“Cháy” mạng vì Đại Lâm Linh
Nhạc của Ngọc Đại gây tranh cãi đã lâu nhưng chưa bao giờ sóng gió lại nổi lên dữ dội trên mạng như hiện nay sau khi nhóm Đại Lâm Linh có màn biểu diễn gây tranh cãi trong chương trình Bài hát Việt
Khán giả xem chương trình Bài hát Việt tháng 6 trực tiếp trên VTV3 tuần qua đã té ngửa vì màn “lên đồng” của nhóm Đại Lâm Linh (gồm nhạc sĩ Ngọc Đại, ca sĩ Thanh Lâm và Linh Dung).Choáng!
Tin nhóm Đại Lâm Linh tham gia chương trình Bài hát Việt đã được các báo đăng tải nhiều ngày trước đó, song nhiều khán giả xem trực tiếp chương trình tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) lẫn qua truyền hình đều choáng.
Nếu như nhạc sĩ Ngọc Đại xuất hiện với cái đầu trọc cùng sơ mi đen và quần nâu sồng ống rộng thì Thanh Lâm mặc áo kiểu, tóc tai rũ rượi, Linh Dung quần lửng, áo thun, giày bata và đầu trọc. Lần lượt thể hiện 4 ca khúc Nuối tiếc, Dệt tầm gai, Mùa đông và Cây nữ tu, Thanh Lâm và Linh Dung lăn lê bò toài trên sân khấu giữa những tiếng cười, âm thanh rợn người. Giọng hát hai cô lúc thì the thé, khi lại nhừa nhựa. Không dừng lại ở đó, Thanh Lâm và Linh Dung còn “phiêu” như lên đồng trên sân khấu.
Thật ra, đây không phải là lần đầu Đại Lâm Linh “đại náo” sân khấu. Còn nhớ trong đêm diễn 18-4-2009 tại Nhà hát Lớn Hà Nội do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức, nhóm ca này đã trình diễn những câu chuyện bát cơm quả trứng, có di ảnh của những cô gái điên sợ hãi, lẩm bẩm cãi vã, rồi cười và khóc.
Và hai ngày sau Bài hát Việt, Đại Lâm Linh biểu diễn tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội) vào ngày 29-6. Có lẽ vì tò mò, khán giả đã đến ngồi kín hội trường trong đêm diễn này.
Yếu tim thì đừng xem
Đại Lâm Linh mới trình diễn đêm trước, hôm sau fanpage phản đối đã mọc lên như nấm trên Facebook, nào là “Hội những người không thể nào cảm thụ được nhạc của Đại Lâm Linh”, “Hội những người phát cuồng vì Đại Lâm Linh”, “Hội những người thất kinh vì Đại Lâm Linh” hay “Hội những người mãi mãi bàng hoàng khi xem Đại Lâm Linh biểu diễn”...
Trên tường của những fanpage này nhan nhản comment, đại loại: “Đề nghị chọn nhạc của Đại Lâm Linh làm nhạc nền cho Halloween năm nay”, “Nói tôi không biết đến Ngọc Đại là ai thì đúng là tự dối lòng, nhưng cho phép nói thẳng, chuyên môn cao không có nghĩa làm gì cũng đúng, viết cái gì cũng ra thành nghệ thuật”...
Đặc biệt, một thành viên của “Hội những người không thể nào cảm thụ được nhạc của Đại Lâm Linh” gay gắt: “Theo quan sát, có đến gần 1/3 số lượng khán giả đến Nhà hát Hòa Bình đã lẳng lặng bỏ về ngay sau khi kết thúc phần Dự án Âm nhạc của nhóm Đại Lâm Linh. Từ bao giờ Bài hát Việt chấp nhận một nhóm nhạc “liêu trai chí dị” như vậy tung hoành thả phanh trên sân khấu?”. Cư dân mạng nhanh tay tải clip bài “Cây nữ tu” lên YouTube với lời dặn dò: “Yếu tim đừng nên xem!”.
Phục trang gây sốc của nhóm Đại Lâm Linh trên sân khấu chương trình Bài hát Việt
Giữa hai luồng ý kiến khen chê kịch liệt, rất nhiều người không đồng tình việc phát sóng phần biểu diễn của Đại Lâm Linh cho khán giả cả nước xem. “Biết là quan niệm nghệ thuật khá rộng nhưng đài truyền hình không nên đem khán giả, bao gồm cả khán giả thành phố, nông thôn, vùng sâu, miền núi ra thí nghiệm như vậy. Tôi không dám tin là phần đông khán giả thích phần trình diễn này” - Một khán giả lớn tuổi bình luận.
Thể nghiệm?
Tuy nhiên, không phải ai cũng ghét Đại Lâm Linh. Facebook cũng có “Hội những khán giả chân chính yêu nhạc Đại Lâm Linh” với lý giải rất nghiêm túc: “Từ “chân chính” ở đây để nhắc nhớ về sự cảm thụ và thẩm thấu âm nhạc thực sự của mỗi thành viên. (...) Nếu bạn không thực sự yêu thích, vui lòng đừng tham gia vào hoạt động của hội chúng tôi”.
Bên cạnh những ý kiến bênh vực dòng nhạc đương đại mà Đại Lâm Linh thể nghiệm, tôn trọng sự sáng tạo của nhóm dù không thích nhạc của họ là thái độ được nhiều cư dân mạng lựa chọn. “Chẳng có gì phải bàn cãi cả, mỗi người một sở thích và chúng ta cũng chẳng thể làm hài lòng tất cả mọi người. Có người thích và có kẻ ghét. Tôi tôn trọng sự sáng tạo của Đại Lâm Linh” (Miller Hoang) hay “Tôi không phải là fan của Đại Lâm Linh, tôi cũng không đồng cảm với nhạc của họ cho lắm nhưng tôi rất tôn trọng sự thể nghiệm của nghệ sĩ” (Minh Thảo).
Tác giả Thiên Ca cho rằng: “Cách biểu diễn dị thường, trước những khán giả đến xem ca nhạc để giải trí thật đáng tiếc. Cả hai không hiểu nhau và không thuộc về nhau. Tiếc. Vì không gian của Đại Lâm Linh chỉ nên dành cho những người thực sự muốn nghe, thưởng thức, hay tìm hiểu họ”.
Trong bài viết “Trường hợp âm nhạc của Đại Lâm Linh” trên Facebook, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết: “Tôi không chắc mình hiểu thứ âm nhạc của Đại Lâm Linh (...) nhưng dứt khoát không kết luận theo kiểu “thứ rác rưởi, điên khùng”... Hình như ở ta chưa có được thái độ tôn trọng thể nghiệm từ nhiều người”.
Trên Facebook, tác giả Thiên Ca kể lại: “Âm nhạc Ngọc Đại làm những khán giả đến xem Bài hát Việt ồn ào, la ó và nhấp nhổm bởi ấn tượng lạ và lập dị. Bốn bài liên tục khiến họ nổi nóng. Nhiều tiếng nói không giữ ý: “Tưởng đến xem ca nhạc hóa ra bị lừa xem phim ma”, hoặc “Thế này mà gọi là nhạc à?” |