Độc đáo chợ phiên Phố Đoàn
Vắng lặng vào những ngày khác trong tuần nhưng đến thứ năm và chủ nhật, chợ Phố Đoàn nhộn nhịp từ tờ mờ sáng. Người dân trong các xã đổ về thật đông vui
Khách đi du lịch Pù Luông thường dành thứ năm hay chủ nhật để tới chợ Phố Đoàn ở xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, xem bà con miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa mua bán.
Có gì bán đó
Khá nhiều người dân ở các xã như Lũng Niêm, Lũng Cao, Cổ Lũng, Ban Công, Ái Thượng… đến chợ chỉ cần vài chục ngàn đồng làm vốn, thậm chí không cần vốn, chủ yếu bỏ công để có hàng bán.

Một góc chợ phiên Phố Đoàn
Trước ngày chợ phiên, họ vào rừng lấy ít măng, rau rừng, hạt dổi, ra sông, suối bắt ốc, bắt cá hay mang gà, vịt nuôi được để đem đến chợ bán. Có người bán theo cân, có người cứ chia rau thành từng bó hoặc từng túi nhỏ; măng thì phân theo cỡ lớn, nhỏ; gà, vịt tính theo con, cứ thế mà bán.
Với cách bán như vậy, cứ người mua sau thì người mua trước bán rẻ hơn một chút, gọi là không để người mua sau thiệt thòi.
Mắc khén, hạt dổi ở nhà trồng, muối chẩm chéo cũng ở nhà làm, phiên chợ nào chị Hà Thị Dung ở xã Lũng Niêm cũng mang những đặc sản ấy đến bán. Chị nói khách mua hàng không chỉ là người trong huyện, mà còn nhiều khách du lịch thích những loại gia vị trên.

Gian bán áo thun nhận thiết kế và in đồng phục
Ngồi cạnh chị Dung là chị Lục Thị Nam ở xã Cổ Lũng, bán tỏi và ốc gạo. Chị Nam cho biết tỏi của nhà chị trồng, mỗi phiên chợ chị nhổ khoảng chục ký đi bán. Còn ốc gạo thì trước ngày họp chợ, gia đình chị ra ruộng, suối để bắt, gặp đợt ốc nhiều có khi một phiên chợ bán cả 20 kg. Khoảng tháng 6 đến tháng 10 thì vào mùa bắt ốc đá núi - một đặc sản Pù Luông rất ngon. Ốc gạo, ốc đá núi ở đây đều béo, khách mua về có thể để 1-2 ngày vẫn ngon.
Trong khu hàng cá, ngồi xen giữa những tiểu thương bán cá biển, hải sản, cá sông là những người dân bày cá bống suối trong từng rổ nhỏ, không bán tính theo cân, mà tính theo mớ. Cá suối luôn bán được nhanh nhất, vì đây là món ăn ưa thích của bà con miền núi này.

Khách du lịch mua măng trong chợ
Khu hàng măng có đến hơn chục người bán. Các chị nói trước phiên chợ, người nhà đã lên núi, vào rừng tìm măng đắng, măng vầu, một phần để nguyên, một phần lột vỏ rồi luộc. Một ký măng còn vỏ bán 20.000 đồng, một buổi chợ, các chị cũng có được 200.000 - 300.000 đồng mua thực phẩm cho gia đình dùng được 4-5 ngày.
Trong chợ Phố Đoàn có nhiều sạp lớn bán hàng rau củ quả nhưng không như tiểu thương ở các chợ phố thị hầu như lấy hàng từ chợ đầu mối, một số người có sạp rau củ quả ở chợ Phố Đoàn thu hoạch nông sản do gia đình trồng mang đến bán. Chị Hà Thị Tím cho biết cà chua, dưa leo, bí đỏ, hành lá, ngò, một số loại rau cải do nhà chị trồng. Nhà chị có 1 ha đất trồng theo cách cuốn chiếu những nông sản ngắn ngày, nên lúc nào cũng có hàng. Để cho sạp phong phú hàng, chị Tím lấy thêm một số loại trái từ vựa.
Không thiếu thứ gì
Đến các chợ phiên, chúng tôi hay thấy nhiều nhất là bà con địa phương trồng nông sản, nuôi gia súc, gia cầm tự mang đi bán, một số người bán các món ăn đặc trưng địa phương, bên cạnh đó có thêm những người chuyên "chạy" chợ phiên bán nông cụ và những hàng tiêu dùng khác.

