Đẩy nhanh đường kết nối Bình Thuận - Lâm Đồng
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B nối liền Bình Thuận và Lâm Đồng, có ý nghĩa chiến lược trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của cả khu vực
Tuyến Quốc lộ 28B dài 69 km được các đơn vị thi công đánh giá là tuyến đường có địa hình thi công phức tạp, thời tiết diễn biến thất thường và công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều thách thức trong thi công
Trong đó, đoạn tuyến qua đèo Đại Ninh có địa hình phức tạp nhất. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu, nhiều đường cong bán kính nhỏ và dốc dọc lớn khiến việc thi công mở rộng mặt đường, cải tạo các đường cong, cải thiện dốc dọc... gặp nhiều khó khăn do vừa phải thi công vừa phải bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.
Có mặt trên công trường, chúng tôi ghi nhận tại Km 44 + 936, thuộc gói thầu XD02, để mở rộng nền mặt đường, các kỹ sư đã phải thi công cầu cạn dài 183 m, cao 23 m, mặt rộng đến 11 m để bảo đảm an toàn cho xe lên xuống dốc. "Tại đoạn cầu cạn này, chúng tôi thi công bằng phương pháp đúc trụ, mở rộng đường. Việc thi công khó khăn do địa hình phức tạp, việc bảo đảm an toàn là yếu tố hàng đầu" - đại diện gói thầu XD02 nói.
Để mở rộng nền mặt đường ở đoạn này, đơn vị thi công còn phải sử dụng giải pháp đào sâu vào phần chân núi, xây tường chắn bê-tông cốt thép.
Ở gói thầu XD01, bên cạnh khó khăn về địa hình thì vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng. Do việc mở rộng quốc lộ này phải xin điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, làm chậm tiến độ công trình. Ngoài ra, mặt bằng địa phương bàn giao chậm, đặc biệt là tại gói thầu XD01, kèm với việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật nên công tác triển khai của nhà thầu thi công chưa đồng bộ. "Toàn bộ khối lượng đất đắp nằm trong phạm vi đất rừng cần chuyển đổi. Tuy nhiên, đến nay do chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, nên đang bị thiếu nguồn đất nghiêm trọng" - đại diện chủ đầu tư cho biết.
Mặt khác, hiện nay tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đưa vào vận hành, khai thác kết nối với tuyến Quốc lộ 28B. Từ đây, nhiều phương tiện từ TP HCM và các tỉnh phía Nam di chuyển lên Lâm Đồng và ngược lại qua Quốc lộ 28B rất lớn. Điều này cũng làm chậm tiến độ thi công dự án vì phải căng sức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường.

Thi công cầu cạn để mở rộng nền mặt đường Quốc lộ 28B
Cam kết mạnh mẽ từ nhiều phía
Dự án cải tạo, nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 28B chia làm 2 gói thầu là XD01 (từ Km00 - Km42) và gói thầu XD02 (từ Km42 - Km69) do Ban Quản lý dự án 5 - Cục Đường bộ Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư.
Đến nay, gói thầu XD01 chỉ mới đạt 13% khối lượng trong khi thời gian thi công ấn định là đến tháng 5-2026. Còn gói thầu XD02 cũng chỉ mới đạt 29% khối lượng và thời gian ấn định hoàn thành là ngày 15-10-2025.
Chính vì điều này nên các đơn vị thi công trên cả 2 gói thầu đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Hiện tổng cộng gần 400 kỹ sư, công nhân cùng gần 150 phương tiện máy móc, thiết bị đã được các nhà thầu huy động tổng lực triển khai dự án.
Theo đại diện chủ đầu tư, nếu bài toán giải phóng mặt bằng và đất đắp nền được giải quyết kịp thời, đúng hạn thì công trình giao thông kết nối Lâm Đồng - Bình Thuận này sẽ về đích ngay trước Tết âm lịch năm nay, vượt tiến độ khoảng 4 tháng.
Để hỗ trợ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đầu năm 2025, HĐND tỉnh Bình Thuận đã có Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về thông qua điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Quốc lộ 28B. Hiện các đơn vị thi công đang chờ UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định để sớm bàn giao mặt bằng đất rừng cho dự án trước ngày 30-4-2025 để đẩy nhanh tiến độ thi công trước khi mùa mưa đến.
Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan cũng cam kết nỗ lực tối đa để dự án hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Rút ngắn thời gian di chuyển
Quốc lộ 28B là tuyến đường ngắn nhất kết nối hai trung tâm du lịch lớn của khu vực là TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP Phan Thiết (Bình Thuận). Dự án cải tạo, nâng cấp có tổng vốn đầu tư 1.435 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuyến đường này bắt đầu từ điểm giao với Quốc lộ 1 tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận và kết thúc tại ngã ba Tà Hine, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho 2 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận. Tuyến đường này cũng rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Đà Lạt nhờ vào sự kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thông qua điểm kết nối tại Bình Thuận.
