Dự báo "nóng": Chiến sự leo thang, bầu cử Mỹ bất định và nỗi lo bất ổn mới
(NLĐO) - Giới đầu tư đang lo ngại về một kết quả bầu cử Mỹ gây tranh cãi trong bối cảnh các cuộc xung đột chưa hạ nhiệt sẽ làm chao đảo thị trường thế giới.
Trong khi đó, Nga có thể tiếp tục tăng lãi suất lên mức lịch sử 23% khi kinh tế tăng trưởng ảm đạm do tiêu dùng và đầu tư đều chậm lại.
Lại dập tắt kỳ vọng giảm lãi suất
Ngân hàng Trung ương Nga hôm 25-10 tuyên bố tăng lãi suất thêm 2 điểm % lên 21%, mức cao nhất kể từ tháng 2-2003. Dường như chưa đủ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho rằng sẽ "không có giới hạn" đối với mức lãi suất cơ bản, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục điều chỉnh.
Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết lạm phát hiện tại là 8,4%, dự báo cuối năm nay vào khoảng 8%-8,5%, cao hơn đáng kể so với dự báo hồi tháng 7 là 6,5%-7%. Ngân hàng này nhấn mạnh cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để bảo đảm lạm phát trở lại mức mục tiêu.
Đáng chú ý, theo nhà kinh tế Evgeny Kogan, Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận sẽ không đạt được mục tiêu lạm phát vào năm tới và việc nâng dự báo lạm phát là "sự đầu hàng". Còn giới chuyên gia kinh tế nhận định diễn biến hiện tại đang mở ra khả năng Nga tăng lãi suất lên 23% trước thời điểm cuối năm nay. Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất trong bối cảnh nhiều nền kinh tế như Mỹ, châu Âu đang nới lỏng chính sách tiền tệ cũng làm dấy lên lo ngại về tiềm năng tăng trưởng của Nga.
Cả IMF và Ngân hàng Trung ương Nga đều mô tả tình trạng hiện tại của nền kinh tế Nga là "quá nóng", dù chính phủ nước này vẫn lạc quan dự báo năm nay tăng trưởng đạt 3,9% và sang năm là 2,5%.
Tại nền kinh tế số 1 thế giới, ông Derren Nathan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại Công ty tài chính Hargreaves Lansdown, nhìn nhận kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất lớn khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm phần nào sau khi có số liệu việc làm mới tăng mạnh và một số nhà hoạch định chính sách hàng đầu cho rằng họ muốn thấy tốc độ cắt giảm lãi suất chậm hơn.
Ông Derren Nathan cũng chỉ rõ bóng đen phủ lên thị trường chứng khoán toàn cầu tuần qua là bởi sự kết hợp giữa tình hình bất ổn liên tục ở Trung Đông và sự không chắc chắn về cuộc bầu cử Mỹ.

Các nhà giao dịch làm việc tại Sở Giao dịch chứng khoán New York - Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group, thị trường cho rằng 89,6% khả năng FED sẽ cắt giảm 0,25 điểm % trong cuộc họp tháng 11 sắp tới, trong khi có 10,4% khả năng giữ nguyên mức lãi suất hiện tại. Trước đó, hồi tháng 9, FED quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % xuống 4,75%-5%.
Ông Thierry Wizman, chiến lược gia về lãi suất và ngoại hối toàn cầu tại Macquarie (Mỹ), nhận định nếu các số liệu kinh tế của Mỹ không mạnh, thậm chí còn yếu hơn so với các khu vực khác, sự khác biệt giữa FED và các ngân hàng trung ương khác sẽ ngày càng lớn - ít nhất là về "mặt giọng điệu và cách truyền thông". Điều này là yếu tố chính khiến đồng USD tiếp tục mạnh lên.
Bất ổn địa chính trị
IMF cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế, dù vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2% và năm 2025 là 3,2% - thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7.
Trong đó, IMF hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Trung Đông và Bắc Phi xuống còn 2,1% trong năm nay trong khi duy trì triển vọng tăng trưởng 4% trong năm 2025. Đáng nói là những ước tính này không tính đến tác động kinh tế của sự leo thang xung đột gần đây ở miền Nam Lebanon, nơi Israel tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Hezbollah.
Ông Jihad Azour, người đứng đầu bộ phận Trung Đông và Trung Á của IMF, hôm 24-10 cho rằng cộng đồng quốc tế nên nỗ lực chấm dứt xung đột ở Trung Đông và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn bao trùm các quốc gia trong khu vực.
Theo trang mạng phân tích khu vực Trung Đông Al-Monitor (Mỹ), ông Jihad Azour, cũng là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Lebanon, lưu ý rằng những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, bao gồm Lebanon và Gaza, đang đối mặt với vấn đề nhân đạo lớn tàn phá nền kinh tế của họ. IMF dự báo tăng trưởng tại đây sẽ âm và tiến trình phục hồi cần nhiều thời gian hơn. Thậm chí, với nền kinh tế Lebanon, IMF còn tạm ngừng đưa ra dự báo bởi "mức độ không chắc chắn cao bất thường".
Nhưng, một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc ước tính GDP của Lebanon sẽ giảm 9,2% do hậu quả trực tiếp từ cuộc xung đột. Trong khi đó, đối với các quốc gia bị ảnh hưởng gián tiếp bởi xung đột, như Jordan và Ai Cập, tác động từ các chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza và Lebanon được cảm nhận khác nhau. Cụ thể, Ai Cập bị ảnh hưởng nặng nề bởi sụt giảm 70% doanh thu từ các tàu đi qua kênh đào Suez, còn nền kinh tế Jordan chịu thiệt hại từ sự suy giảm mạnh của ngành du lịch.
Châu Á là động lực mạnh mẽ
Trái với khu vực chiến sự, triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá tích cực với mức dự báo tăng trưởng được điều chỉnh tăng lên 4,6% trong năm 2024 và 4,4% cho năm 2025. Theo ông Krishna Srinivasan, Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của IMF, khu vực này tiếp tục đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu, đóng góp tới 60% tăng trưởng thế giới.

