Đề xuất phân chia nguồn thu ngân sách, Hà Nội, TP HCM được giữ lại bao nhiêu?

(NLĐO)- Đối với các khoản thu phân chia và tỉ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, dự thảo luật đã đưa ra 2 phương án để xem xét.

Chiều 14-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, một nội dung quan trọng trong dự luật lần này là thay đổi căn bản cách phân chia các khoản thu ngân sách giữa Trung ương và địa phương. Cụ thể là các khoản thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.

Dự luật cũng đề xuất thay đổi cách tính tỉ lệ phân chia nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó bao gồm cả thuế VAT hàng nhập khẩu. Sau khi trừ đi phần hoàn thuế, ngân sách trung ương sẽ được phân chia 70%, còn ngân sách địa phương nhận 30%. Phần 30% của địa phương sẽ được phân bổ theo các tiêu chí như dân số, diện tích và các yếu tố đặc thù khác.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất thay đổi cách phân chia nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Thay vì để địa phương hưởng toàn bộ như hiện nay, dự luật quy định địa phương không tự cân đối được ngân sách sẽ chỉ được hưởng 70%.

Đối với các khoản thu phân chia và tỉ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, dự thảo luật đã đưa ra 2 phương án.

Phương án 1, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 70% số thu trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM; 25% số thu trên địa bàn TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Đồng Nai; 20% đối với các địa phương còn lại. Ngân sách từng địa phương hưởng tương ứng tỉ lệ phân chia phần còn lại;

Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ khoản hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 80% số thu trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM; 60% số thu trên địa bàn TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Đồng Nai; 50% đối với các địa phương còn lại. Ngân sách từng địa phương hưởng tương ứng tỉ lệ phân chia phần còn lại.

Thuế bảo vệ môi trường thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 80%, ngân sách địa phương hưởng 20% số thu trên địa bàn. Thuế giá trị gia tăng (không bao gồm số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng) thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 70%, ngân sách các địa phương hưởng 30%. Việc phân chia cho từng địa phương trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí trong từng giai đoạn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%;

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền của trung ương cấp phép thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 70%, ngân sách địa phương hưởng 30%.

Phương án 2, Chính phủ xây dựng phương án tỉ lệ cụ thể phân chia từng khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tỉ lệ được ổn định lâu dài để chủ động ngân sách địa phương, trình Quốc hội quyết định.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết cơ bản Ủy ban nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Theo ông Phan Văn Mãi, đa số ý kiến nhận thấy việc thực hiện phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương có ảnh hưởng lớn tới nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là quy định mới, cần có thời gian đánh giá mức độ phù hợp, khả thi, hiệu quả trong thực tế. Vì vậy, nhất trí với phương án Chính phủ trình, chỉ quy định việc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương. Giao HĐND cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương.

Về tỉ lệ phân chia, để bảo đảm việc linh hoạt trong điều chỉnh tỉ lệ phân chia giữa các nguồn thu phân chia trong trường hợp có biến động lớn hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi ngân sách Nhà nước giữa các địa phương, không phải trình Quốc hội sửa Luật, đa số ý kiến nhất trí với phương án 2 trong dự thảo Luật, theo đó chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia. Giao Chính phủ xây dựng phương án về tỉ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.