Đàn chén

Tôi đã gặp ông Nguyễn Ngọc Quang, giảng viên bộ môn âm nhạc Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, người có thể làm cho những chiếc chén phát ra thanh âm, nhạc điệu. Giảng dạy âm nhạc nhiều năm liền, là điều kiện thuận lợi để ông đầu tư cho nghệ thuật mình yêu thích, tuy nhiên sự thành công đòi hỏi tính cần mẫn và sự kiên trì cũng như lắm công phu.

Ông Quang cho biết: “Chọn chén và phân nốt nhạc là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công khi biểu diễn. Để chọn được bộ chén đạt yêu cầu (phân chén nốt cao, nốt trầm), có khi lựa một chục chén chỉ chọn được 1, 2 cái mà thôi. Đặc biệt lưu ý, những chén có vết nứt bể sẽ không cho âm thanh chuẩn”.
 
Mỗi lần ông vào chợ mua chén là mỗi lần những người bán hàng được một phen ngạc nhiên bởi cách chọn chén kỹ lưỡng, và lúc nào cũng dùng đũa gõ vào chén của ông.
img
 Ông Quang cùng học trò, anh Khê Phương Lâm chơi đàn chén.
 
Đàn chén được “trình làng” khi ông dàn dựng bộ đàn chén cho Cục Quản lý trại giam (Bộ Công an) biểu diễn, đoạt huy chương vàng (HCV) đầu tiên tại thành phố Vũng Tàu năm 1982. Bộ đàn chén của ông Quang, còn có thể chơi hay và chuẩn xác nhiều giai điệu nhạc truyền thống, nhạc trữ tình,… đặc biệt có thể kết hợp chơi với giao hưởng.
 
Đàn chén “kén” người học
 
Tôi tò mò về cách chơi loại nhạc cụ này, ông Quang chia sẻ: “Bài nhạc có bao nhiêu nốt nhạc thì bố trí từng ấy chén. Cái khó nữa là canh đổ nước vô chén như thế nào để nó phát ra  âm thanh chuẩn. Về kỹ thuật đánh, nếu đánh giữa ngọn đũa thì âm thanh sẽ không tròn, nên đánh đầu ngọn đũa theo dạng đánh bung thì âm thanh chắc và hay”.
 
Đàn chén rất kén người học. Ông chơi đàn chén từ năm 1982 đến nay và đã có rất nhiều học trò, tuy nhiên số người gõ được đàn chén thì đếm trên đầu ngón tay. Anh Khê Phương Lâm, một học trò của nhạc sĩ Quang cho hay: “Chén không có khung, có ô như đàn, nên phải có trí nhớ tốt, linh hoạt mới thuộc nốt nhạc”.