Một nhân viên vận hành cần cẩu để xếp container tại ga container đường sắt ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
IMF dự báo nhu cầu nội địa tại châu Á sẽ phục hồi nhanh hơn các khu vực khác. Hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng ổn định, dù có thể chậm lại vào năm 2025. Các thị trường mới nổi khác trong khu vực cũng được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo về các thách thức đang gia tăng, đến từ rủi ro suy giảm nhu cầu toàn cầu, sự yếu kém của nhu cầu nội địa Trung Quốc và xu hướng gia tăng rào cản thương mại quốc tế.
Đáng chú ý, ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Hai ứng cử viên tổng thống gồm bà Kamala Harris và ông Donald Trump đã vạch ra những tầm nhìn gần như trái ngược nhau liên quan chính sách thương mại, đặc biệt là thương mại với Trung Quốc. Cả hai ứng viên được dự đoán sẽ duy trì các mức thuế hiện có đối với các sản phẩm của Trung Quốc, song sự khác biệt đáng kể sẽ nằm ở việc áp đặt thêm các mức thuế mới hoặc tăng mức thuế hiện có.
Thương mại toàn cầu ra sao sau bầu cử Mỹ?
Nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống, các đối tác thương mại của Mỹ, không chỉ riêng Trung Quốc, có thể phải đối mặt với những mối đe dọa thuế quan mới. Cách tiếp cận của ông Trump về vấn đề này thậm chí còn gây tác động mạnh hơn nhiệm kỳ trước.
Năm 2018, ông Trump từng áp đặt thuế lên nhiều loại sản phẩm từ Trung Quốc cũng như các sản phẩm nhôm và thép từ các đối tác thương mại của Mỹ ở châu Âu, châu Á. Có tổng cộng 80 tỉ USD tiền thuế được áp lên các sản phẩm với trị giá 380 tỉ USD.
Trong các cuộc vận động tranh cử gần đây, cựu tổng thống đe dọa áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông cũng đề xuất mức thuế 10%-20% đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu, đồng thời có thể sử dụng nhiều quyền hạn pháp lý khác nhau để thực hiện chính sách này, chẳng hạn Mục 232, Mục 301 Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế và Mục 122, Mục 338 Đạo luật Thuế quan năm 1930. Ngoài ra, ông Trump còn đe dọa áp thuế đối với các công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Mỹ. Mục tiêu tổng thể của chính sách thuế quan là buộc các doanh nghiệp phải chuyển hoạt động sản xuất từ nước ngoài về Mỹ.

Ông Trump và bà Harris chạy nước rút trước ngày bầu cử. Ảnh: WSJ
Không giống ông Trump, bà Harris được cho là sẽ khuyến khích các đồng minh của Mỹ áp dụng các chính sách tương tự để tăng áp lực lên Trung Quốc và ngăn chặn sự chuyển hướng thương mại.
Bà Harris muốn điều chỉnh phản ứng của Mỹ để bảo đảm thương mại công bằng, ổn định cũng như khả năng dự đoán được. Các chính sách kinh tế quy mô lớn của bà cho thấy sự tập trung vào việc củng cố sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thông qua các khoản trợ cấp kinh tế khác nhau thay vì thuế quan.
Bà Harris sẽ tiếp tục sử dụng các luật thương mại để chống lại các vi phạm quyền lao động quốc tế cũng như để thực thi các tiêu chuẩn môi trường. Nhìn chung, nữ ứng cử viên tổng thống tập trung vào chính sách công nghiệp nội địa và vai trò lãnh đạo của Mỹ thông qua sự đoàn kết với các đối tác kinh tế, trong khi ông Trump theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ.
Chia sẻ trên trang của Công ty luật BakerHostetler (Mỹ), các chuyên gia cho rằng bất kể ai đắc cử, nền kinh tế Mỹ, các mối quan hệ quốc tế và hệ thống thương mại toàn cầu đều bị tác động.
Đồng yen lao dốc, để ngỏ khả năng giảm lãi suất
Đồng yen chạm mức 153,84 yen đổi 1 USD trong phiên giao dịch sáng 28-10, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7, sau khi liên minh cầm quyền tại Nhật Bản mất thế đa số tại Hạ viện. Các nhà đầu tư cho rằng điều này có thể sẽ làm chậm tiến trình tăng lãi suất của Nhật Bản trong tương lai.
Theo giới phân tích, chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử này sẽ gây áp lực đòi hỏi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thực hiện tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ một cách hết sức chậm rãi.
BOJ sẽ có cuộc họp trong hai ngày 30 và 31-10, dự kiến không có thay đổi nào về chính sách tiền tệ. Các nhà phân tích tại Tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura cho rằng thị trường nhận thấy nhiều khả năng chính sách kinh tế trở nên ôn hòa hơn.
Tuần trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda phát tín hiệu tạm dừng việc tăng lãi suất trong thời gian tới khi ông "đau đầu vì đang phải cân nhắc về mức độ và thời điểm cho việc tiếp tục bình thường hóa lãi suất".
Chiến lược gia trưởng Shoki Omori tại Mizuho Securities cho rằng nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn chưa có động thái nào trong tháng 10 và lãi suất tại Mỹ vẫn duy trì ở mức cao cho đến tháng 12, có khả năng đồng yen sẽ tụt xuống mức 160 yen đổi 1 USD.