Gian hàng bán vải thổ cẩm và túi xách, lồng đèn, thú bông nhỏ làm từ vải thổ cẩm
Ở chợ Phố Đoàn, gọi chợ phiên vì một tuần chỉ họp 2 buổi sáng thứ năm và chủ nhật nhưng số người bán cố định gọi là tiểu thương khá nhiều, họ được bố trí vào các khu bán chuyên nhóm hàng như khu rau, khu trái cây, khu thịt, khu cá, khu gà, vịt sống, khu con giống, khu nông cụ, khu hạt giống... Trong các khu này, sạp hàng có bảng tên người bán, kèm số điện thoại.
Các khu rau, trái cây, thịt có nhiều người bán và sạp nào cũng đầy ắp hàng, cho thấy sức tiêu thụ không hề nhỏ.
Nhà chị Trương Thị Tâm ở thôn Hiêu, xã Cổ Lũng, cách chợ Phố Đoàn hơn 6 km nhưng đến thứ năm và chủ nhật là chị phải đi chợ này. Chị nói Phố Đoàn ở vị trí gần như trung tâm của huyện Bá Thước, thuận lợi cho người từ các hướng đổ về, rồi cả dân tỉnh Hòa Bình giáp ranh cũng sang đây mua bán. Một ngày đi chợ để dùng 2-3 ngày nên ai nấy đều mua hàng rất nhiều, nhất là thực phẩm, vì thế rau củ quả, trái cây, thịt, cá phải nhiều mới đủ cung ứng.

Khách nước ngoài cùng thưởng thức bánh nếp, bánh rán với dân địa phương
Hạt mắc khén, hạt dổi, muối mắc khén, muối chẩm chéo, các loại rau rừng, măng rừng, gừng, tỏi, cá suối, ốc suối, gà đồi, vịt đồng…, rồi nông cụ, hạt giống, hàng thổ cẩm, chợ quê miền núi thì hàng hóa liên quan đến đời sống, văn hóa ẩm thực địa phương nổi bật là điều hiển nhiên. Ở chợ Phố Đoàn có những mặt hàng mà người phương xa như chúng tôi mới đến không thể nghĩ là có luôn trong chợ phiên miền núi.
Ngay đầu cổng chợ đã thấy 3 hàng bán chè - trà sữa trân châu - đồ ăn vặt. Chị bán hàng nói thanh thiếu niên miền núi giờ cũng theo trào lưu miền xuôi, các bà mẹ đi chợ mà mua về trà sữa là bọn nhỏ thích lắm, nên bán trà sữa nhiều hơn chè. Trà sữa được làm sẵn từng ly, bịt nắp bằng máy hẳn hoi.

Khu bán gia cầm trong chợ
Ở góc trái trong đầu chợ là hai quầy thuốc có dược sĩ đứng tên và nhân viên tư vấn cho bà con dùng các loại tân dược và thuốc bào chế cổ truyền.
Khoảng giữa chợ, bên trái, có quầy vàng bạc, chủ nhân từ thị trấn Cành Nàng sang Lũng Niêm vào chợ phiên bán các trang sức bằng vàng, bạc và đồng hồ các kiểu. Ngay sau quầy, có thợ nhận sửa đồng hồ, trang sức, tiện cho bà con khỏi đi xa lên thị trấn.
Huyện Bá Thước đông đồng bào dân tộc Thái, Mường sinh sống. Nhà bà con Thái, Mường thường đều phải có chõ đồ xôi, dùng vài năm thì thay cái mới. Nhà chị Lò Thị Phòng ở Cổ Lũng có xưởng chuyên làm chõ đồ xôi, cối giã bằng gỗ lát; thố đựng đồ, vỏ ấm chè, bình hoa bằng gỗ đinh. Phiên chợ nào chị cũng mang những mặt hàng này đến bán, giá phải chăng cho bà con mua dùng, chủ yếu lấy công làm lời.

