Điểm nóng xung đột ngày 2-7: Cuộc đua "mèo vờn chuột" tại Iran

(NLĐO) - Việc Mỹ tấn công cơ sở hạt nhân Iran đã mở ra cuộc rượt đuổi “mèo vờn chuột” nhằm truy tìm tung tích kho uranium làm giàu cấp độ cao của Tehran.

Việc Mỹ và Israel ném bom các địa điểm hạt nhân Iran đã đặt ra một bài toán cho các thanh tra viên Liên hợp quốc: Liệu kho uranium làm giàu đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát hay đang được cất giấu bí mật?

Theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump, ba địa điểm hạt nhân Fordow, Natanz và Isfahan đã bị “xóa sổ”. Trong khi đó, ông Rafael Grossi - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEAE) - nhận định khả năng cao các máy ly tâm bên trong Fordow đã hư hỏng nặng.

Tuy nhiên, chưa rõ 9 tấn uranium làm giàu của Iran, trong đó có 400 kg làm giàu 60% gần đến cấp độ vũ khí, có bị phá hủy hay không. Con số 400 kg đủ để sản xuất 9 vũ khí hạt nhân nếu được làm giàu thêm. 

Các nước phương Tây khác đang "lo sốt vó" và nhanh chóng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với số uranium này. 

Điểm nóng xung đột ngày 2-7: Cuộc đua "mèo vờn chuột" tại Iran- Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh về khu phức hợp Fordow sau khi bị Mỹ ném bom. Ảnh: Maxar Technologies

Trò mèo vờn chuột

Theo nhiều chuyên gia, việc Mỹ ném bom Iran có khả năng đã tạo cho Tehran vỏ bọc hoàn hảo để âm thầm thực hiện các kế hoạch với kho uranium, trong khi mọi cuộc điều tra của IAEA đều kéo dài và gặp khó khăn.

Ông Olli Heinonen - cựu thanh tra viên của IAEA - cho biết để điều tra, các quan chức cần thu hồi vật liệu từ các tòa nhà bị hư hại, cũng như giám định pháp y và lấy mẫu môi trường. "Có những vật liệu không thể tiếp cận được, bị hòa vào đống đổ nát" - ông Heinonen nói.

Có dấu hiệu cho thấy Iran đã di chuyển một số uranium làm giàu trước khi bị tấn công. Hôm 13-6 - ngày đầu tiên Israel tấn công nước này, Iran thông báo với ông Grossi về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ thiết bị và vật liệu hạt nhân, nhưng không rõ chi tiết.

Một quan chức phương Tây giấu tên cho biết hầu hết uranium làm giàu tại Fordow dường như đã được di chuyển trước xung đột nhiều ngày, “như thể họ biết chuyện gì sắp xảy ra”. Một số chuyên gia chỉ ra đoàn xe tải đậu bên ngoài Fordow từ hình ảnh vệ tinh, bằng chứng chứng minh Iran đã chuyển uranium trước khi bị tấn công.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định ông không nhận được thông tin tình báo nào tương tự, còn ông Trump bác bỏ những lo ngại. “(Di chuyển) như vậy rất nguy hiểm. Rất nặng - Rất, rất nặng” - ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Điểm nóng xung đột ngày 2-7: Cuộc đua "mèo vờn chuột" tại Iran- Ảnh 2.

Ông Rafael Grossi (giữa) tham quan triển lãm về các thành tựu hạt nhân của Iran tại thủ đô Tehran hôm 17-4. Ảnh: Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran

Một quan chức khác nhận định phương Tây vấp phải thách thức lớn trong việc xác định tình trạng kho dự trữ uranium, nhắc tới các tranh chấp trong quá khứ giữa IAEA và Iran. “Như trò mèo vờn chuột vậy” - người này nói.

Iran khẳng định đã hoàn thành mọi nghĩa vụ với cơ quan giám sát.

"Mò mẫm" trong bóng tối

Trước khi Israel tấn công Iran, dựa trên Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), IAEA thường xuyên tiếp cận và giám sát các địa điểm hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, bức tranh rõ ràng về chương trình hạt nhân Iran giờ đã sụp đổ.

Không chỉ vậy, Iran còn đe dọa sẽ ngừng hợp tác với IAEA. Nước này tức giận khi đã tham gia hiệp ước song vẫn bị nhiều nước tấn công bất hợp pháp, nên Quốc hội Iran đã bỏ phiếu đình chỉ hợp tác hôm 25-6.

Iran nhiều lần phủ nhận về chương trình phát triển bom hạt nhân. Tình báo Mỹ cũng đánh giá chưa có bằng chứng cho thấy Tehran đang âm thầm thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, phe chỉ trích cho rằng không có lý do để làm giàu uranium lên 60% cho chương trình hạt nhân dân sự, vốn chỉ cần mức làm giàu 5%.

Là một bên tham gia NPT, Iran phải giải trình về kho uranium làm giàu. Sau đó, IAEA sẽ xác minh báo cáo của Iran, nhưng quyền hạn cũng bị hạn chế khi không thể thanh tra đột xuất ở những địa điểm bí mật.

 IAEA có thể nhận thông tin tình báo từ các thành viên, như Mỹ và Israel, nhưng họ nói không tin nguồn bên ngoài và tự xác minh độc lập các dữ liệu.

Theo IAEA, Iran sở hữu một lượng máy ly tâm ở các địa điểm không xác định. Do đó, các nước phương Tây coi việc săn lùng kho dự trữ, đặc biệt vật liệu gần cấp độ vũ khí, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, có khả năng các thanh viên IAEA sẽ chỉ theo dấu chương trình hạt nhân Iran trong vô vọng. “Nếu Iran trung thực về 400 kg uranium được làm giàu ở cấp độ cao, vấn đề có thể được kiểm soát được. Nếu họ không làm vậy, không ai chắc chắn chuyện gì đã xảy ra với số uranium đó” - một quan chức khác chia sẻ.

IAEA, chịu trách nhiệm trước 180 thành viên, tuyên bố không thể đảm bảo Iran phát triển hạt nhân hoàn toàn vì mục đích hòa bình, nhưng không tìm thấy bằng chứng xác đáng về chương trình vũ khí của nước này. Cơ quan này không thể thanh tra kể từ khi Israel tấn công Iran, khiến cộng đồng quốc tế đang đối mặt với nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Ông Heinonen nhận định IAEA cần minh bạch về những gì đã xác minh độc lập theo thời gian thực, trong đó có cả những thông tin chưa chắc chắn. “Sau đó, các thành viên có thể tự đánh giá rủi ro” - ông nói.