Diện mạo trục động lực mới phía Nam
Hợp nhất với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương, hai thủ phủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch phía Nam, sẽ giúp TP HCM củng cố vị thế "xương sống" của nền kinh tế
Theo Nghị quyết 60 ngày 12-4 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP HCM, lấy tên là TP HCM. Với 168 đơn vị hành chính trực thuộc, diện tích hơn 6.772 km2 và quy mô dân số hơn 13,7 triệu người, TP HCM sau hợp nhất sẽ trở thành trục động lực mới của miền Nam.
Sức bật từ tầm nhìn hướng biển
TP HCM mới sẽ đóng vai trò là trung tâm logistics và xuất nhập khẩu phía Nam với hệ thống cảng biển lớn nhất nước, bao gồm 8 cảng của TP HCM và 46 cảng của Bà Rịa - Vùng Tàu.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, nhìn nhận việc hợp nhất 3 địa phương sẽ mở ra hướng phát triển mới về phía biển. Mới đây, TP HCM đã khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise với quy mô 2.870 ha; đồng thời chuẩn bị xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hướng phát triển về phía Bà Rịa - Vũng Tàu cùng hệ thống hạ tầng đường bộ kết nối Cần Giờ, liên kết các cảng Cái Mép, Trung Sơn... sẽ tạo thành một quần thể cảng quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Về phía Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ với tầm nhìn trở thành "trung tâm kinh tế biển quốc gia". Khi hợp nhất với TP HCM, vị trí trung chuyển và vai trò chiến lược của Bà Rịa - Vũng Tàu trong hệ thống kinh tế vùng Đông Nam Bộ và cả nước sẽ được củng cố.
Hạn chế lớn nhất hiện nay là kết nối giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM chủ yếu phụ thuộc vào Quốc lộ 51 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, vốn thường xuyên xảy ra ùn tắc làm giảm hiệu quả vận chuyển hàng hóa. Mặc dù đã có cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hỗ trợ song tuyến đường này cũng quá tải trong các khung giờ cao điểm và chưa kết nối trực tiếp đến các khu vực trọng điểm của Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng với việc thiếu hụt các phương thức giao thông công cộng kết nối với TP HCM, không chỉ giao thương hàng hóa bị ảnh hưởng mà còn làm chậm nhịp phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Tuy nhiên, không lâu nữa, giao thông giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM sẽ được rút ngắn khi đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM hoàn thành, đưa vào khai thác. Khi đó, mạng lưới giao thông giữa TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được tái định hình theo hướng hiện đại, đồng bộ và liên thông. Bên cạnh rút ngắn khoảng cách vật lý, mạng lưới liên hoàn này còn làm sâu sắc hơn mối liên kết kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả vùng.
Mới đây, dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã chính thức thông xe kỹ thuật. Tuyến này sau khi đưa vào khai thác sẽ kết nối với dự án thành phần 1, 2 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và kết nối với sân bay Long Thành, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM.
Đáng chú ý, một số dự án khác được đề xuất thực hiện như tuyến cao tốc từ sân bay Long Thành đến Hồ Tràm, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cũng có thể giúp kết nối giao thông, nhất là kết nối các khu công nghiệp, cảng biển và trung tâm logistics. Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cùng với sân bay quốc tế Long Thành được kỳ vọng sẽ đưa Đông Nam Bộ trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động nhất cả nước.

Quốc lộ 13 - tuyến huyết mạch, trục xương sống kết nối trung tâm TP HCM và tỉnh Bình Dương. Ảnh: THANH THẢO
Mạng lưới KCN-KCX lớn
TP HCM sau hợp nhất với thủ phủ công nghiệp Bình Dương sẽ có mạng lưới 61 KCN và KCX. Thành phố sẽ phải bố trí lại các KCN-KCX hợp lý hơn nhằm tận dụng không gian phát triển của vùng, chỉ giữ lại các khu công nghệ cao và công nghệ bán dẫn. Do đó, việc kết nối giao thông đóng vai trò quan trọng để kết nối khu vực đô thị lõi với khu vực sản xuất công nghiệp, kho, bãi...
Theo kế hoạch, ngày 30-4, cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn - một hạng mục quan trọng thuộc dự án đường Vành đai 3 TP HCM, nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương, kết nối với huyện Củ Chi (TP HCM), sẽ được hợp long. Cầu Bình Gởi sau khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho cầu Phú Cường (nối huyện Củ Chi, TP HCM với TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) hiện quá tải. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 569 tỉ đồng, thời gian thi công dự kiến 900 ngày.
