Dấu mốc nhận thức và hành động

Hiệp ước mới của Tổ chức Y tế thế giới được khởi xướng và kiến tạo dựa trên cơ sở những bài học đã có thể rút ra được từ đại dịch COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá việc các thành viên vừa nhất trí được với nhau về nội dung dự thảo hiệp ước phòng ngừa và ứng phó đại dịch trên thế giới có ý nghĩa lịch sử. Là kết quả của các cuộc thương thảo trong suốt 3 năm qua, dự thảo sẽ được đệ trình lên Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 78 vào tháng 5 để xem xét lần cuối. Hiệp ước sẽ có hiệu lực chính thức sau khi được ít nhất 60 thành viên WHO phê chuẩn.

Thành quả mới này của WHO có ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng đặc biệt như thế nào đối với nhân loại trên thế giới nói chung và đối với chính WHO nói riêng thể hiện rất rõ và cụ thể ở 2 phương diện. Thứ nhất, đến nay đã 5 năm trôi qua kể từ đại dịch COVID-19 và con người trên trái đất vẫn chưa thể nguôi ngoai được hết những ám ảnh nặng nề bởi mức độ tàn phá, tác oai tác quái của đại dịch này. 

Ở thời ấy, WHO và tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều bị bất ngờ bởi sự bùng phát của đại dịch, đều bị động đối phó, đều bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc bị tổn hại nặng nề, đều bộc lộ chủ quan, yếu kém và bất cập trong phòng ngừa và ứng phó. Hiệp ước mới của WHO được khởi xướng và kiến tạo dựa trên cơ sở những bài học đã có thể rút ra được từ đại dịch.

Thứ hai, ngay trong những ngày đầu tiên sau khi trở lại cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi WHO. Mỹ là thành viên đóng góp nhiều tài chính cho hoạt động của WHO và tổ chức này gặp khó khăn thực sự với quyết định trên. Vì thế, sự ra đời của dự thảo hiệp ước này đã khích lệ, có tác động chính trị và tâm lý rất to lớn tới WHO và các thành viên.

Các quan chức hàng đầu của Tổ chức Y thế thế giới thể hiện sự vui mừng sau khi dự thảo hiệp ước phòng ngừa và ứng phó đại dịch được nhất trí hôm 16-4. Ảnh: X/ Tedros Adhanom Ghebreyesus

Các quan chức hàng đầu của Tổ chức Y thế thế giới thể hiện sự vui mừng sau khi dự thảo hiệp ước phòng ngừa và ứng phó đại dịch được nhất trí hôm 16-4. Ảnh: X/ Tedros Adhanom Ghebreyesus

Mục đích mà các thành viên của WHO nhắm đến với hiệp ước mới này là ngăn ngừa đại dịch bùng phát và ứng phó kịp thời hơn, hiệu quả hơn đại dịch trong trường hợp nó bùng phát, tức là chủ động chứ không bị động ứng phó, tức là luôn với tâm thế và trong tư thế sẵn sàng làm chủ tình hình và xử lý được mọi tình huống trong mọi diễn biến liên quan đến đại dịch. 

Cách tiếp cận về cơ bản là đại dịch không dừng bước lây lan ở biên giới quốc gia mà hoành hành trên khắp thế giới, là vấn nạn toàn cầu thực sự. Vì thế, để thật sự ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả đại dịch, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phải luôn đồng thuận về quan điểm và phối hợp hành động với nhau.

Những mảng nội dung chính của dự thảo hiệp ước phản ánh mục đích và cách tiếp cận nói trên. Hiệp ước nêu bật tầm quan trọng của việc ngăn ngừa dịch bệnh, của việc phát hiện sớm mầm mống dịch bệnh và trao đổi thông tin liên quan đến dịch bệnh giữa các thành viên của WHO. Các thành viên cam kết trong hiệp ước này bảo đảm sự công bằng về tiếp cận nguồn cung ứng và sử dụng các loại thuốc men, biệt dược, vắc-xin và thiết bị y tế cần thiết cho việc phòng ngừa và ứng phó đại dịch. Đấy là một trong những bài học đắt giá rút ra được từ đại dịch COVID-19.

Hiệp ước quy định các thành viên của WHO cùng huy động và tận dụng những nguồn lực có được, chuyển giao công nghệ cho nhau để hợp tác nghiên cứu và phát triển vắc-xin, thuốc men và thiết bị y tế cần thiết cho công cuộc phòng ngừa và ứng phó đại dịch. Cho nên có thể nói sự ra đời của hiệp ước này là dấu mốc quan trọng về chuyển biến trong nhận thức và hành động của WHO và các thành viên.