Điểm nóng xung đột ngày 25-4: Dự án đặc biệt của NATO ở sườn Đông giáp với Nga

(NLĐO) - NATO đang triển khai dự án phòng thủ mới chú trọng công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường an ninh dọc biên giới phía Đông của liên minh với Nga.

Dự mang tên "Drone Wall" (Bức tường máy bay không người lái) tạo ra tầng tầng lớp lớp các hệ thống máy bay không người lái cùng các giải pháp công nghệ tiên tiến trải dài từ Na Uy đến Ba Lan.

Dự án này nhằm tạo thành một mạng lưới phòng thủ toàn diện, cung cấp cảnh báo sớm và phát hiện nhanh chóng các hành vi xâm nhập hoặc hoạt động quân sự tại các khu vực biên giới.

Điểm nóng xung đột ngày 25-4: Dự án đặc biệt của NATO ở sườn Đông giáp với Nga- Ảnh 1.

Một hệ thống đối phó máy bay không người lái do DefSecIntel phát triển. Ảnh: DefSecIntel

Kế hoạch đầy tham vọng này do Đức dẫn đầu và có sự tham gia của 6 quốc gia NATO, đánh dấu một trong những đợt triển khai hệ thống giám sát tự động và chống máy bay không người lái rộng rãi nhất trong lịch sử.

Phân khúc quan trọng trong dự án nằm ở khu vực Baltic, bao gồm các quốc gia Estonia, Latvia, Lithuania, cùng với Phần Lan và Ba Lan.

"Bức tường máy bay không người lái" này không phải là một cấu trúc vật lý mà là một lớp hệ thống trinh sát hiện đại gồm máy bay không người lái điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), các cảm biến, hệ thống giám sát vệ tinh và các nền tảng di động có khả năng ứng phó linh hoạt.

Dự án đã bắt đầu ở Ba Lan, nơi các kế hoạch về 700 km cơ sở hạ tầng giám sát được tăng cường theo chương trình Shield-East (Lá chắn phía Đông) công bố vào đầu năm nay.

Nhóm công nghiệp quốc phòng Estonia đang đóng vai trò điều phối, tập hợp các công ty công nghệ địa phương như DefSecIntel Solutions và Erishield. 

Đây là những đơn vị chuyên phát triển các giải pháp tích hợp AI, cảm biến và hệ thống điều khiển trung tâm cho các nền tảng phòng không không người lái.

Dự án được xem là phản ứng chiến lược của NATO trước các hình thức "xung đột vùng xám", tức những hành vi can thiệp không chính thức, khó xác định rõ nguồn gốc tại khu vực biên giới phía Đông liên minh.

Không chỉ tăng cường an ninh, dự án còn thể hiện cam kết của các quốc gia NATO trong việc bảo vệ biên giới ngoài cùng của liên minh, từ đó bảo vệ phần còn lại của châu Âu trước những thách thức an ninh mới.

Các nhà lãnh đạo mô tả nó vừa là biện pháp răn đe chiến lược vừa là phản ứng trước bản chất đang thay đổi nhanh chóng của giao tranh hiện đại.

Sự thay đổi này diễn ra vào thời điểm cam kết của Mỹ đối với NATO có vẻ không chắc chắn. Đặc biệt, sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông đã gây áp lực buộc các thành viên châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng .