Lãi suất cho vay tín chấp nên vượt trần
Với cơ chế lãi suất cho vay trần, các ngân hàng sẽ không đẩy mạnh cho vay tín chấp vì các khoản vay này chi phí quá cao
Hiện nay, phần lớn các ngân hàng (NH) cho vay sản xuất kinh doanh đều dưới lãi suất trần, phổ biến từ 12%-14%/năm, điều đó cho thấy phương thức vay theo hướng lãi suất thỏa thuận có chăng chỉ là các khoản cho vay tín chấp, lãi suất được chốt ở mức 15%/năm. Theo các NH, cho vay tín chấp rủi ro rất cao, chẳng hạn như cho vay du học, mua sắm vật dụng gia đình. Trường hợp người vay gặp rủi ro, thu nhập sụt giảm hoặc mất khả năng trả góp hằng tháng, đồng nghĩa NH đối mặt rủi ro.Một trong những kênh cho vay tín chấp khác là thẻ tín dụng Visa, Master Card... Thông thường, các NH đã phát hành thẻ tín dụng căn cứ vào uy tín, mức lương của khách hàng để cấp hạn mức cho vay từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng nhằm kích thích chủ thẻ mua sắm hàng hóa. Ngoài lãi suất, mức phí vay vốn qua việc dùng thẻ ATM rút tiền mặt từ 2% - 3% số tiền là khá cao nhưng chủ thẻ tín dụng sẵn sàng chấp nhận vì hầu hết họ có thu nhập cao, thường có nhu cầu chi tiêu đột xuất. Như vậy, nếu so sánh người vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà có tài sản thế chấp với người vay vốn tín chấp, cả hai đối tượng đều phải vay với lãi suất 15%/năm là chưa hợp lý.
Để bảo đảm chi phí kinh doanh, phần lớn các NH áp lãi suất cho vay trần đối với người vay tiêu dùng có tài sản thế chấp. Trường hợp rủi ro, nếu có, NH phát mãi tài sản mà người vay thế chấp, thu hồi nợ. Nhưng đối với khoản vay tiêu dùng tín chấp, khi người vay mất khả năng trả nợ, khoản vay sẽ trở thành nợ xấu. NH rất khó thu hồi nợ, đồng thời phải trích lập rủi ro, làm tăng chi phí kinh doanh. Vì thế, lãi suất cho vay tín chấp nên vượt trần để NH bù đắp chi phí.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng thời điểm này, lãi suất cơ bản là để định hướng thị trường, không phải là cơ sở để ấn định mức lãi suất cho tất cả các khoản vay có độ rủi ro khác nhau. Với cơ chế lãi suất cho vay trần, các NH sẽ không đẩy mạnh cho vay tín chấp vì các khoản vay này chi phí quá cao. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, giả sử lãi suất cho vay tín chấp được phép vượt trần, các NH sẽ không dám áp dụng lãi suất cho vay cao hơn nhiều lần so với lãi suất trần vì sẽ có ít người vay. Trong khi thị trường vẫn có nhu cầu vay tín chấp và là một trong những đầu ra của NH trong bối cảnh thừa vốn, các NH sẽ đưa ra lãi suất hợp lý để người vay có thể chấp nhận.