Điểm nóng xung đột ngày 26-4: Yêu cầu cứng rắn Mỹ gửi cho NATO
(NLĐO) - Ngoại trưởng Marco Rubio tiếp tục gây sức ép lên các thành viên NATO, yêu cầu họ tăng đóng góp cho quốc phòng.
Ông nói với The Free Press trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 22-4 rằng dù Mỹ có lợi ích khi tham gia NATO, các thành viên phải gánh vác phần trách nhiệm của mình, nếu không, đó không thực sự là một liên minh mà chỉ là "sự phụ thuộc".

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: Bloomberg
Washington đang chi trả một phần lớn ngân sách của NATO, trong khi một số quốc gia thành viên vẫn không đạt được mục tiêu đã thống nhất của khối là chi 2% GDP cho quốc phòng. Ông Rubio lập luận rằng sự mất cân bằng này làm suy yếu uy tín và sự gắn kết của NATO.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói: "NATO vẫn tốt miễn là NATO thực sự tồn tại, khi nó là một liên minh quốc phòng thực sự, không phải là Mỹ và một nhóm đối tác không làm tròn phần trách nhiệm của mình. Đó phải là một NATO mà các đối tác cùng chia sẻ trách nhiệm".
Tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO đầu tháng này, ông Rubio đã trấn an các đồng minh rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không chống lại NATO và Mỹ sẽ tiếp tục ở lại khối nhưng ông cũng yêu cầu các đối tác phải tăng chi tiêu quốc phòng lên 5%.
Động thái này tương tự với các phát biểu gần đây từ các quan chức cấp cao khác của Mỹ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz cho biết Washington kỳ vọng tất cả các thành viên ít nhất phải đạt ngưỡng 2% GDP trước hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuần này cảnh báo các quốc gia châu Âu thành viên NATO rằng họ phải chi nhiều hơn cho quân đội, vì một mình Mỹ sẽ không thể đảm bảo an ninh cho châu Âu.
Ông nói hôm 23-4: "Thời kỳ Mỹ là bên bảo đảm duy nhất cho an ninh châu Âu đã qua. Đã đến lúc châu Âu phải hành động, tài trợ cho quân đội và dẫn đầu. NATO cần phải hành động".
Chi tiêu quốc phòng từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi trong NATO. Hội nghị thượng đỉnh tháng 6 dự kiến sẽ giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp, đồng thời có thể đưa ra những sửa đổi đối với các cam kết đầu tư quốc phòng trong chương trình nghị sự.