Đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông lên 3 năm

(NLĐO) - Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông đường bộ lên 3 năm thay vì 1 năm.

Tại Phiên họp thứ 44 sáng 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày, trong đó đề xuất đáng chú ý là tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 1 năm lên 3 năm.

Đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông lên 3 năm - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, dự thảo sửa đổi 64/143 điều của Luật hiện hành, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khắc phục bất cập trong xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung quan trọng là tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, an ninh trật tự, giao thông đường bộ, an toàn thông tin mạng... để nâng cao tính răn đe.

Về thời hiệu xử phạt, Bộ Tư pháp đề xuất kéo dài thời hiệu xử lý các vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến lên 6 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, nhưng không vượt quá 3 năm kể từ khi hành vi vi phạm kết thúc hoặc bị phát hiện.

Đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông lên 3 năm - Ảnh 2.

Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày dự thảo tờ trình

Đặc biệt, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đề xuất tăng từ 1 năm lên 3 năm. Lý do là tình trạng vi phạm giao thông vẫn phổ biến, một số đối tượng lợi dụng "kẽ hở" về chu kỳ kiểm định và thời hiệu xử phạt để trốn tránh trách nhiệm. Việc kéo dài thời hiệu được kỳ vọng sẽ bảo đảm xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời thống nhất với các lĩnh vực quản lý nhà nước khác.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị không sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tăng từ 1 năm lên 3 năm. Lí do, vi phạm hành chính cần được xử lý kịp thời để nhanh chóng lập lại trật tự quản lý hành chính bị xâm phạm, đồng thời răn đe và giáo dục người vi phạm cũng như cộng đồng. Việc tăng thời hiệu có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong phát hiện, xử lý.

Đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông lên 3 năm - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật và thực tế hiện nay, trong trường hợp xảy ra vi phạm hành chính, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt do biển số xe đã được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, đề nghị giữ nguyên thời hiệu xử phạt vi phạm hiện hành với vi phạm trong tố tụng và trật tự, an toàn giao thông đường bộ như hiện hành, thay vì tăng thời hiệu từ 6 tháng lên 3 năm với vi phạm trong tố tụng; từ 1 năm lên 3 năm với vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

"Thời hiệu xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ 1 năm là hợp lý, nâng lên 3 năm là quá dài"- bà Nga nói.

Đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông lên 3 năm - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị việc sửa đổi luật lần này chỉ tập trung vào những vấn đề cấp bách, thật sự cần thiết nhằm phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện chính quyền địa phương hai cấp và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Về thời hiệu xử phạt, UBTVQH tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt đối với các vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về về đề xuất sửa đổi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong lần sau, tức là khi sửa toàn diện.

Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, UBTVQH tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa vi phạm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thuyết minh lý do bổ sung cơ sở xác định mức phạt tối đa trong các lĩnh vực mới.