Ghi nhận tại dự án này những ngày cuối tháng 4, không khí làm việc đang rất khẩn trương. Dưới cái nắng gay gắt, các kỹ sư, công nhân miệt mài chạy đua với thời gian để hoàn thành những hạng mục cuối cùng như mặt đường, công trình phụ trợ. Ông Phan Công Hoàng Nam, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (đơn vị nhà thầu), cho hay nhằm kịp hợp long cầu vào đúng dịp lễ 30-4, nhà thầu đã tổ chức thi công ngày đêm, tăng cường nhân công và máy móc, thiết bị. Đến nay, công trình đạt gần 90% khối lượng, dự kiến tháng 9-2025 sẽ thông tuyến.
Ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết hạ tầng giao thông Bình Dương và TP HCM kết nối với nhau bởi một số tuyến đường trọng điểm. Đầu tiên là Quốc lộ 13 - tuyến huyết mạch, trục xương sống kết nối với trung tâm TP HCM - đang mở rộng đoạn từ TP Thủ Dầu Một đến điểm cuối của TP Thuận An (tỉnh Bình Dương). Tiếp đến là đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến đường quan trọng cho giao thông công nghiệp và đô thị nhờ kết nối đến các kho bãi, cảng. Ngoài ra, còn có đường trục chính Đông - Tây nối từ Quốc lộ 1A (Bến xe Miền Đông mới - TP Thủ Đức, TP HCM) đến giáp Quốc lộ 1K (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Một số tuyến đường đang được triển khai gồm: cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc, cầu Phú Long, đường ven sông Sài Gòn...
Theo ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, sự kết nối giao thông thuận lợi giữa 2 trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước là Bình Dương và TP HCM sẽ giúp tăng cường lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, nguồn lao động..., qua đó tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Bình Dương đóng vai trò là đô thị vệ tinh, chia sẻ áp lực về dân số và hạ tầng cho TP HCM.
Đáng chú ý, mới đây, Sở Giao thông Công chánh TP HCM đã có công văn khẩn gửi Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương và Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai liên quan việc đầu tư xây dựng các tuyến metro kết nối với metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Metro TP mới - Suối Tiên, có điểm đầu tại ga S1 (trung tâm TP mới thuộc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), điểm cuối tại ga Bến xe Suối Tiên metro số 1 TP HCM (thuộc phường Bình Thắng, TP Dĩ An, Bình Dương). Với tổng chiều dài khoảng 32,43 km, tuyến đi qua 4 thành phố: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Bình Dương chọn phương án bố trí 64.370 tỉ đồng từ ngân sách để triển khai dự án; đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt để huy động vốn ngoài ngân sách.

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông xe kỹ thuật vào ngày 19-4. Ảnh: NGỌC GIANG
Siêu đô thị đa trung tâm
Theo dữ liệu thống kê đến cuối năm 2024, tổng GRDP của 3 địa phương là khoảng 2,71 triệu tỉ đồng - chiếm gần 24% tổng quy mô GDP cả nước.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, cho rằng việc hợp nhất sẽ tạo điều kiện cho TP HCM đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông liên vùng, kết nối các khu vực một cách hiệu quả. Đồng thời, tạo ra một siêu đô thị với cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; chất lượng cuộc sống và các dịch vụ y tế, giáo dục, công cộng... được nâng cao. Đặc biệt, việc hợp nhất ngân sách và tài sản công còn giúp tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, tránh tình trạng trùng lặp, manh mún. "Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng trong khi TP HCM là trung tâm tài chính và thương mại. Sự kết hợp này sẽ tạo ra một hệ sinh thái kinh tế toàn diện hơn. TP HCM cần tận dụng tối đa cơ hội để không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người dân" - TS Trần Quang Thắng phân tích.
Tuy nhiên, theo TS Trần Quang Thắng, với quy mô lớn, thành phố sau hợp nhất sẽ đối diện nhiều thách thức, đòi hỏi bố trí nguồn lực hợp lý - từ tài chính, nhân lực đến cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó là xây dựng một khung pháp lý đặc thù để quản lý "siêu đô thị" mới, bao gồm việc tổ chức chính quyền hai cấp, quy hoạch đất đai và điều phối các dịch vụ công. "Để thực hiện, phải có kế hoạch chiến lược, sự hợp tác và cam kết lâu dài, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý cũng như sự đồng thuận của người dân" - TS Khánh chỉ rõ.
