Đồng Nai bố trí trụ sở làm việc, nơi ở cho khoảng 1.600 cán bộ Bình Phước sau sáp nhập

(NLĐO)- Đồng Nai dự kiến sau khi sáp nhập sẽ đảm bảo không để thiếu chỗ ở, chỗ làm việc cho cán bộ, công chức từ Bình Phước chuyển đến

Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết tại buổi làm việc với các sở, ngành và TP Biên Hòa về công tác chuẩn bị trụ sở và nhà ở cho các bộ, công chức phục vụ việc sáp nhập tỉnh Đồng Nai với Bình Phước, diễn ra ngày 21-4.

Theo ông Hà, Đồng Nai đảm bảo không để thiếu chỗ ở, chỗ làm việc cho cán bộ, công chức thuộc diện điều động, luân chuyển, phải thay đổi nơi làm việc.

Đồng Nai bố trí trụ sở làm việc, nơi ở cho khoảng 1.600 cán bộ Bình Phước sau sáp nhập- Ảnh 1.

Một góc TP Biên Hòa nhìn từ trên cao

Về trụ sở các cơ quan nhà nước, theo báo cáo của Sở Tài chính, tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu trước mắt. Bên cạnh đó, Đồng Nai đang triển khai nhanh Dự án Khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay.

Về nhà ở, ngoài các nguồn như dự án nhà ở xã hội đang triển khai và sửa chữa trụ sở làm việc thành nhà công vụ, Đồng Nai đã chỉ đạo và Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra các dự án nhà ở tại TP Biên Hòa, trường hợp phát hiện không đúng đối tượng kiên quyết thu hồi lại để bố trí chỗ ở cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, kêu gọi các trường hợp đã có nhà ở mới thì nhường căn nhà ở xã hội lại cho người thực sự có nhu cầu.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai Ngô Đức Thắng cho biết qua rà soát, có 467 trụ sở là cơ quan cấp tỉnh và cơ sở sự nghiệp thuộc cơ quan cấp tỉnh đang quản lý, sử dụng và đề xuất giữ lại tiếp tục sử dụng trong thời gian tới.

Có 13 trụ sở UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện thu hồi, đến nay xử lý được 4 trụ sở, còn lại 9 trụ sở chưa thu hồi.

Về quản lý, sử dụng trụ sở khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, Sở Tài chính đã có hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý tài sản công khi sáp nhập, đồng thời đề nghị những đơn vị rà soát tiêu chuẩn định mức, báo cáo tài sản dôi dư sau sắp xếp.

Qua rà soát trụ sở dôi dư và các khu đất UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, hiện có 5 trụ sở có thể sửa chữa làm nhà công vụ cho cán bộ, công chức; 6 trụ sở có thể duy tu, sửa chữa để sử dụng làm trụ sở làm việc sau khi sáp nhập tỉnh; 7 trụ sở các cơ quan, đơn vị đang sử dụng nhưng chưa hết công năng, sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy chính trị, các trụ sở này không còn phù hợp, phải bố trí, sắp xếp lại.

Về nhà ở, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, khoảng 1.600 cán bộ, công chức sẽ từ Bình Phước về tỉnh làm việc khi sáp nhập tỉnh. Đồng Nai đang có 2 nguồn để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho số cán bộ này như các nhà ở xã hội tại phường Long Bình Tân và phường Phước Tân.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu trước ngày 10-5, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh rà soát, lập hồ sơ sửa chữa để đưa 6 trụ sở tiếp tục sử dụng sau sáp nhập. Đồng thời, Sở Tài chính chủ trì, làm việc với 7 đơn vị đang sử dụng trụ sở nhưng chưa hết công năng để thống nhất sắp xếp gọn lại; xác định số lượng còn dư, nghiên cứu chuyển sang làm nhà công vụ.

Đối với nhà ở công vụ, trước mắt lấy các trụ sở làm việc không có nhu cầu sử dụng sửa chữa làm nhà ở. Về lâu dài, Sở Xây dựng chủ trì cùng với các cơ quan liên quan khảo sát thực tế, lựa chọn trụ sở, khối nhà đang quản lý sửa chữa thành nhà công vụ phục vụ cán bộ, công chức...