Tăng thuế nhập khẩu vàng: Lợi bất cập hại
Hiện nay ở các nước, thuế nhập khẩu vàng bằng 0, ở nước ta là 0,5%. Mức thuế này theo những người kinh doanh vàng là hợp lý
Hiệp hội Đầu tư tài chính VAFI vừa kiến nghị tăng thuế nhập khẩu vàng lên 10%-20% với lý do chống nhập siêu và ngừng cho mở sàn giao dịch vàng để chống đầu cơ. Tuy nhiên, đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi, vì trái với thông lệ thị trường. Vấn đề đặt ra là cần có văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của sàn, trung tâm giao dịch vàng.
Không thể tăng thuế nhập khẩu
Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA), hiện vàng trong nước mới chỉ sản xuất được vài tấn/năm, vàng giao dịch trên thị trường chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Hiện mỗi năm, VN nhập khẩu 50-70 tấn vàng, chi phí ước tính 6-7 tỉ USD/năm. Vì vậy, nhập khẩu vàng đang được coi là một trong những “thủ phạm” gây nhập siêu. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ thị trường, ông Bảng cho rằng để mức thuế thấp mới khuyến khích được nhập khẩu bằng con đường chính ngạch. Quản lý nhập siêu, đã có hạn ngạch. Quan trọng hơn, thuế hợp lý mới có giá bán hợp lý để thị trường chấp nhận. Thí dụ, hiện tại giá vàng hơn 17 triệu đồng/lượng, nếu tăng thuế lên 20% thì giá bán phải là hơn 20,5 triệu đồng/lượng, quá chênh lệch so với giá vàng thế giới.
Trước đây, có thời kỳ VN đánh thuế nhập khẩu vàng 3%-5% khiến vàng nhập khẩu lậu tăng cao, USD chảy ra biên giới không kiểm soát được, gây những cơn nóng-lạnh thị trường. Hiện nay, các nước đều giữ thuế nhập khẩu vàng bằng 0, nhưng VN đang áp dụng mức thuế 0,5%. Điều này khiến giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức thuế hiện hành 0,5% theo ông Bảng là hợp lý, vì phần nào giúp kiểm soát được giá cả thương mại và nhu cầu ngoại tệ. Vấn đề là cần quản lý giao dịch vàng, qua các sàn giao dịch theo tiêu chuẩn quốc gia để hạn chế đầu cơ và tránh rủi ro cho nhà đầu tư.
Quy chế cho sàn vàng
Ông Lưu Quang Điền, Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý SJC Hà Nội, nhận định sàn giao dịch vàng sẽ rất tiềm năng vì kinh doanh vàng vật chất vừa không an toàn vừa cần vốn lớn. Trong khi đó, sàn giao dịch vàng là kinh doanh ảo, an toàn, tiện lợi, biên độ giao dịch vàng lại khá thoải mái. Thông qua hoạt động giao dịch, cơ quan chức năng có thể biết được khối lượng vàng giao dịch và nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này, lấy đó làm cơ sở cho việc điều hành xuất nhập khẩu và chính sách tiền tệ. Các nhà đầu tư muốn tham gia chỉ cần bảo đảm đủ điều kiện khi mở tài khoản với số vốn cố định ban đầu.
Theo các chuyên gia, thành lập nhiều sàn giao dịch vàng sẽ hình thành một thị trường có tổ chức, giá mua bán công khai. Mô hình sàn giao dịch vàng của các doanh nghiệp hiện nay là vừa kinh doanh vàng vừa làm dịch vụ là thiếu khách quan. Hiện đang có nhiều doanh nghiệp tiến hành thủ tục thành lập sàn giao dịch vàng. Thế nhưng, quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các sàn giao dịch vàng chưa rõ ràng. VGTA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra khung pháp lý áp dụng cho các sàn và trung tâm giao dịch vàng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Cần mở rộng sàn giao dịch vàng Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Văn phòng đại diện Ngân hàng Billipe Bank (Thụy Sĩ) tại Việt Nam, sàn giao dịch vàng của các quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản mang tính độc lập. Nhà tổ chức sàn vàng chỉ cung cấp dịch vụ, không mua bán trực tiếp với các nhà đầu tư. Riêng sàn giao dịch vàng Thượng Hải có sự tham gia điều hành của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Tại Việt Nam, việc mở rộng sàn giao dịch vàng là cần thiết. Nhà đầu tư có nhiều lựa chọn môi trường đầu tư. Tuy nhiên, Nhà nước cần ban hành quy chế mua bán vàng trên sàn, để có cơ sở phân định khi gặp những trục trặc trong giao dịch. Trường hợp các nhà sáng lập sàn vàng mua bán trực tiếp với nhà đầu tư thì phải công khai lệnh mua bán của mình trên bảng điện tử, thể hiện tính khách quan. T.T |