Trà sữa bán nhiều hơn chè
Nổi bật trong khu hàng quần áo ở cuối chợ là gian hàng bán rất nhiều mẫu áo thun, có bảng hiệu "Xuka in áo lấy ngay - Quần áo thể thao - In, may, thiết kế đồng phục". Chúng tôi thật ngạc nhiên. Người bán hàng cho biết thanh thiếu niên ở miền núi giờ cũng tạo từng đội, nhóm chơi thể thao, một số trường học còn có đội văn nghệ, nhiều gia đình thích có trang phục giống nhau để mặc đi chơi.
Mỗi phiên chợ, gian hàng Xuka giới thiệu những bộ đồng phục may sẵn, ai muốn in thêm hình hay chữ cho đặc biệt hơn thì người bán hỗ trợ thiết kế và in ngay tại chỗ.
Điểm đến thú vị
Các bà lớn tuổi ngồi cạnh nhau trên một dãy sạp. Mỗi người có một ít rau, chuối, trứng, gừng, nghệ… của nhà trồng mang ra bán. Các bà bảo bán một buổi chợ được một trăm ngàn thôi cũng vui, chủ yếu là ra chợ nói chuyện với nhau, nhất là nói chuyện với khách du lịch.

Các hàng bán bánh nếp, bánh rán lúc nào cũng đông
Ở mấy hàng bán bánh nếp, bánh rán, dọn hàng ra là có khách ngay, hết lượt này đến lượt kia, lúc nào cũng kín chỗ. Những chảo rán bánh tới đâu hết tới đó. Khách du lịch trong nước và cả khách nước ngoài thấy lạ đều ngồi vào dùng thử các loại bánh.
Hàng bánh nếp, bánh rán đông nhất là các bà, các chị, còn hàng thuốc lào trong chợ là chỗ dừng chân của các ông. Người bán thuốc lào lúc nào cũng để sẵn 3-4 chiếc điếu cày. Các ông trong lúc chờ vợ mua sắm, thế nào cũng ghé vào hàng thuốc lào hít vài hơi.

Chị Hà Thị Tím bán nhiều loại rau củ quả của nhà chị trồng
Có một điều dễ nhận thấy là người dân địa phương khá quen với sự có mặt của khách du lịch trong chợ, nên việc khách ngồi vào sạp hàng xin chụp hình, không mua gì, họ đều tươi cười. Khách du lịch mua hàng thì bà con cũng bán đúng giá, có khi còn được tặng thêm một ít nữa.
Thấy người đàn ông đang vắt mật ong rừng vào chai, chị Kim Thu hỏi mua thì ông bảo đã có người dặn rồi, không còn để bán. Liền lúc ấy, người phụ nữ đã dặn đến lấy mật ong, thấy chị Kim Thu muốn mua, bà liền nhường lại cả 2 chai. Bà nói khách du lịch biết khi nào mới có dịp trở lại, để cho khách mua trước đem về làm quà, còn bà ở tại địa phương, qua phiên chợ sau mua cũng được. Thật cảm động trước tấm lòng hiếu khách của người dân nơi đây.

Các bà lớn tuổi ra chợ thích nói chuyện với khách du lịch
Mỗi phiên chợ Phố Đoàn đều có khách du lịch đến trải nghiệm không gian chợ quê miền núi. Khách mua hàng về làm quà là vải thổ cẩm, túi, các con thú nhồi bông may bằng vải thổ cẩm, lồng đèn thổ cẩm để trang trí, hay mua măng, gừng, nghệ, muối chẩm chéo, mắc khén, hạt dổi, tỏi.
Bà con bán hàng cho khách du lịch đúng với giá bán cho dân địa phương, đó cũng là điều gây thiện cảm cho khách.

Chị Lò Thị Phòng chuyên bán chõ đồ xôi và một số vật dụng bằng gỗ
Chợ Phố Đoàn đang gìn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Mường, trở thành một điểm đến thú vị. Du khách đến Pù Luông, sau khi qua các bản làng trải nghiệm thì luôn đi chợ phiên Phố Đoàn để trọn vẹn hành trình ở huyện miền núi Bá Thước.