ĐBSCL tăng tốc thu hút vốn đầu tư

Các chuyên gia và lãnh đạo địa phương tại ĐBSCL đề xuất nhiều giải pháp như: cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực...

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm từ Long An cho thấy việc chú trọng chăm sóc nhà đầu tư và giải quyết kịp thời khó khăn của doanh nghiệp (DN) là yếu tố then chốt để địa phương thu hút, giữ chân nhà đầu tư.

Vốn đầu tư còn thấp

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh ĐBSCL (VCCI ĐBSCL), cho biết có 3 nguồn vốn chính đầu tư vào ĐBSCL là vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

"Những năm gần đây, Chính phủ dồn sức ưu tiên và tạo điều kiện cho miền Tây phát triển, từ Nghị quyết 120 năm 2017 đến Quy hoạch tích hợp ĐBSCL. Điều này thể hiện rõ qua việc đầu tư hạ tầng giao thông - vốn mà Chính phủ đầu tư cho ĐBSCL năm 2020 khoảng 65.121 tỉ thì đến năm 2023 đã tăng lên tới hơn 80.000 tỉ đồng" - ông Lam dẫn chứng.

Lãnh đạo tỉnh Long An nhiều lần đến Nhật Bản kêu gọi doanh nghiệp nước này đầu tư vào địa phương Ảnh: TÂM QUÂN

Lãnh đạo tỉnh Long An nhiều lần đến Nhật Bản kêu gọi doanh nghiệp nước này đầu tư vào địa phương .Ảnh: TÂM QUÂN

Tuy nhiên, vốn đầu tư toàn xã hội cho ĐBSCL trong 10 năm qua thì "giữ mãi không lên". Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho ĐBSCL giai đoạn 2014-2023 chỉ chiếm khoảng 11% so với cả nước. Tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn này chậm, trong khi vốn đầu tư toàn xã hội bình quân chung cả nước tăng 6,9% thì ĐBSCL chỉ ở mức 6%.

Theo ông Lam, cũng với nguồn vốn này mà có tỉnh một năm được đầu tư bình quân 35.000 tỉ đồng, trong khi tỉnh khác chỉ 12.000 tỉ đồng - gấp gần 3 lần giữa các địa phương trong vùng và giữa các địa phương có điều kiện tương đồng. Việc này cũng khiến các địa phương ĐBSCL phát triển không đồng đều, dẫn đến cả vùng phát triển chậm theo.

Về thu hút vốn FDI, tính lũy kế đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 22.063 dự án với tổng vốn đầu tư 35,6 tỉ USD - chiếm khoảng 7% cả nước. Nếu không tính những dự án mang tính đột phá như điện gió, nhiệt điện thì vốn FDI ở ĐBSCL chỉ chiếm 5% cả nước.

Hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ góp phần giúp ĐBSCL thu hút nguồn vốn đầu tư Ảnh: CA LINH

Hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ góp phần giúp ĐBSCL thu hút nguồn vốn đầu tư .Ảnh: CA LINH

Riêng vốn tư nhân - được đo lường và đánh giá từ việc DN đăng ký hoạt động, năm 2023, ĐBSCL có 15.043 DN thành lập mới và 14.800 DN rời bỏ thị trường. Như vậy, năm 2023, vùng này chỉ có thêm 190 DN tham gia thị trường, trong khi những năm trước đây khoảng 1.000-1.200 DN.

"Suốt 5 năm qua, chúng tôi ghi nhận bình quân mỗi năm, cả vùng với 13 tỉnh, thành và 18 triệu dân nhưng có chưa đến 1.500 DN bổ sung nguồn vốn, nguồn lực vào xã hội. So với các vùng khác thì con số này cực kỳ thấp" - Giám đốc VCCI ĐBSCL nhấn mạnh.

Điểm sáng Long An

Theo VCCI ĐBSCL, giai đoạn 2014-2023, Long An là địa phương có cơ hội tốt nhất vùng trong việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn FDI, kế đến là tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang. Những địa phương còn lại có nhiều hạn chế, tỉ lệ bình quân thu hút các nguồn vốn dưới 10%.

Với FDI, Long An chiếm 70% số dự án và 38% vốn của cả vùng. Nguồn lực khu vực tư nhân ở tỉnh này năm 2023 đạt hơn 18.700 tỉ đồng, cao gấp 3,3 lần so với địa phương thấp nhất vùng là An Giang - 5.681 tỉ đồng.

Ông Trần Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Long An, cho rằng sở dĩ địa phương thu hút 2 nguồn vốn nêu trên hiệu quả là nhờ làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đầu tư nguồn nhân lực. Long An còn thường xuyên đối thoại, giải quyết những khó khăn, bức xúc của DN; kịp thời chăm sóc nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc…

"Địa phương chú trọng chăm sóc, giải quyết những vấn đề khó khăn của DN. Chính điều đó đã tạo niềm tin để họ đến đầu tư tại Long An. Ngoài việc xúc tiến đầu tư ở nước ngoài thì chuyện chăm sóc DN, nhà đầu tư tại chỗ là một trong những vấn đề cần ưu tiên hàng đầu" - ông Tươi nêu kinh nghiệm.

Theo ông Võ Công Khanh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Hậu Giang, để thu hút các nguồn vốn đầu tư, địa phương cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đầu tiên, phải cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục thông thoáng, thông tin minh bạch. Kế đến, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng các ngành kinh tế như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế biến sâu...

Ngoài ra, ông Khanh cho rằng để gia tăng nguồn vốn từ DN thì phải tăng số lượng DN tham gia thị trường. Địa phương cần khuyến khích phong trào khởi nghiệp, hỗ trợ vốn cho DN khởi nghiệp cũng như DN nhỏ và vừa.

Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ, nhìn nhận muốn thu hút đầu tư, ĐBSCL phải hoàn thiện hạ tầng, không chỉ hạ tầng giao thông mà còn cả hạ tầng xã hội.

"Hiện nay, việc giảm thuế, miễn thuế không còn hấp dẫn nhà đầu tư nhiều như trước nữa. Điều mà họ cần là thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh và minh bạch" - ông Tín nhận định 

Nhiều động lực tăng trưởng mới

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, báo cáo "Kinh tế thường niên ĐBSCL" (do VCCI phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện) các năm qua cho thấy việc thiếu đầu tư và đầu tư kém hiệu quả là nguyên nhân then chốt khiến miền Tây chậm phát triển so với các vùng khác.

Những lĩnh vực giúp ĐBSCL có động lực tăng trưởng mới gồm: phát triển khu công nghiệp hiện đại với hạ tầng đồng bộ - đòn bẩy quan trọng thu hút vốn FDI; phát triển ngành logistics với lợi thế về vị trí địa lý và hệ thống sông ngòi dày đặc - sẽ kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu.

Ngoài ra, việc phát triển mạnh năng lượng sạch, nhất là điện gió và điện mặt trời, ở ĐBSCL là phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Trong khi đó, kinh tế số sẽ là chìa khóa giúp vùng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và tạo ra những cách thức kinh doanh sáng tạo.

ĐBSCL tăng tốc thu hút vốn đầu tư- Ảnh 3.