ảnh 4.

Những xử lý không gian, hồi ức và sự ám ảnh cuả nhân vật Hồng Sơn trong vở "Không gục ngã" của đạo diễn TS - NSƯT Bùi Như Lai

Hành trình "cảm hóa" trong vở không chỉ là hành động phá án. Nó là hành trình đạo đức và cảm xúc, nơi Hồng Sơn không chỉ vạch mặt kẻ phản bội – Đào Nguyên Phóng – một chiến sĩ biến chất, mà còn làm lay động trái tim Lã Bạch Vân – nữ Chủ tịch tập đoàn tội phạm, để cô lựa chọn quay đầu, phối hợp phá án. Cuối cùng, như một tiếng vọng của nhan đề vở diễn, không một ai phải gục ngã, vì ngay cả những kẻ từng bước lệch khỏi lằn ranh đúng sai vẫn còn cơ hội để chọn lại. Sức mạnh của "Không gục ngã" mà TS Nguyễn Đăng Chương đã viết chính là ở đó – một bản anh hùng ca không đơn sắc mà đa chiều, nhân văn mà vẫn rất hiện thực.

Dấu ấn dân ca xứ Nghệ "Không gục ngã" của NSƯT Bùi Như Lai   - Ảnh 5.

Các diễn viên tham gia vở "Không gục ngã" của đạo diễn TS - NSƯT Bùi Như Lai

Sự chọn lựa thể loại kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh cũng góp phần tạo nên cá tính đặc biệt cho vở diễn, khơi dậy mạch cảm xúc sâu lắng, gắn với cội nguồn văn hóa xứ Nghệ – vùng đất nổi tiếng kiên cường, giàu lòng trung nghĩa. Tác phẩm là minh chứng rõ ràng cho khả năng chuyển tải đề tài chính luận – vốn khô khan – bằng một ngôn ngữ sân khấu giàu cảm xúc, nhiều tầng nghĩa. Thành công này đến từ sự cộng hưởng của một ê-kíp giàu kinh nghiệm, nhạy bén nghệ thuật và có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Dàn dựng vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh TS NSƯT Bùi Như Lai đã khai thác đề tài người chiến sĩ công an nhân dân như minh chứng rõ nét cho khả năng kết hợp hài hòa giữa chủ đề chính luận và chất liệu dân gian trong nghệ thuật sân khấu đương đại. Ở đó, anh xây dựng Vấn đề quan trọng là đặt đúng bài ca, đúng tâm trạng, tôn vinh hình tượng người chiến sĩ không khô cứng như khuôn mẫu tuyên truyền, mà hiện lên gần gũi, giàu cảm xúc và có chiều sâu nhân văn. Từ những tình tiết đời thường đến những giằng xé nội tâm trong khi thi hành nhiệm vụ, nhân vật được khắc họa sinh động qua làn điệu ví, giặm mượt mà, đằm thắm – đặc sản âm nhạc của xứ Nghệ.
Dấu ấn dân ca xứ Nghệ "Không gục ngã" của NSƯT Bùi Như Lai   - Ảnh 6.

Đông khán giả tặng hoa chúc mừng các diễn viên tham gia vở "Không gục ngã" của đạo diễn TS - NSƯT Bùi Như Lai



Điều đáng quý là dù khai thác đề tài chính trị - xã hội, vở diễn vẫn giữ được sự dung dị, không áp đặt, mà lay động lòng người bằng sự chân thành, mộc mạc. Nhất là dàn diễn viên gồm: Duy Thanh (Hồng Sơn), NSƯT Thủy Kiên (bà Liễu), NSƯT Thành Vinh (vai bà Thái), NSƯT Đức Lam (vai Phương), NS Việt Anh (vai Bạch Vân), NSƯT Minh Thông (vai Phóng), NSƯT Minh Thành (vai Thanh Lam)...đã ca diễn quá ngọt ngào. Chính sự mượt mà trong làn điệu, đằm thắm trong cảm xúc và nhuần nhị trong dàn dựng đã giúp vở kịch trở thành một tác phẩm nghệ thuật vừa có giá trị tư tưởng, vừa có giá trị thẩm mỹ, góp phần làm phong phú thêm diện mạo sân khấu địa phương mang đậm bản sắc vùng miền.