Nói về trục động lực mới của phía Nam sau hợp nhất TP HCM, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng đây là cơ hội để tổ chức và cấu trúc lại đô thị theo hướng một siêu đô thị đa trung tâm. Bao gồm: trung tâm tài chính - công nghệ - dịch vụ - thương mại quốc tế tại lõi TP HCM hiện tại; thủ phủ công nghiệp và logistics tại Bình Dương; cụm cảng biển quốc tế, năng lượng, du lịch cao cấp tại khu vực ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Giờ. Cấu trúc rõ ràng này tạo ra sự phân bổ hợp lý về dân cư, kinh tế, đồng thời khai thác tối đa lợi thế đặc trưng của từng khu vực. "Không gian đô thị mới sẽ phát triển mở, hướng biển, liên kết chặt chẽ các trung tâm chức năng với nhau bằng hạ tầng giao thông hiện đại, giúp tạo sức mạnh tổng hợp và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế" - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhìn nhận.
Theo TS Tuấn, trong cấu trúc đô thị mới, vùng lõi hiện tại của TP HCM sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm chiến lược về tài chính, công nghệ, dịch vụ và đầu mối thương mại quốc tế. Cần khai thác triệt để thế mạnh vị trí "đầu não" kinh tế của khu vực này - nơi tập trung các định chế tài chính lớn, trung tâm đổi mới sáng tạo, công ty công nghệ cao hàng đầu cả nước. Với Bình Dương, cần tận dụng thế mạnh sẵn có về hạ tầng KCN, chuỗi cung ứng sản xuất và nhân lực có kỹ năng công nghiệp. Khu vực ven biển của TP HCM mới cần được phát triển theo hướng trở thành trung tâm chiến lược về cảng biển quốc tế, năng lượng tái tạo và du lịch cao cấp.
Góp ý thêm, ông Tuấn cho rằng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của TP HCM mới trong cấu trúc một siêu đô thị đa chức năng, việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối mạnh mẽ giữa các phân khu là yếu tố quyết định. Thành phố cần tập trung nguồn lực hoàn thiện nhanh hệ thống giao thông huyết mạch, bao gồm các tuyến cao tốc liên vùng, đường sắt đô thị kết nối trực tiếp từ trung tâm TP HCM tới Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả Đồng Nai.

Bình Dương đang gấp rút thi công nút giao Bình Chuẩn trên đường Vành đai 3 TP HCM. Ảnh: THẢO NGUYÊN
TS Trần Quang Thắng khẳng định với khát vọng cháy bỏng, TP HCM không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong "cuộc cách mạng" phát triển bền vững.
Mở rộng liên kết vùng
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Dương Ngọc Hải, việc hợp nhất tỉnh, thành phố lần này được tính toán rất kỹ, dựa vào yêu cầu thực tiễn, lịch sử, mục đích là để mở rộng phát triển. Theo đó, liên kết vùng, sắp xếp để mở rộng không gian vùng, tạo điều kiện phát triển; cải cách hành chính, giảm các bước trung gian; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; tinh giản biên chế, bộ máy... tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn gợi ý TP HCM sau khi mở rộng địa giới hành chính cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các địa phương xung quanh như Long An, Tây Ninh, mở rộng tầm nhìn đến các tỉnh, thành ĐBSCL và các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên để tận dụng tối đa lợi thế kinh tế vùng, tạo ra không gian kinh tế mở, hỗ trợ phát triển toàn diện các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao đến dịch vụ, du lịch. Qua đó, hình thành một vùng kinh tế liên kết đa dạng, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Phát triển du lịch mạnh hơn nữa
Du lịch TP HCM phát triển mạnh với doanh thu dự kiến năm nay đạt khoảng 200.000 tỉ đồng, song tiềm năng vẫn chưa được khơi thông hết. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Dương Ngọc Hải đánh giá việc hợp nhất tỉnh, thành sẽ giúp TP HCM phát triển du lịch hơn nữa khi không gian phát triển được mở rộng hướng ra biển, kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, trong bối cảnh mở rộng địa giới hành chính, TP HCM có tiềm năng hình thành "vành đai xanh du lịch" từ Cần Giờ - Củ Chi (TP HCM) - Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây sẽ là điểm nhấn khác biệt về du lịch của thành phố, nhờ hội tụ đủ rừng - biển - nông nghiệp - văn hóa - sáng tạo. Từ đó, tạo ra sản phẩm liên kết xanh, bền vững và có sức cạnh tranh quốc tế. Sở Du lịch TP HCM cũng đang xây dựng đề án chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh như ưu đãi đầu tư, hỗ trợ truyền thông, đánh giá bộ chỉ số du lịch xanh và huấn luyện nhân sự.

Khách quốc tế trải nghiệm, khám phá những điểm đến ở Củ Chi (TP HCM) do Công ty CP Les Rives khai thác. Ảnh: LAM GIANG
Thực tế, chương trình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đã được khởi động từ năm 2020, với sự tham gia của TP HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. Sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay khu vực này đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch liên kết hấp dẫn, thu hút du khách. Theo các chuyên gia du lịch, mô hình liên kết vùng trong du lịch là hướng đi quan trọng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch vùng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.