Đề nghị đưa “Lễ hội Yến sào Khánh Hòa” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(NLĐO)- UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa "Lễ hội Yến sào Khánh Hòa" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa Lễ hội Yến sào Khánh Hòa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, Lễ hội này của cộng đồng cư dân các phường: Vĩnh Nguyên, Phước Hải, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Phước Long, Phương Sơn, Phương Sài và các xã: Phước Đồng, Vĩnh Lương (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Lễ hội Yến sào Khánh Hòa có thể xem là kho tàng quý giá, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh những tiềm năng từ Yến sào Khánh Hòa mang lại thì việc bảo tồn và phát huy Lễ hội Yến sào mang đậm nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ.

Với những giá trị nổi bật nêu trên, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến Sào Khánh Hòa phối hợp tổ chức kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể: "Lễ hội Yến sào Khánh Hòa".

Đến nay, hồ sơ đã hoàn thành theo đúng quy định, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa "Lễ hội Yến sào Khánh Hòa" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đề nghị đưa “Lễ hội Yến sào Khánh Hòa” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 1.

Nghi thức cúng tế nhằm tôn vinh và tri ân Thủy tổ, Thánh Mẫu và các vị tiền bối ngành nghề yến sào, tại Đảo Yến Hòn Nội

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, từ trước thế kỷ XVII, nghề khai thác yến sào tại Khánh Hòa đã được cư dân địa phương thu hoạch tổ yến từ các hang động trên các đảo ven biển. Trong thời kỳ này, đã có những nghi thức sơ khai mang tính tín ngưỡng để cầu mong sự che chở từ thần linh khi khai thác yến.

Đến thế kỷ XVII - XIX, nghề khai thác yến sào được triều đình nhà Nguyễn quan tâm và quản lý chặt chẽ. Trong giai đoạn này, việc cúng tổ nghề và thần linh bảo hộ nghề yến sào trở thành một truyền thống quan trọng. Miếu thờ tổ nghề yến sào bắt đầu được xây dựng tại các đảo yến và đất liền ở Nha Trang.

Sang thế kỷ XX cho đến trước năm 1975, Lễ hội Yến sào trở thành một phong tục truyền thống, gắn liền với đời sống của người làm nghề yến sào ở Khánh Hòa. Các nghi thức cúng bái trở nên phong phú hơn, bao gồm lễ tế tổ nghề, cúng thần linh bảo hộ nghề khai thác yến và cầu cho mùa khai thác thuận lợi. Chính quyền địa phương và các tổ chức nghề yến đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn lễ hội.


Đề nghị đưa “Lễ hội Yến sào Khánh Hòa” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 2.

Miếu thờ tổ

Lễ hội Yến sào Khánh Hòa đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ tín ngưỡng sơ khai của cộng đồng cư dân các phường: Vĩnh Nguyên, Phước Hải, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Phước Long, Phương Sơn, Phương Sài và các xã: Phước Đồng, Vĩnh Lương (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đến nay đã trở thành một lễ hội quan trọng của địa phương. Việc duy trì lễ hội này không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn giúp bảo tồn văn hóa truyền thống của tỉnh Khánh Hòa.

Hiện nay, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa đang tiếp quản và duy trì việc tổ chức Lễ hội Yến sào Khánh Hòa. Ngoài các nghi lễ truyền thống trên các đảo yến và miếu thờ tổ nghề, lễ hội còn được tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Lễ hội Yến sào Khánh Hòa còn được tổ chức như một sự kiện văn hóa, quảng bá thương hiệu yến sào Khánh Hòa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách thập phương.

Đề nghị đưa “Lễ hội Yến sào Khánh Hòa” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 3.

Kế nghiệp Thủy tổ là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang hậu duệ đời thứ 21 của Thủy tổ Lê văn Đạt cùng con gái Lê Thị Huyền Trâm - Đại đô đốc Thủy quân Tây Sơn - đảm nhiệm sứ mệnh bảo vệ, phát triển các đảo yến.

Lễ hội Yến sào Khánh Hòa có thể xem là kho tàng quý giá, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những tiềm năng từ yến sào Khánh Hòa mang lại thì việc bảo tồn và phát huy Lễ hội Yến sào mang đậm nét văn hóa truyền thống cần được bảo lưu, gìn giữ.

Trước đó, tháng 12-2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội  có quyết định công bố đưa Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Tri thức khai thác và chế biến Yến sào Khánh Hòa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc công nhận này khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế quan trọng của nghề yến sào đối với Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các thế hệ tiếp tục bảo tồn, phát huy di sản này.

Đây cũng là tiền đề để Khánh Hòa xây dựng hồ sơ công nhận Lễ hội Yến sào Khánh Hòa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.