Đi về phía nắng
Cuối chiều, hơn chục bác thợ xây tận dụng mấy tấm ván cốt pha xếp lại gần nhau, bày biện đĩa mồi và vài ca bia để nhậu, tranh thủ đợi ăn cơm tối.
Xong việc, gã thường trở về lán chứ hiếm khi tham gia vào những cuộc nhậu như thế. Gã đã từng thề độc rằng phần đời còn lại sẽ không đụng vào một giọt bia rượu nào nữa bởi mỗi lần nghĩ đến chuyện cũ, gã không khỏi rùng mình. Gã làm bố năm hai mươi tuổi, khi đang là sinh viên một trường đại học lớn.
Một lần đi dự sinh nhật bạn, gã có làm vài lon bia, để rồi vào nhầm phòng trọ của cô hàng xóm ngay bên phòng mình, say quá chẳng biết gì. Bốn tháng sau, cô gái vác cái bụng lùm lùm đòi cưới. Bố mẹ gã bán mấy con bò, lo tiền cưới hỏi cho đẹp mặt với xóm giềng; dù sao gã cũng nổi tiếng hiền lành, học giỏi, niềm hy vọng đổi đời của cả dòng họ. Với lại, đứa trẻ không có tội. Nhưng cô vợ trẻ không nghĩ như gã, cô bỏ lại đứa con còn đỏ hỏn mà đi biệt tích, ôm luôn cả số vàng và tiền mừng cưới.
Gã thành bố đơn thân. Cũng may mẹ thương gã, nuôi cháu để gã quay lại trường tiếp tục đi học. Đó đến nay mười hai năm, hiếm ai biết gã còn độc thân nhưng có một đứa con trai đang gửi ông bà ở quê nuôi hộ. Gã sợ nhất bia rượu, rồi sợ đàn bà. Cả hai thứ đều khiến người ta mất tỉnh táo dẫn đến những quyết định sai lầm. Ba mươi hai tuổi, có công việc ổn định, quản lý hàng trăm công nhân, giàu có và thành đạt; nhiều cô gái vây quanh nhưng gã vẫn dửng dưng, thực lòng gã chỉ sợ con mình khổ.
Gã buông điếu thuốc đang hút dở, nhìn kỹ cô gái đang ôm túi quần áo đứng trước mặt mình. Trông cô còn trẻ, tầm hai lăm, hai bảy. Đôi mắt đen dưới hàng mi cong vút đượm nét buồn, dáng vẻ cô khá uể oải. Có lẽ vì đi xe một quãng đường xa chưa kịp nghỉ ngơi; vội đến gặp gã luôn để nhận việc. Gã không nói nhiều mà đưa tay chỉ vào đống gạch xe mới đổ lúc sáng, như muốn hỏi: cô nhắm chừng có làm được không?

Minh họa AI: VFA
Cô gái khẽ gật đầu, vội vàng đẩy chiếc xe rùa đến để bốc gạch tiếp ứng cho đám thợ đang cặm cụi xây ở đàng kia. Nửa buổi gã quay ra, đã thấy đống gạch to được cô gái quên cả mệt, bốc đi hết, tiện thể dọn dẹp sạch sẽ những mẩu gạch vụn. À, nhìn uể oải vậy mà khỏe phết, gã nghĩ thầm. Đằng nào thì công trình cũng đang cần phải đẩy nhanh tiến độ, thiếu người phụ hồ. Thôi thì nhận thêm người. Một bác thợ xây cùng quê đã giới thiệu cô với gã từ mấy hôm trước. Cô gái mới đến tên là Thanh, quê miền Trung, nhà chỉ còn mẹ quanh năm đau yếu, và một cậu em trai đang học năm cuối đại học. Cô chỉ học hết mười hai rồi làm lao động chân tay kiếm tiền nuôi em. Người nào mới đến xin việc, gã cũng tìm hiểu kỹ càng, như một thói quen.
Gã nhẩm tính, dãy lán dựng tạm bợ vừa hay chỉ còn một gian cuối cùng đằng kia, ngay cạnh gian của gã, bình thường để máy móc, đồ ăn, nước uống cho anh em. Cho Thanh ở tạm cũng được vì mấy gian của các chị em khác cũng chật chội rồi. Cuối chiều, mấy chị thợ phụ xúm lại mỗi người dọn dẹp một tay, Thanh đã có chỗ ở. Cái quạt lâu nay không dùng để trong góc phòng của gã đã được đẩy sang bên ấy, mua thêm chăn, chiếu màn, một ít đồ cá nhân, nhìn cũng tươm tất phết.
Cơm tối xong, cánh thợ xây cứ ngồi rề rà mãi, đủ thứ chuyện trên đời. Gã xin phép rút về lán nghỉ ngơi để dậy sớm lo công việc. Mùa này thời tiết nắng nóng 39, 40 độ C, ngồi trong máy lạnh còn khó chịu; đám thợ ở ngày trên công trường toàn những tường gạch bụi bặm, xi-măng, sắt thép, cát sỏi khô cháy không một bóng cây. Họ dựng tạm một cái lán bằng những tấm cốt-pha, bắc giàn giáo ngăn lại làm khung, lợp tôn để làm chỗ chui ra chui vô hằng ngày. Là kỹ sư nhưng gã ở luôn với thợ tại công trường cho tiện. Hồi sinh viên, gã ham học ngành xây dựng, sau này mới hiểu cái nghề màn trời chiếu đất, suốt năm canh ngày tháng, dang nắng dầm mưa, da bị nắng táp đen thùi lùi, người hôi vữa; trông già hơn tuổi thực đến năm, sáu tuổi.
