Gia đình "Yết Kiêu"
Sau một lần chứng kiến anh lặn biển trục tàu chìm, các thợ lặn danh tiếng ở Đất Mũi về "rửa tay gác kiếm" và phong luôn cho anh biệt danh "Yết Kiêu". Từ đó, hễ có chuyện gì cần xuống đáy biển, ngư dân Đất Mũi lại gọi anh.
Anh là Nguyễn Văn Sến (còn gọi là Hai Sến), sinh năm 1969 trên đất Campuchia. Lên 10 tuổi, anh theo gia đình về Việt Nam sống trôi nổi trên các dòng sông từ vùng biên giới các tỉnh An Giang, Kiên Giang và gần đây dạt đến Cà Mau. Cả dòng họ anh đều sống "dưới đáy sông", riêng anh đã ra biển sống và đang tập tành cho các con mình cùng ra khơi.
Chinh phục đáy đại dương
Nguyễn Văn Lâm, con đầu lòng của ông Hai Sến tác nghiệp. Ảnh: T.NGUYỆT
Lão Trắc (Nguyễn Văn Trắc, 61 tuổi) sống ở ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ: "Đó là năm 2000, khoảng tháng 6. Trong một cơn lốc xoáy, ghe đáy của ông Th. bị đứt neo trôi theo cơn lốc. Cơn lốc qua đi, chúng tôi rủ nhau đi tìm. Chỉ gặp được 3 ngư phủ đang ngất ngư trên một tấm ván, còn ghe thì đã chìm mất, mất tích luôn 2 ngư phủ trên ghe".
Lão Trắc kể rằng, bằng phương pháp dân gian, ngư dân đã rà được vị trí tàu chìm. Nhưng với độ sâu đo được bằng dây lên đến 35 sải nước (gần 60 m), cánh thợ lặn giỏi nhất vùng cũng đành chịu thua. Lão Trắc cũng thuộc hàng có tiếng về tài lặn nhưng tối đa lão chỉ có thể chịu được độ sâu 13 sải nước là đã ra máu lỗ tai, không thể xuống sâu hơn được.
Thợ lặn tài ba nhất trong dàn bạn đáy hàng khơi là lão Tư Âu cũng lắc đầu. Trong khi đó, phía gia đình các ngư phủ mất tích lồng lộn đòi đốt nhà ông Th. chủ đáy, bảo phải tìm cho bằng được xác của chồng, con mình.
Trong tình thế cấp bách ấy, có một ngư phủ mách nước: gọi Hai Sến. Nghe tin có ngư phủ mất tích, không nghĩ ngợi gì, Hai Sến cùng con trai lớn là Nguyễn Văn Lâm mang đồ nghề xuống tàu tốc hành rời Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) qua ngay Đất Mũi.
Hai Sến kể: "Tôi được bà con đưa ra chỗ tàu chìm. Đo độ sâu, tôi rùng mình. Tôi đã lặn từ lúc lên 10 tuổi đến giờ, nhưng chưa lần nào đối mặt với độ sâu 60 m. Nhưng hai ngư phủ mất tích đã thôi thúc tôi liều mạng. Tôi kêu con trai tôi canh máy chạy ô-xy cho thật cẩn thận, bởi chỉ cần một chút xíu trục trặc thôi, tôi sẽ bỏ mạng dưới đáy biển".
Và anh đã xuống biển trước sự hồi hộp của cánh thợ lặn tài ba vùng Đất Mũi. Sau gần 1 giờ đồng hồ, Hai Sến nổi lên mặt biển. Mọi người hỗ trợ anh đưa thùng phuy xuống trục tàu lên. Lần này, anh xuống nước đến gần 2 tiếng đồng hồ mới làm xong chuyện.
Con tàu được đưa lên, hai xác ngư phủ còn nguyên trong ca bin, chỉ là không còn sợi tóc nào.
Chủ đáy trả tiền công cho Hai Sến, anh lắc đầu. Hỏi ra mới biết, anh đã có lời nguyền với nghề lặn rằng, vớt xác người là không nhận tiền. Chủ đáy cuối cùng nghĩ ra cách biếu gạo cho anh, anh vui vẻ nhận.
- Lần lặn đó, anh có bị sao không? Tôi hỏi. Anh cười giòn, bảo: Tôi cũng thấy là lạ. Tôi chẳng bị sao cả, thậm chí không bị nhức đầu. - Vậy sau đó, anh có thử lặn ở độ sâu hơn không? - Nghề này không thử được chú em à. Chuyện phải làm mới lặn thôi.

Nguyễn Văn Lâm, con đầu lòng của Hai Sến tiếp nối nghiệp của cha, ông. Ảnh: T.N
Rồi anh kể luôn một mạch về sự tự nhiên chinh phục độ sâu trong cuộc đời thợ lặn của mình. Năm lên 10 tuổi, anh theo cha đi lặn mò ve chai kiếm sống. Mới đầu anh chỉ lặn được độ sâu 6 m là nghe đầu muốn vỡ tung vì sức ép của nước.
