Dự án hồ chứa nước Ka Pét: Gấp lắm rồi!

Đây cũng là công trình có vai trò điều tiết lũ, bổ cập nước ngầm và phòng chống thiên tai cho khu vực Nam Bình Thuận - nơi thường xuyên khô hạn

Ngày 13-5, nguồn tin Báo Người Lao Động cho biết Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo cụ thể gửi UBND tỉnh này liên quan tiến độ dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Dự án trọng điểm của Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận đã đưa hồ Ka Pét vào danh sách các dự án trọng điểm năm 2025, bên cạnh các công trình như sân bay Phan Thiết, các công trình giao thông huyết mạch.

Chính vì điều này nên lãnh đạo tỉnh yêu cầu ban quản lý dự án và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết từng tháng, từng quý và đẩy nhanh thủ tục để khởi công các gói thầu thi công vào cuối năm nay.

Theo đó, dự án hồ Ka Pét sẽ được thực hiện trong thời gian 1.808 ngày, dự kiến kết thúc vào ngày 5-6-2028. Dự án bao gồm 119 hoạt động chia theo 8 nhóm công việc lớn như: quyết định đầu tư, lâm nghiệp, khảo sát thiết kế, thu hồi đất, rà phá bom mìn, thi công, giám sát và kết thúc đầu tư.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét: Gấp lắm rồi! - Ảnh 1.

Mô hình tuyến đập chính hồ chứa nước Ka Pét

Tổng vốn đầu tư dự án đã bố trí đến năm 2025 là 253,9 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2025 là 242,69 tỉ đồng. Tính đến nay, đã giải ngân được 47,92 tỉ đồng - tương đương 19,75% kế hoạch năm.

Trong năm 2025, Bình Thuận dự kiến tiếp tục giải ngân 168,79 tỉ đồng cho tạm ứng xây lắp và chi phí tư vấn, bảo hiểm; gần 26 tỉ đồng bổ sung cho nhiệm vụ trồng rừng thay thế.

Ông Phan Thanh Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết dự án hồ Ka Pét được Quốc hội phê duyệt bởi Nghị quyết 93 ngày 26-11-2019 và Nghị quyết 101 ngày 24-6-2023. "Hồ chứa nước Ka Pét có dung tích hơn 51 triệu m³, khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho gần 8.000 ha đất nông nghiệp, cung cấp 2,63 triệu m³ nước thô/năm cho Khu Công nghiệp Hàm Kiệm II và bảo đảm nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 dân cư TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam" - ông Hoàng nói.

Đây cũng là công trình có vai trò điều tiết lũ, bổ cập nước ngầm và phòng chống thiên tai cho khu vực Nam Bình Thuận - nơi thường xuyên khô hạn. Vì lẽ đó, người dân ở khu vực này đang từng ngày, từng giờ trông chờ dự án nhanh chóng hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng.

Thách thức từ hơn 600 ha đất rừng

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn hiện nay là việc chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 600 ha đất rừng (gồm rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Điều này không chỉ đòi hỏi các cơ quan chức năng thẩm định kỹ lưỡng phương án mà còn là việc tìm đất và thực hiện trồng lại tối thiểu 1.845 ha rừng thay thế theo quy định. Đây là yêu cầu bắt buộc trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và là điều kiện để triển khai xây lắp các hạng mục chính.

Công trình hồ chứa nước Ka Pét cần gần 698 ha đất để triển khai. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là gần 680 ha (đất có rừng gần 620 ha, gồm rừng đặc dụng gần 138 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất hơn 440 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng gần 41 ha và đất không có rừng hơn 60 ha); đất sản xuất nông nghiệp hơn 18 ha. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận, 620 ha rừng chuyển đổi làm hồ Ka Pét chỉ chiếm 0,15% tổng diện tích rừng tại Bình Thuận. Trong số này, riêng rừng đặc dụng trong hồ Ka Pét là 137 ha, chiếm 0,6% trong tổng số 24.355 ha rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Ông Đỗ Văn Thông, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ - đơn vị tư vấn, đánh giá hiện trạng rừng xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét, cho biết đây là dự án quan trọng nên việc lấy mẫu rừng được thực hiện rất kỹ. Kết quả điều tra từ tỉ lệ rút mẫu trên 1,57% tổng diện tích vùng dự án cho thấy mật độ bình quân của các trạng thái rừng là trên 500 cây/ha. Chủ yếu là các loài bằng lăng, căm xe, sổ, cóc rừng, thầu tấu, dầu đồng, cà chắc.

Trước đó, trong báo cáo cuối tháng 3-2024, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tiến độ dự án hồ chứa nước Ka Pét còn chậm, một phần là vì quá trình tổ chức khảo sát địa chất phát hiện tại vị trí tuyến đập chính bố trí hiện nay nằm trên tầng địa chất yếu (là đới đá phong hóa vừa xen với phong hóa mạnh) ảnh hưởng độ an toàn của tuyến đập. Vì vậy, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư cần có thời gian để nghiên cứu, xem xét xử lý lớp địa chất này. 

ĐTM phải bổ sung mô hình ứng phó vỡ đập

Liên quan dự án này, đầu năm 2024, tỉnh Bình Thuận đã thanh lý hợp đồng với đơn vị thực hiện báo cáo ĐTM và chọn đơn vị mới để thực hiện. Theo báo cáo từ UBND tỉnh Bình Thuận lên Chính phủ, báo cáo ĐTM phải bổ sung tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn. Trong khi đó, từ việc rà soát hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM, nhận thấy đơn vị cũ không đủ năng lực để tổ chức thực hiện 2 mô hình nêu trên. Do đó, ban quản lý dự án đã lựa chọn đơn vị khác để hoàn thiện báo cáo ĐTM của dự án bảo đảm đúng tiến độ.

Đến tháng 11-2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phê duyệt ĐTM của Dự án "Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận".

Dự án hồ chứa nước Ka Pét: Gấp lắm rồi! - Ảnh 2.