Gã ngồi dậy châm lửa đốt thuốc. Biết hút thuốc là có hại nhưng đặc thù công việc, hút lắm thành tật khó bỏ. Gian bên có tiếng nói chuyện thì thầm. Gã nghe loáng thoáng. Cô gái mới đến nhận việc lúc chiều gọi điện cho ai đó, hình như là em trai, hứa là nay mai sẽ xoay xở đủ tiền để em có tiền đóng nốt kỳ học phí của năm cuối đại học.
Lương tháng đầu tiên, gã cố tình đưa thêm cho Thanh mấy tờ năm trăm nghìn, gã nhẩm tính vừa đủ số tiền của một kỳ học phí cho em trai cô. Sợ cô gái chối từ, gã đính chính:
- Coi như tôi cho cô ứng trước, cô làm công trừ dần, đừng ngại.
Thanh cầm tiền, vẻ yên tâm hơn. Thỉnh thoảng đi qua gian của gã, thấy gã cặm cụi bấm bấm, gõ gõ trên máy tính, vẻ mặt căng thẳng thật sự, Thanh không biết làm sao, cô rón rén đặt trước cửa ly nước chanh pha đường mát lạnh rồi rời đi. Gã để ý biết hết, lần nào cũng uống cạn. Nghe các chị thợ nói gã còn độc thân, nhưng nhiều lần bắt gặp gã ngồi một mình ngắm ảnh thằng bé con, Thanh cũng lờ mờ hiểu được phần nào chuyện của gã. Gần đây, gã ít hút thuốc hơn, đỡ xét nét với công nhân hơn dạo trước. Đám công nhân nhận ra sự thay đổi rõ rệt của gã mỗi ngày; bông đùa vài câu thì bị gã gạt đi.
Khi hàng cây mới trồng trên công trường còn ngổn ngang cát sỏi, gạch vữa khô khốc đã lớn dần, bắt đầu tỏa bóng xanh mát thì tòa chung cư cao tầng dần hoàn thiện. Mùi sơn mới tinh, cửa kính bóng loáng, đèn điện sáng khắp hành lang thật lộng lẫy. Suốt cả tháng nay, khách mua các căn hộ của tòa nhà đã rục rịch đến xem và đặt cọc với nhà đầu tư. Gã thấy đầu nhẹ hơn sau những ngày ngập mặt với quyết toán sổ sách, giấy tờ. Buổi chiều, gã tranh thủ tản bộ dưới sân của tòa nhà, vừa đi vừa hít hà không khí trong lành của không gian không khói bụi, và chợt nghĩ, rồi nơi đây sẽ là tổ ấm của nhiều gia đình nhỏ. Hình như hơn mười năm rồi, gã cũng đã từng mơ ước, một mái nhà, gian bếp ấm cúng mỗi tối, tiếng con trẻ nũng nịu yêu thương ...
- Anh Đức!
Tiếng Thanh gọi làm gã giật mình quay lại. Lần đầu tiên sau mấy tháng quen biết nhau, gã mới nhìn kỹ Thanh. Cô gái không mặc bộ đồ lao động rộng thùng thình dính đầy vôi vữa và khét lẹt mùi nắng như ngày thường, không đội mũ bảo hộ và che khẩu trang kín mặt. Thanh giản dị trong chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, mái tóc đen được búi cao gọn gàng.
- Em dọn đồ xong rồi. Em gặp anh để chào tạm biệt.
À. Công trình đã xong, nhiều thợ đã tháo dọn lán và chuyển đi làm nơi mới trong lúc chờ đợi công trình khác. Mấy hôm nay, họ đã nghỉ rải rác, có vẻ như Thanh là người cuối cùng.
- Em cảm ơn anh đã giúp đỡ em trong những ngày tháng khó khăn nhất. Em trai em đã tốt nghiệp và xin được việc làm rồi anh ạ. Gia đình em rất biết ơn anh.
- Rồi sắp tới cô sẽ làm gì?
- Em về quê ít hôm, thăm mẹ. Rồi em vô lại thành phố, em định đi học nghề, học làm bánh chẳng hạn. Thế còn anh?
- Bàn giao xong công trình, tôi lại đến công trình mới thôi. Nghề của tôi nó thế rồi.
Gã định nói nữa, nhưng cảm giác một chút gì đó tiếc nuối trào dâng trong ngực, nhoi nhói. Gã đổi giọng: "Không còn sớm nữa. Để tôi lấy xe đưa cô ra bến cho kịp".
Thanh không từ chối, cô gật đầu khe khẽ rồi rảo bước theo gã giữa hai hàng cây vừa lớn ngang người. Trên cành, những chiếc lá xanh khẽ reo vui trong gió chiều, theo bước chân hai người đi về phía nắng.
BẢO PHÚC
Tên thật: Nguyễn Thị Quỳnh Sen. Bút danh khác: Bảo Phúc. Sinh năm: 1992.Quê quán: Quỳnh Lưu - Nghệ An.

- Hiện đang là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Kỳ Sơn - Nghệ An.
- Có thơ, truyện ngắn, tản văn đăng trên các báo: Người Lao Động, Phụ Nữ Việt Nam, Thiếu niên Tiền phong, Nhi Đồng, Tạp chí Sông Lam...