Điểm nóng xung đột ngày 27-5: Ukraine bắt tay Estonia xây nhà máy UAV quy mô lớn
(NLĐO) - Một nhà máy sản xuất UAV quy mô lớn sắp được xây dựng tại khu vực Baltic với sự tham gia của Ukraine, công suất dự kiến hơn 700.000 chiếc/năm.
Theo đài phát thanh Estonia ERR, Meridein Grupp - tập đoàn công nghệ quốc phòng chuyên về máy bay không người lái (UAV) - đang khởi động dự án nhà máy tại Estonia.
Tập đoàn này đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác, trong đó có các đối tác đến từ Ukraine - quốc gia được xem là có nhiều kinh nghiệm thực chiến với UAV nhất hiện nay.
Dù chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ, song sự tham gia của các doanh nghiệp Ukraine được cho là sẽ mang lại giá trị lớn về chuyên môn và chuyển giao công nghệ.

Một binh lính Ukraine vác máy bay không người lái Leleka-100 tại tỉnh Kherson. Ảnh: Washington Post.
Dự kiến, nhà máy này sẽ tập trung sản xuất các dòng UAV chiến đấu hạng nhẹ như drone FPV (góc nhìn thứ nhất), bao gồm loại tấn công, ném bom và trinh sát. Các lô sản phẩm đầu tiên sẽ ra mắt sớm nhất là vào nửa đầu năm 2026.
Công suất sản xuất ban đầu của nhà máy được đặt ra ở mức 2.000 UAV/ngày, tương đương 60.000 chiếc/tháng và khoảng 720.000 chiếc/năm. Do phần lớn sản phẩm là UAV FPV giá rẻ và dễ triển khai, chỉ tiêu này được đánh giá là khả thi.
Estonia và các nước Baltic xem đây là chiến lược dài hạn để xây dựng năng lực quốc phòng độc lập và tiết kiệm. Năm ngoái, Estonia đã tuyên bố sẽ ưu tiên đầu tư vào UAV và đạn tuần kích (loitering munitions), thay vì các nền tảng tốn kém như trực thăng - vốn có thể được NATO hỗ trợ khi cần.
Song song đó, Mỹ và Đan Mạch cũng chuẩn bị triển khai hạm đội UAV biển Voyager ngoài khơi Estonia từ tháng 6 - theo thông tin từ Defense News.
Đây là một phần trong chiến dịch "Baltic Sentry" của NATO nhằm giám sát an ninh hàng hải trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng.
Voyager là tàu không người lái hoạt động bằng năng lượng mặt trời, có thể di chuyển liên tục tới 12 tháng, do công ty Saildrone của Mỹ phát triển. Thiết bị này mang theo sonar, cảm biến phát hiện hóa chất và camera, cho phép thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực bằng trí tuệ nhân tạo.
Việc triển khai Voyager được xúc tiến sau hàng loạt sự cố, như vụ cáp ngầm giữa Estonia và Phần Lan bị hư hại cuối năm 2024, mà phía châu Âu nghi ngờ là hành vi phá hoại. Gần đây, Mỹ cũng đã điều 40 lính thủy đánh bộ đến Phần Lan để hỗ trợ chương trình.
Bên cạnh đó, các nước Baltic đang tăng cường năng lực hải quân: Lithuania mua 2 tàu chiến, Ba Lan đóng mới tàu hộ vệ và Estonia đang lên kế hoạch mua tới 12 tàu chiến mới. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna, bảo vệ hạ tầng thiết yếu là ưu tiên hàng đầu trong khu vực.