Xóm Cá “lạ” gần khu lò mộ

Trên ĐT641 đoạn qua thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân, Phú Yên), rẽ phải theo đường bê tông chạy qua hết xóm nhà hướng ra sông Kỳ Lộ là đến soi Tân Lập - nơi phát hiện quần thể lò mộ đầu tiên tại Việt Nam. Những ngôi nhà nằm rải rác hình chữ u như đang “nối vòng tay” ôm trọn soi Tân Lập. Xóm nhà gần khu vực này còn có cái tên rất lạ…

img
Người dân xóm Cá đưa cá vào lò hấp trước khi đưa ra chợ bán - Ảnh: M.H.NAM

Xóm cá biển trên núi
 
Xóm Cá, cái tên nghe lạ lẫm vì đến đây chỉ thấy núi đồi, ruộng đồng, soi gò. Hỏi thăm các vị cao tuổi trong xóm chỉ biết, cái tên Xóm Cá có từ thời kháng chiến chống Pháp. Xóm này nằm trên tuyến ĐT641, ở giữa hai đèo dốc quanh co, phía dưới là dốc Bà Trực - giáp ranh thôn Tân Phú (Xuân Sơn Nam), phía trên là đèo Con Cá - giáp ranh thôn Long An (thị trấn La Hai, Đồng Xuân).
 
“Ở huyện Đồng Xuân, lớp người cỡ 40 tuổi trở lên nói đến Xóm Cá ai cũng biết vì người dân ở đây sống bằng nghề buôn bán cá biển tại các phiên chợ quê trong huyện. Còn thôn Tân An trên giấy tờ, lớp trẻ bây giờ mới thạo. Người dân trong vùng đi xa cũng đều “xưng” là dân ở Xóm Cá”, ông Huỳnh Trọng Hà, Phó thôn Tân An nói.
 
Ông Ngô Ngọc Viễn, một người dân ở đây kể, hồi ông nội còn sống đã làm nghề mua bán cá. Gà gáy lần 1 (khoảng 2 giờ sáng) đạp xe xuống đường Cây Cưa (ĐT642 nối huyện Đồng Xuân với TX Sông Cầu), xuống tận miệt biển Sông Cầu mua cá chở về. Phụ nữ ở nhà chuẩn bị rổ rá chở đi đến các chợ. Tại các phiên chợ, cá ồ hấp, cá cơm trụng, cá liệt tươi… xếp lớp lang bày bán. Mùa biển động, cá tươi khan hiếm thì bán cá hố khô, cá trích mặn…
 
Những người bán cá ở đây được mọi người quý mến vì có lối sống gần gũi, thân thiện xem bạn hàng như hàng xóm láng giềng. Ở miền núi cuộc sống nhiều gia đình khó khăn, có lúc túng thiếu, đến hàng cá trong túi đã cạn tiền, người bán cá vui vẻ cho mua nợ, mua thiếu những phiên sau trả, từ đó “tiếng thơm” Xóm Cá lan rộng khắp nơi.
 
“Mười ngày như chục”, những người phụ nữ ở Xóm Cá thức khuya, dậy sớm nhóm lửa trụng lại mớ cá cơm, hấp lại nồi cá nục rồi vượt chặng đường 50 đến 70 cây số đèo, dốc đến chợ bán. Bà Năm Tùng (67 tuổi), một người bán cá nói: “Mua mớ cá nục ở biển 3.000 đồng, đi xa lên đây bán 3.500 đồng, lời 500 đồng/mớ (rổ nhỏ). Trước đây 10 nhà thì có đến 9 nhà bán cá (trừ gia đình người già). Hiện nay, đời sống phát triển, có người chuyển sang làm việc khác, tuy vậy trong xóm còn hơn 20 người vẫn trụ với việc bán cá.
 
Theo chị Đào Thị Thanh Thúy ở Xóm Cá, mấy năm qua chị được mẹ “sang gánh” công việc đã gắn với bà trên 40 năm. “Nghề này thức khuya dậy sớm nhưng có đồng ra đồng vào nên tôi không bỏ nghề. Khi nào đi hết nổi mới ở nhà, lúc ấy nghề “đuổi” mình… đành chịu”, chị Thúy nói vậy.
 
Sau lũ dữ 
 
Trận lũ lịch sử cuối tháng 11/2009 khiến nhiều nhà ở Xóm Cá cạnh đường ray mấy mươi năm không bị ngập lũ đều nằm trong “diện” chạy lụt. Xóm nhà chìm trong biển nước. Lũ đi qua, dọc soi Tân Lập là một bãi cát trắng mênh mông (có nơi bị xói mòn, có nơi cát bồi lấp). Sau lũ, người dân trong xóm ra sức khắc phục hậu quả lũ lụt, cải tạo đất trồng hoa màu thì phát hiện di tích lạ bằng đất nung.
 
Cuối tháng 10/2010, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp cùng tỉnh Phú Yên tiến hành khai quật một phần khu di tích. Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam - phụ trách công trường khai quật di chỉ Xuân Sơn Nam), đây là loại hình di tích lò mộ có niên đại thế kỷ thứ 13, lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.
 
Sau một thời gian sản xuất cải tạo đất, soi Tân Lập hôm nay hiện lên một màu xanh mía, sắn, đậu… trải rộng. Ông Trần Văn Trung (58 tuổi), đang cắt cỏ voi trên soi Tân Lập cho biết: “Sau trận lũ lịch sử đất ở đây xấu, cỏ voi trồng nuôi bò không “ngóc” đầu lên nổi. Những năm gần đây người dân ra sức cải tạo đất, gánh phân chuồng đổ soi ruộng hết năm này qua tháng khác, giờ mía sắn lên xanh bạt ngàn”.
 
Từ Xóm Cá đi ra hướng phía sông Kỳ Lộ khoảng 70m qua bên kia con mương nhỏ là “đụng” khu lò mộ. Ông Năm Hưng, một người dân ở đây kể, cũng trận lũ lịch sử cuối năm 2009, nước lũ chảy xiết đến nỗi nhiều nơi dọc sông Kỳ Lộ này có những ngôi nhà bị “bứng” cả móng. Xóm Cá lúc đó cũng chìm trong biển nước, tuy nhiên những ngôi nhà trong xóm vẫn đứng vững trong lũ dữ nhờ có hàng tre đầu xóm. Nay người dân trồng thêm hàng tre ken dày gần sông để giữ đất soi, bảo vệ hoa màu. Vì vậy, tre ở đây là “tài sản chung” của người dân trong xóm.
 
Nhìn từ xa, con đường bê tông như sợi chỉ nhỏ xuyên qua cánh đồng. Xóm nhà ngửa mặt ra cánh đồng Ông Hơn, lúa đang thời kỳ con gái nhìn thật mát mắt. Phía sau dựa vào núi U Cây Da cao dựng đứng. Bà con ở đây luôn thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Họ luôn hỏi thăm, bàn tán chuyện buôn bán, việc đồng áng, chuyện xây dựng nông thôn mới làm đẹp quê hương.
 
Ông Lê Mến Thương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam cho biết: “Thôn Tân An hiện có 125 ngôi nhà. Năm thứ 8 liên tiếp trong thôn không có người sinh con thứ 3. Con đường bê tông trước xóm nhà chạy ra khu lò mộ là huy động nguồn vốn bê tông hóa giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới”.