Trong cuộc đời làm "Yết Kiêu" của mình, Hai Sến chỉ lo một việc, lỡ mai chết vì nghề, biết có ai vớt được xác mình không. Do vậy mà anh đã từng vớt miễn phí 128 xác người. |
Theo nghề đến năm 17 tuổi, anh chinh phục được độ sâu 15 m, nhưng lúc bấy giờ anh đã bị lảng tai bởi nhiều lần bị sức ép của nước làm tai rỉ máu. Đến năm 1989, lúc kiếm sống trên các con sông lớn tỉnh Kiên Giang, anh đã gặp một tai nạn.
"Hôm đó, tôi lặn mò ve chai như thường lệ, ở độ sâu hơn 10 m. Nhưng kỳ lạ là bị nhức đầu tưởng chết. Tôi lên ghe nằm ôm đầu 4 giờ đồng hồ. Tự nhiên nghe như có tiếng xe tải đang đâm thẳng vào ghe, ù ù, đáng sợ lắm. Rồi nghe hai bên tai nổ hai tiếng thật lớn như pháo, máu và nước vàng trào ra ướt gối. Đâu có tiền đi bệnh viện đành nằm nhà chịu.
Ba tôi lấy bông gòn thấm bi thoa vào tai tôi. Một tháng sau mới hết. Nhưng kỳ lạ, sau vụ nổ lỗ tai, tôi lặn không nghe hề hấn gì, cứ như ở trên ghe. Có lẽ nó bị… bể màng nhĩ rồi, không còn gì để đau nhức nữa(?)” - anh kể.
Bí ẩn của dòng tộc “Yết Kiêu”
Tháng giêng 2008, Hai Sến dìu dắt vợ con từ Sông Đốc qua định cư luôn ở Đất Mũi. Số tiền dành dụm được trong 6 năm trời lặn đáy hàng khơi cho ngư dân Đất Mũi, giúp anh mua được một thẻo đất ngay cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi) và dựng căn nhà. Đó là căn nhà đầu tiên trong cuộc đời của anh.
Và anh đã quyết định cư ở đây đến cuối đời, không lang bạt nữa. Ngư dân Đất Mũi mừng lắm bởi trước đây từng có những bạn đáy đã lặn mãi không nổi lên. Ông Lý Văn Phến, một ngư dân cố cựu trong làng đáy hàng khơi Đất Mũi kể: "Hồi đó chưa biết Hai Sến, mỗi lần đáy bị trục trặc dưới biển, rầu chết luôn. Không lặn xuống dưới thì bỏ của, mà kêu tụi bạn lặn thì sợ nó không nổi lên được.
Bây giờ có cha con Hai Sến rồi, tụi tui khỏe re. Nhiều người còn phát triển hàng đáy ra độ sâu 16, 17 sải nước cũng chẳng lo, vì Hai Sến lặn được 35 sải lận".
Thực tế đã có nhiều ngư dân mở rộng đáy hàng khơi ra xa hơn, trúng nhiều tôm cá hơn. Và trong 8, 9 năm qua, kể từ ngày bà con biết Hai Sến, các ngư phủ đã không tế mạng cho thủy tề bởi nghiệp lặn nữa. Ai cũng phấn khởi ra mặt. Thế nhưng rất ít người biết đến những bí ẩn trong dòng tộc "Yết Kiêu" của Hai Sến.
Những "Yết Kiêu" nhà Hai Sến. Ảnh: THU NGUYỆT
Thân sinh của Hai Sến là ông Nguyễn Văn Tốt (Năm Tốt), một thợ lặn có tiếng ở Sông Đốc, nay đã 80 tuổi, vẫn còn lặn kiếm sống hằng ngày. Hai Sến có 7 anh em. Vợ Hai Sến là chị Trần Thị Thủy có 8 anh em cũng đều theo nghiệp lặn.
Tính ra có tất cả 16 gia đình, nhưng đến nay chỉ mới có 2 gia đình có nhà là Hai Sến và một người em vợ. Đó là chưa kể thế hệ thứ 3, con cháu của Hai Sến đã dựng vợ gả chồng, đang còn theo ở đậu cùng ghe với cha mẹ. "Nhà không có là chuyện nhỏ, nghề lặn bạc bẽo lắm chú em à! Chú em có nghe bà con mình nói: "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá" chưa?".
Anh kể: "Dòng họ tôi bốn, năm chục người dốt gần hết, trừ một vài đứa nhỏ học được lớp 2, lớp 3. Đã có 4 thằng nhóc từ 5 đến 7 tuổi té sông chết đuối (một đứa con tôi, một đứa con đứa em thứ tám, hai đứa con của em vợ tôi)". Chị Trần Thị Thủy, vợ anh nói thêm: "Bị điếc, bị thần kinh do nước ép cũng nhiều lắm rồi".
Chị đưa tay chỉ thằng bé đang ngồi bó gối trước cửa nhà bảo: "Thằng Quân, con thứ năm của tôi đó. Sau lần bị tuột ống hơi khi lặn mò sò lông ở Sông Đốc nó không còn bình thường nữa. Bây giờ nó hay nói tiếng Tàu, tiếng Tây không nghe được. Bữa nào hên lắm nói vài câu nghe được, sau đó nói tầm bậy không. Còn ban đêm thì cứ mớ liên tục".
Hai Sến tâm sự: "Nghề nào nghiệp nấy chú à! Phải chịu thôi, vì mình đâu còn đường chọn lựa. Hơn nữa, tôi thấy cái nghề này cũng hay, ít ra cũng giúp bà con ngư dân tránh được những cái chết lạnh lẽo ngoài biển".