Đề xuất người nghiên cứu khoa học không phải bồi thường khi dự án không thành công
(NLĐO)- Sáng 6-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình Quốc hội khoá XV Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng, mãnh liệt, đặc biệt là làn sóng của Cách mạng công nghệ 4.0 mà trong đó chuyển đổi số là cốt lõi đòi hỏi các quy định của pháp luật phải được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự thảo Luật gồm 6 nhóm chính sách chính: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ; Thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, phát triển thị trường khoa học, công nghệ; Tăng cường phổ biến tri thức khoa học, công nghệ; Hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã đề xuất các quy định về giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu.
Theo đó, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. "Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, mặc dù rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu. Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.
Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.
Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.